Đây là thông điệp được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng TN&MT tiếp tục nhấn mạnh tại Hội nghị môi trường toàn quốc diễn ra ngày 5-8.
Đưa đất nước theo con đường “xanh”
Ngày 4-8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5.
Tại hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định những năm qua vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5. Ảnh: TP |
Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo Bộ trưởng TN&MT, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam đã chuyển từ “bị động ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi” với hệ thống chính sách bảo vệ môi trường dần được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá. Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải….
Tuy nhiên, theo bộ trưởng Hà, chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp…
Theo đó, Bộ trưởng TN&MT cho biết để khắc phục những tồn tại, đảm bảo chất lượng môi trường trong tương lai phải có giải pháp đồng bộ, cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Trước hết chúng ta nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường từ đó dẫn tới chuyển biến trong hành động.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TP |
“Phải khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường” - Ông Trần Hồng Hà nói.
Tư lệnh ngành TN&MT nhấn mạnh, chúng ta cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên;
Đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các lưu vực sông; thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải.
Tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh của Đảng, Nhà nước rất chú trọng với công tác bảo bảo vệ môi trường, vì đời sống, sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
“Quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu hiện nay đang đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, toàn thể xã hội chứ không riêng gì ngành môi trường.
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Phó Thủ tướng thông tin thêm, hiện Chính phủ đang hoàn thiện quy hoạch điện VIII với mục tiêu giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi. Việt Nam cũng tăng tỉ lệ bao phủ rừng, triển khai chương trình trồng 1 tỉ cây xanh, phát triển diện tích cây xanh trong đô thị.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý thời gian tới, Bộ TN&MT cũng như các cấp, các ngành cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực môi trường; ưu tiên dành nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường để tạo vốn “mồi” thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển lĩnh vực này.