Tối 16-11, Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ I, năm 2024 chính thức khai mạc tại làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã đến dự lễ.
Lễ khai mạc diễn ra long trọng, đánh dấu một sự kiện quan trọng không chỉ với Vĩnh Long mà còn với toàn khu vực ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đã chia sẻ về vị thế đặc biệt của Vĩnh Long. Vĩnh Long không chỉ là cái nôi của nền kinh tế, chính trị trong quá khứ với Long Hồ Dinh mà còn là vùng đất lưu giữ những di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, là quê hương của các lãnh đạo nổi tiếng như Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.
Vĩnh Long cũng được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái sông nước phong phú và đất đai màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch. Một trong những di sản văn hóa đặc sắc của Vĩnh Long chính là nghề gạch gốm đỏ, đã có lịch sử hơn 200 năm. Dòng sông Cổ Chiên của huyện Mang Thít đã tạo nên những mỏ đất sét quý giá, là nguồn nguyên liệu tạo nên sản phẩm gạch gốm đỏ độc đáo, nổi bật với vẻ đẹp cổ kính, vừa mang đậm dấu ấn thời gian, vừa phản ánh sự sáng tạo, kiên trì của người dân làng nghề. Gạch gốm đỏ của Vĩnh Long không chỉ là sản phẩm tiêu dùng mà còn là niềm tự hào, góp phần vào sự phát triển du lịch và nâng cao giá trị văn hóa của địa phương.
Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh lần này được tổ chức với quy mô lớn, kết hợp giữa các hoạt động văn hóa, triển lãm và xúc tiến thương mại. Đây là cơ hội để tôn vinh tinh thần lao động sáng tạo của người dân Vĩnh Long, đồng thời đưa nghề gạch gốm đỏ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển nền kinh tế xanh, bền vững của tỉnh.
"Festival này không chỉ nhằm tôn vinh nghề truyền thống mà còn mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, kết nối và phát triển ngành du lịch cộng đồng, khai thác tiềm năng du lịch từ các làng nghề gốm đỏ. Sự kiện dự kiến sẽ giúp Vĩnh Long giới thiệu các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và thu hút đầu tư cho các ngành nghề chủ lực của tỉnh, đặc biệt là ngành du lịch", Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Festival, không chỉ là dịp để quảng bá giá trị văn hóa, nghề gạch gốm đỏ, mà còn là tuyên ngôn mạnh mẽ về cam kết của Vĩnh Long và cả khu vực trong việc hướng đến một tương lai phát triển bền vững và xanh. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những bước tiến mạnh mẽ của tỉnh Vĩnh Long trong phát triển kinh tế xanh và bền vững, với những kết quả ấn tượng trong năm 2024, như tăng trưởng GDP 6,5%, tỷ lệ xuất khẩu đạt 1 tỉ USD, và các chỉ tiêu xã hội, môi trường đều đạt và vượt kế hoạch.
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là mục tiêu dài hạn của tỉnh Vĩnh Long. Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh là bước đi đầu tiên trong hành trình đó, thể hiện tầm nhìn đổi mới sáng tạo của tỉnh, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gốm đỏ ra thế giới.
Với sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển bền vững, Vĩnh Long đang dần khẳng định mình như một điểm đến hấp dẫn về du lịch và một trong những trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa của ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phước kỳ vọng, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn sẽ vươn xa ra thế giới. Những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời nơi đây không những tạo ra những sản phẩm quý hiếm, có giá trị, mang bản sắc vùng ĐBSCL, là đặc trưng văn hóa của vùng chúng ta mà còn là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch muôn phương đến với ĐBSCL
Trong khuôn khổ Festival, Vĩnh Long đã công bố Đồ án quy hoạch Khu lò gạch gốm Mang Thít đến năm 2045, với mục tiêu phát triển thành một khu du lịch trọng điểm, là điểm đến không chỉ của du khách trong nước mà còn quốc tế. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ công bố kết quả Cuộc thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, với các phương án thiết kế hiện đại và giàu tính văn hóa, hứa hẹn sẽ trở thành một điểm nhấn du lịch, học thuật và nghiên cứu.