Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý 6 nhiệm vụ ngành tư pháp

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu sáu nhiệm vụ cụ thể của ngành tư pháp, trong đó có vấn đề tăng thu nhập cho cán bộ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

“Việc mình còn nợ nhiều lắm”

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói năm 2023 chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để có được kết quả khích lệ. Trong thành tích đó có sự đóng góp rất nhiều, rất lớn, rất đáng kể của ngành tư pháp.

“Đâu đó trong bảng tổng sắp nếu như phải làm, thành tích ngành tư pháp có thể hơi yếu hơn so với ngành khác. Lý do bởi việc giao cho các đồng chí rất khó, rất nhiều, cực kỳ đụng chạm trong khi mọi người yêu cầu các đồng chí làm việc tức thời, phải có liền… Tôi nói tất cả điều đó để thay lời cảm ơn tất cả đồng chí và chia sẻ với những khó khăn ngành phải đối mặt” - Phó Thủ tướng nói.

Nói về năm 2024, ông Trần Lưu Quang nhận định “khó khăn chắc là chưa hết”.

p7-anhchinh-bai-btp-quy-4551.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

“Có người nói với tôi “Bây giờ hoàn thiện thể chế vừa là động lực vừa là rào cản của sự phát triển”. Tôi không dám gật đầu vì nó gay gắt quá. Nhưng suy cho cùng, có lẽ nó cũng có lý. Bởi nếu chúng ta làm tốt thì đó là động lực thật. Bây giờ hành lang pháp lý tốt thì mọi việc tự người ta làm. Còn nếu chúng ta làm không tốt thì chắc nó đang là rào cản cho rất nhiều người” - theo Phó Thủ tướng.

Nhấn mạnh thời gian không còn nhiều, 2024 là năm gần kế cận của kết thúc nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng nhắc “việc mình còn nợ nhiều lắm”.

“Tôi từng phải đăng đàn, thay mặt anh Long (Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long) và một số anh chị khác nhận lỗi trước Quốc hội về món nợ này. Đúng ra luật ban hành rồi phải có ngay nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng đại biểu Quốc hội nói hơn 62% những việc chúng ta lẽ ra phải làm ngay thì vẫn đang còn nợ” - Phó Thủ tướng nói và cho rằng “việc các đồng chí kể không hết và khó khăn trước mắt còn nhiều”.

Trả lời câu hỏi bây giờ làm gì, Phó Thủ tướng chia sẻ ông muốn tìm từ hay hơn nhưng “bí tìm không ra”, đành nói một câu quen thuộc: “Mỗi người chúng ta phải cố gắng hơn nữa”.

“Câu này thì quen, mình nghe riết thấy nhàm nhưng chắc chúng ta phải tự động viên nhau, tự gồng gánh với nhau vì chính chúng ta mới là người hiểu mình nhất và có giải pháp tốt nhất để thực hiện. Dĩ nhiên còn cần có những sự hỗ trợ từ bên ngoài” - Phó Thủ tướng nói và cho biết vướng mắc lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thể chế.

“Làm sao để anh em bớt sợ, yên tâm công tác”

Nói về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý sáu việc.

Thứ nhất, xây dựng thể chế phải kịp thời và có chất lượng. “Kịp thời để trả món nợ của mình với mọi người. Có chất lượng để những người kế nhiệm chúng ta không phải sửa nữa, cứ mỗi lần sửa là mỗi lần người ta lại càm ràm mình. Mai mốt mình về hưu chắc cũng không yên lòng. Tối ngủ chắc cũng chả ngon” - ông Quang nói.

Thứ hai, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tính toán sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ông đánh giá “phiên bản” này vẫn còn nhiều lỗi. Nếu lấy một cái chưa hoàn thiện làm chuẩn mực cho những cái khác thì chắc những cái khác cũng bị trở ngại, không thể thông suốt được.

“Từ ngày 1-7-2024, chúng ta có chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm, lương sẽ cao hơn theo lý thuyết. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này vẫn đang vướng nhiều quy định.”

