Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), trong chuyến thăm Philippines kéo dài bốn ngày này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông dự kiến sẽ ký kết nhiều thỏa thuận với Philippines. Trong đó, có thỏa thuận 1 tỉ USD về các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp, và tài trợ cho 15 dự án cơ sở hạ tầng gồm hai đường sắt, một đập thủy điện và một hệ thống thủy lợi.
Bắc Kinh cũng sẽ thành lập một chương trình trong thời gian sáu năm nhằm phát triển quan hệ kinh tế với Manila. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ quyên tặng Philippines 1 triệu USD hỗ trợ công tác khắc phục sau trận động đất ở miền nam Mindanao.
Mối bang giao giữa Bắc Kinh và Manila đã cải thiện trong những tháng gần đây sau nhiều năm suy giảm vì vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương. Ảnh: SCMP
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã cố gắng phát triển quan hệ song phương tốt hơn và đã có chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước hồi tháng 10-2016. Các trao đổi chính thức giữa hai quốc gia được củng cố bằng việc Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Zhong Shan thăm Philippines ba ngày từ ngày 6-3 để nối lại Ủy ban hỗn hợp Philippines-Trung Quốc về hợp tác kinh tế thương mại vốn bị đình chỉ trước đó.
SCMP đánh giá ông Zhong thăm Philippines trong thời điểm Bắc Kinh tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh rất coi trọng mối quan hệ với Manila. Vị Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc còn tổ chức một phái đoàn gồm hơn 20 công ty Trung Quốc ký thỏa thuận hơn 1,7 tỉ USD với các doanh nghiệp Philippines. Các thỏa thuận đó bao gồm các lĩnh vực từ khoáng sản, nguyên liệu thô cho tới nông sản.
Để thúc đẩy du lịch, chính quyền đảo Hải Nam của Trung Quốc lên kế hoạch mở các chuyến bay trực tiếp tới Manila và Cebu trong năm này.
Trung Quốc thường “mua chuộc” kinh tế với các quốc gia mà nước này cho rằng có thể duy trì quan hệ hòa hảo, tạo ra mối quan hệ kinh tế tốt đẹp được sử dụng như một vũ khí nếu căng thẳng leo thang. Các chuyên gia cảnh báo chiến thuật này là bình thường trong chính sách ngoại giao nhưng nên hạn chế sử dụng
Wu Shicun, người đứng đầu Viện quốc gia về biển Đông của Trung Quốc, cho hay: “Hợp tác kinh tế dùng để phục vụ cho lợi ích quốc gia là điều bình thường”.
Tuy vậy, Dai Fan, chuyên gia về Đông Nam Á tại ĐH Jinan ở Quảng Châu, Trung Quốc lại cho rằng Bắc Kinh không nên phụ thuộc quá nhiều vào “vũ khí kinh tế”.
“Điều đó sẽ buộc các quốc gia khác đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế trên toàn thế giới nhưng vẫn thận trọng khi hợp tác với Trung Quốc. Tất cả điều này đều gây bất lợi cho Bắc Kinh trong việc phát triển một mối quan hệ kinh tế lâu dài”- ông Dai nhận định.
George Siy, chủ tịch danh dự Hiệp hội thanh niên Doanh nhân Philippines – Trung Quốc, cho rằng không phải tất cả thất bại trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia đều được xem là “sự trả đũa kinh tế”. Trong một vài trường hợp, điều đó chỉ đơn giản là do không thuận buồm xuôi gió trong hợp tác làm ăn, ông Siy đánh giá.