Ông Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết với quy mô dân số vào khoảng 230 triệu người, 5 nước thành viên có sự gần gũi về địa lý và có nhiều nét tương đồng về văn hóa.
Bởi vậy, việc di cư lao động nói chung và di cư lao động qua biên giới nói riêng là một xu hướng tất yếu.
“Lao động di cư là động lực quan trọng cho phát triển của cả nước phái cử và tiếp nhận. Tuy vậy, vấn đề cần quan tâm đó chính là tác động kinh tế-xã hội của di cư không chính thức. Đây chính là lý do chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ người lao động di cư, đảm bảo di cư lao động an toàn và phát triển việc làm bền vững cho tất cả người lao động di cư”, ông Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay sáng 1-8, Hội nghị Quan chức cao cấp lao động 5 nước đã trao đổi về các chính sách, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý lao động di cư; trao đổi về vấn đề việc làm bền vững và an sinh xã hội đối với người lao động di cư.
Hội nghị Bộ trưởng về di cư giữa 5 nước thành viên đã diễn ra sáng nay. Ảnh: TÂM AN
Đánh giá các kết quả đạt được trong việc triển khai các hoạt động hợp tác lao động giữa 5 nước. Đặc biệt trong lĩnh vực lao động di cư qua biên giới và các dự án về dạy nghề, phòng chống mua bán người; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn người lao động di cư qua biên giới.
Ngoài ra, Trưởng đoàn Quan chức và các đại biểu cũng đã dành thời gian thảo luận và thống nhất nội dung của Tuyên bố chung của các bộ trưởng về di cư lao động an toàn.
“Việc thông qua Tuyên bố sẽ tạo cơ hội cho 5 nước thúc đẩy di cư lao động an toàn thông qua việc tăng cường các hệ thống quản lý di cư, trao đổi thông tin giữa các nước. Đồng thời tạo cơ sở tăng cường hơn nữa sự hợp tác về quản lý lao động với các hoạt động triển khai cụ thể, phù hợp với pháp luật, chính sách của từng quốc gia”, ông Dung nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả trong việc hợp tác giữa 5 nước về di cư lao động trong thời gian qua.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc di cư lao động giữa các nước cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc quản lý lao động trong bối cảnh ngày càng có nhiều ngành nghề, nhiều loại hình lao động mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một số vấn đề mà 5 nước cần đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Một là các nước cần tăng cường hợp tác trong giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, thúc đẩy giao lưu thương mại. Hai là tăng cường chia sẻ những thông tin về thị trường lao động, pháp luật, chính sách liên quan đến lao động. Ba là tăng cường hoạt động của các kênh trực tiếp để kịp thời giải quyết những khúc mắc, tránh ảnh hưởng đến việc hợp tác giữa các nước. Bốn là đảm bảo an sinh cho những lao động di cư, từng bước giúp họ được quan tâm như những người lao động bản địa.
“Việc di cư lao động giữa các nước đã và đang là một vấn đề nóng, bởi vậy chúng ta cần được đưa ra trao đổi nhiều hơn trong các diễn đàn của khu vực. Thông qua hội nghị này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển nguồn nhân lực giữa 5 nước. Việt Nam luôn nỗ lực vì một ASEAN đoàn kết, thống nhất, thịnh vượng, cùng nhau nắm bắt cơ hội, hóa giải những thách thức”, ông Đam chia sẻ.