Phó thủ tướng chỉ đạo kiểm tra lại dự án nhận chìm

Tối 25-7, Chủ tịch VAST Châu Văn Minh xác nhận với Pháp Luật TP.HCM cách đây ít phút.
Các nguồn tin từ Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ cho biết đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau buổi họp ngày 24-7 với đại diện Bộ TN&MT - chịu trách nhiệm cấp phép nhận chìm, Bộ Công Thương - quản lý nhà nước về năng lượng, Bộ Khoa học công nghệ và VAST. Cuộc họp tập trung vào giải quyết các ý kiến, kiến nghị cũng như dư luận xã hội liên quan đến kế hoạch nhận chìm tại địa điểm nhạy cảm, khá gần với khu bảo tồn Hòn Cau và bãi cạn Breda thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
10 ngày trước, trong một lần trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM về dư luận trái chiều quanh quyết định cấp phép của Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay ông cũng đang đề nghị VAST vào cuộc để phối kiểm, đảm bảo tính khách quan cho vấn đề gây tranh cãi này.
Hiện tại, theo giấy phép nhận chìm, Viện Hải dương học Nha Trang - đơn vị trực thuộc VAST đang tham gia giám sát độc lập trước, trong toàn bộ quá trình nhận chìm và sau khi hoàn tất nhận chìm. Mấy ngày qua, Viện đã tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu môi trường nền đáy biển khu vực cấp phép nhận chìm cũng như các khu vực nhạy cảm gần đó để đánh giá xem có khớp với hồ sơ xin cấp phép mà Vĩnh Tân 1 trình Bộ TN&MT hay không.
“Các chuyên gia của Viện Hải dương học đã khảo sát xong rồi, đang tổng hợp số liệu, lập báo cáo. Chúng tôi sẽ sớm tiếp nhận thông tin để có kế hoạch kiểm tra lại theo yêu cầu của Phó Thủ tướng” - ông Châu Văn Minh cho biết.
Liệu việc kiểm tra lại sẽ ảnh hưởng thế nào tới kế hoạch nhận chìm của Vĩnh Tân 1 theo giấy phép đã được cấp? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, đơn vị tham mưu cho Bộ TN&MT trong việc cấp phép, cho rằng chưa thể đánh giá được.
“Bộ cấp phép trên cơ sở hồ sơ của chủ đầu tư và ý kiến của hội đồng tư vấn thẩm định. Nhưng có được triển khai nhận chìm hay không còn tùy thuộc vào kết quả khảo sát môi trường nền. Nếu có khác biệt lớn với tài liệu Vĩnh Tân 1 cung cấp thì làm sao nhận chìm được. Ngoài ra, còn đợi kết quả kiểm tra lại của Viện Hàn lâm nữa…” - ông Sơn cho biết.
Trong lúc kế hoạch nhận chìm của Vĩnh Tân 1 đang gặp nhiều phản ứng thì Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3 thuộc EVN), chủ đầu tư hai nhà máy điện than khác trong cụm nhiệt điện Vĩnh Tân, cũng nộp hồ sơ xin nhận chìm 2,4 triệu m3 vật liệu nạo vét cảng than trước nhà máy này. Liệu những vướng mắc ở Vĩnh Tân 1 sẽ tác động thế nào tới việc cấp phép cho EVNGENCO3? Ông Sơn cho hay: “Không phải vì Vĩnh Tân 1 trục trặc mà siết hay mở với các việc xin phép sau đó. Vấn đề môi trường thì luôn phải làm chặt chẽ, không có phân biệt đối xử. Tới đây có cấp phép cho nhận chìm 2,4 triệu m3 hay không, cấp lúc nào còn tùy thuộc vào hồ sơ mà chủ đầu tư cung cấp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm