Phía sau vụ án này là những câu chuyện đáng thương của các bị cáo câm điếc - những người sống trong thế giới không âm thanh màPháp Luật TP.HCM muốn chuyển tới bạn đọc.
1. Trong chái nhà tạm bợ ở ấp An Quới, xã An Hòa (Trảng Bàng, Tây Ninh) được cất lên từ 5 triệu đồng vay mượn, bà Huỳnh Thị Hương - mẹ của bị cáo Lê Huỳnh Vũ Kha vội vàng đút cơm cho đứa cháu nội (con của Kha) và đứa em trai của Kha rồi chạy vội đến trường cấp 2 An Hòa để dạy tiết Lý giữa buổi. Hàng xóm ai cũng cám cảnh gia đình bà giáo viên nghèo khó và khổ hạnh này. Bà Hương tâm sự: “Vợ chồng tui sinh ba đứa con nhưng không đứa nào lành lặn hoàn toàn. Kha là con đầu, bị câm điếc bẩm sinh. Đứa thứ hai biết nói nhưng cũng ngầy ngật không làm gì phụ giúp ba mẹ được. Tui đăng ký cho con đi bộ đội nhưng xã cũng từ chối vì sợ nó cầm súng nhắm bên này lại bắn bên kia. Đứa út cũng bị câm điếc bẩm sinh và bại não nhẹ, đã 11 tuổi nhưng chuyện ăn uống, vệ sinh tui phải lo hết”.
Lúc Kha bảy tuổi, gia đình xin vào học ở Trường Khuyết tật quận 11, TP.HCM. Người cha khăn gói theo con xuống Sài Gòn thuê nhà trọ đi bỏ bánh mì mướn để lo cho con. Vài năm sau, tỉnh Tây Ninh mở trường dành cho trẻ câm điếc, Kha được đưa về học gần nhà nhưng chưa được bao lâu thì nghỉ học. Từ đó, Kha ở nhà đi làm thuê đủ việc, phơi vác đậu phộng, uốn tầm vông… Một ngày, Kha ngồi uống cà phê ở KCN gần Bến Cầu thì gặp tiếng sét tình yêu với cô công nhân giày da. Từ đó, nhà Kha có thêm niềm vui. Có dâu, vợ chồng bà Hương cố gắng xây một khoảnh tường kín để vừa đủ cái giường cho vợ chồng đôi trẻ. Tình yêu của họ đơm hoa bằng một thằng nhóc kháu khỉnh ra đời.
Bốn bị cáo câm điếc tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: THANH TÙNG
Mỗi năm một lần, TP.HCM tổ chức ngày hội trại cho người khuyết tật ở Khu du lịch Suối Tiên. Người câm điếc thường đến đây vui chơi, tìm bạn đồng cảnh ngộ. Từ ngày hội này, Kha và những người bạn Phạm Quý Lâm, Nguyễn Văn Tú, Mai Thy Dương và Huỳnh Hữu Phước (người bị hại trong vụ án) quen nhau. Trong ngày sinh nhật con trai Kha, nhóm bạn đến mừng. Trong buổi tiệc, có người kể Phước nói Kha có vợ rồi mà còn sex đứa này đứa kia. Giận bạn, hôm sau Kha rủ những người bạn còn lại đến gặp Phước “đòi tiền phạt vạ” cho chừa. Bi kịch xảy ra từ đây. Kha đi tù, vợ Kha bị sốc bỏ về nhà mẹ đẻ ở tạm một thời gian, để lại đứa con hai tuổi cho bà Hương chăm.
2. Mai Thy Dương ra đời chưa tròn một năm thì cha bỏ đi lấy vợ khác. Mẹ Dương bồng đứa con ngờ nghệch, câm điếc bẩm sinh rời Tây Ninh xuống KCN Vũng Tàu thuê nhà trọ làm công nhân kiếm sống. Dương đi học ở trường câm điếc Vũng Tàu nhưng chưa tới hai năm thì bỏ vì chữ không vào đầu được. Hằng ngày, Dương dùng sức vóc trai tráng để đi vác hàng mướn và phụ lơ xe ở bến xe. Tính đến nay, hai mẹ con đã có 20 năm sống kiếp nhà trọ, làm thuê để hằng tháng gửi tiền về nuôi ông bà ngoại đau yếu.
Với người câm điếc, giao tiếp để người ở thế giới bình thường hiểu được những ú ớ và những dấu hiệu từ tay là điều không dễ. Sự hiểu lầm thường xuyên diễn ra. Có lần, thấy người ta đánh lộn ở Bến xe Vũng Tàu, Dương nhào vô can thì bị bên này tưởng là phe bên kia nên đánh luôn. Dương xua tay ra dấu kiểu gì người ta cũng không hiểu. Một ngày, Dương xin mẹ đi chơi với Kha (ở Dĩ An, Bình Dương) cùng nhóm bạn cùng cảnh. Và bi kịch đã xảy ra…
Bà Huỳnh Thị Hương cùng cháu nội (con bị cáo Kha) và em của Kha trong căn nhà tồi tàn ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Ảnh: THANH MẬN
Sau ngày con bị bắt tạm giam, mẹ đi thăm nuôi. Con ra dấu tay ám chỉ mua một chai thuốc chống muỗi. Dấu hiệu phát đi được mẹ hiểu thành Dương cần nước tương nên bà đã mua lên năm chai trong lần thăm nuôi sau đó. Con chỉ vào những dấu muỗi chích trên người và tỏ ý trách hờn, một hồi lâu mẹ mới hiểu ra. Nước mắt bà chảy ròng…
Hai bị cáo còn lại cũng thảm cảnh không kém. Ngày các con bị bắt, bốn bà mẹ quáng quàng không hiểu chuyện gì xảy ra, vì thường ngày các mẹ nói chuyện với con đã rất khó. Ngày thăm nuôi đầu tiên, các bà mẹ làm quen, hỏi chuyện lẫn nhau, lần hồi mới hiểu ra một phần câu chuyện.
3. Bà Trần Thị Ngời, Hiệu trưởng Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1, TP.HCM, cho biết rằng chuyện hiểu nhầm người câm điếc là bình thường. “Hồi trước, khi tôi dạy ở Lái Thiêu, tôi “nghe” được một học sinh nói rằng “cô ngu quá, cô bị khùng quá”. Tôi bị sốc và khóc quá chừng. Sau này, khi ra nước ngoài học về tâm lý người câm điếc tôi mới vỡ ra rằng em đó không hề có ác ý nhưng do trình độ nhận thức thấp nên em chỉ diễn đạt được như vậy. Thật ra ý của em đó chỉ đơn giản là “cô dở quá à, sao cô chậm hiểu vậy”.
Ngay trong giới câm điếc cũng có những chuyện hiểu nhầm xảy ra. Bà Ngời cho rằng nguyên nhân chính là do họ ít học, trí não bị hạn chế, ít ngôn từ để diễn đạt. Trong một vấn đề, họ thường chỉ hiểu theo nghĩa 1 + 1 = 2, không hiểu xa xôi, người khác có lý giải cỡ nào các em cũng không chịu. Chẳng hạn, nói về xúc cảm thì các em ít học chỉ có thể diễn đạt bằng hai trạng thái là ghét hoặc yêu chứ không dùng những trạng thái lưng chừng khác là mến, thương. Mặt khác, vì người câm điếc ít học nên khi giao tiếp họ có những dấu thô bạo của giới này, ví dụ “tao giết mày” (chỉ lên cổ, lấy tay cứa cổ) nhưng thực tế ý trong đầu họ chỉ muốn nói rằng “tao không bằng lòng mày, tại sao mày đòi tiền của tao”. Nếu người câm điếc đi học lên cao như người bình thường thì cách diễn đạt của họ khác. “Sống trong thế giới câm điếc thì khổ vô cùng” - bà Ngời nói.
* * *
Trong “Đơn xin từ chối không giám định và không truy cứu trách nhiệm hình sự” do Phước viết ngày 15-2-2013 có đoạn: “Vào ngày 11-12-2012, do có sự hiểu lầm cùng nhóm bạn khuyết tật đã xảy ra trận xô xát với bốn bị can, đánh trúng vào đầu… Sự việc trên xảy ra chỉ do sự hiểu lầm nên không có gì quá đáng. Vậy nay tôi là người bị hại đã đồng ý tha thứ cho họ, nên cũng mong các cấp có thẩm quyền xét để trả các bạn ấy về với gia đình…”.
Tôi rất muốn gõ cửa cái thế giới âm thanh đó để biết thực hư chuyện hiểu lầm mà Phước nói là gì, chuyện gì đã diễn ra trong đoạn đối thoại giữa họ... Có lẽ bạn cũng sẽ như tôi, bởi khi hiểu rõ câu chuyện, biết đâu bốn bị cáo câm điếc đã không bị vướng vòng tù tội.
Thế giới của người không âm thanh Trên Wikibooks, ai đó đã post lên một đoạn nói về người câm điếc như thế này: Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng một sáng ngủ dậy bạn không còn nghe được bất kỳ âm thanh nào của cuộc sống nữa. Lúc ấy, bạn sẽ không thể thả mình theo điệu nhạc du dương của ca sĩ thần tượng nữa. Bạn phải bỏ qua hầu hết chương trình tivi, rạp chiếu bóng. Bạn gặp vô vàn nguy hiểm khi đi trên đường (nhất là đường Việt Nam), tiếng còi bim bim hỗn loạn ở trên đường dù khó chịu nhưng chắc chắn là cần thiết. Nếu đi du lịch, bạn sẽ không thể hiểu thế nào là róc rách suối reo, thế nào là chim ca vang rừng. Bạn không thể có những giây phút thì thầm âu yếm bên người mình yêu thương… Bạn biết không, có một cộng đồng như thế đã và đang tồn tại ở xung quanh chúng ta. Một cộng đồng mà thậm chí không có cả một thứ ngôn ngữ riêng thống nhất. Và như thế, họ gần như bị cô lập và dễ bị tổn thương, đồng thời chỉ có thể thu nhận được một lượng thông tin nhỏ hơn rất nhiều một người bình thường thu nhận. Vì người bình thường có một đôi mắt, một đôi tai, một cái miệng để giao tiếp với thế giới, còn người điếc câm thì chỉ còn đôi mắt, thế thôi! “Đánh gạch đá bum” . Vì sao Kha đánh em? + Đánh gạch đá bum. . Kha đánh em vì sao? + Kha đánh tiền 3 triệu. . Kha có nói gì với em? + Không nói làm gì. Kha có nói Phước chơi. Phước không biết. Kha đánh Phước. Phước không chịu đưa 3 triệu Kha. Kha kêu Phước cùng bốn người đi cà phê, Phước không chịu vì Phước thiếu ngủ đi làm đó… Huỳnh Hữu Phước đang bút đàm với phóng viên. Ảnh: PHƯƠNG LOAN . Kha có lục lọi tiền Phước không? + Chưa. . Phước có tiền khi bị Kha đánh không? + Phước lo tiền cho em bé rồi, 2 triệu rồi. . Lúc đánh Phước, Kha có biết Phước không có tiền không? + Biết. Có để dành tiền lo em bé… (Trích đoạn bút đàm giữa PV và Huỳnh Hữu Phước, người bị hại trong vụ án” |
THANH MẬN - PHƯƠNG LOAN