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang

Cùng với đó là sửa đổi, tính toán lại chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và xây dựng chương trình năm 2025.

Thứ ba, Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định các đề nghị, dự án, dự thảo trình Chính phủ, Quốc hội, cần làm sao kịp thời, chuẩn chỉnh. “Cũng thương anh em mình lắm. Việc quá nhiều. Bộ Tư pháp là một trong những bộ có vẻ có đông thứ trưởng nhất nhưng chắc cũng chưa đủ người để đi họp, vì họp món gì bây giờ cũng phải có Bộ Tư pháp…” - vẫn lời ông Quang.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật; phải đưa pháp luật vào cuộc sống.

“Bây giờ xây dựng luật chuẩn chỉnh rồi, kịp rồi nhưng phải để cho mọi người “thấm” thì mới có giá trị trong cuộc sống…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng nhắc Bộ Tư pháp về trách nhiệm “gỡ vướng các quy định hiện hành”. “Việc Phó Thủ tướng làm, đóng góp được cho đời nhiều nhất là tổ chức hội nghị với các bộ, ngành để tính xem bây giờ giải quyết các xung đột thế nào” - Phó Thủ tướng nói thêm.

Thứ năm là công tác xây dựng ngành. “Anh Long và các anh chị lãnh đạo bộ, ngành, kể cả lãnh đạo các địa phương ngồi đây làm sao để anh em yên tâm công tác, cảm thấy tự tin hơn, bớt lo lắng hơn trước những xáo trộn về tâm lý... Nói gọn lại là bớt sợ một chút” - ông Quang nói.

“Cũng phải nghĩ tới việc từng bước lo thêm thu nhập cho anh em” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, từ ngày 1-7-2024, chúng ta có chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm. Về lý thuyết rất hay, rất cao cả và có lẽ chúng ta có lương cao hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này vẫn đang vướng nhiều quy định.

“Nhưng nếu không nghĩ tới việc tăng thu nhập cho anh em thì mọi người đang nghĩ tới câu chuyện đi - ở; nghĩ phải ứng xử thế nào dưới áp lực của gia đình và trước sự mời gọi về thu nhập cao hơn rất nhiều ở bên ngoài… Việc này hoàn toàn không đơn giản” - theo ông Quang.

Phó Thủ tướng cho rằng người lãnh đạo phải là tấm gương, là hình ảnh mẫu mực, là ví dụ về niềm tin, sự tử tế và là nguồn năng lượng truyền cảm hứng. “Điều này tôi cảm nhận rằng Bộ Tư pháp và đồng chí bộ trưởng làm khá tốt” - ông Quang nhận xét.

Thứ sáu là “ứng xử với những khuôn khổ luật pháp quốc tế”. “Các đồng chí là người thay mặt Nhà nước này để xử lý các vụ kiện quốc tế. Chỉ cần chúng ta sơ sẩy, kém họ một chút, chỉ cần không may một chút thì đất nước này mất hàng tỉ USD. Hàng trăm triệu con người Việt Nam chúng ta cóp nhặt, tôi nói ví dụ đi bán gạo thì cũng phải lâu lắm mới gỡ được” - ông Quang lưu ý.

Phó Thủ tướng đánh giá công việc này cực kỳ khó, cực kỳ nhạy cảm, đòi hỏi trình độ giỏi, phải thường xuyên trao đổi kinh nghiệm... nhưng lại chưa có chế độ đặc biệt cho những người làm công tác này.

“Tôi tin nếu thua một cái thì kiểm điểm trách nhiệm chắc tới trời nhưng ăn lương vẫn như mọi người, vẫn trong thang bảng lương… Mới lúc nãy thôi, tôi có nói vui với anh Long rằng hôm nào anh tổ chức một bữa, Phó Thủ tướng mời hết mấy anh em mình nhậu một bữa. Khi đó hát cho họ nghe những bài như Tự nguyện, Lên đàng… để động viên tinh thần các anh em” - Phó Thủ tướng nói.•

TP.HCM đề xuất thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp

p7-anhbox-tin-quy-2512-6438.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu phát biểu tại điểm cầu TP.HCM.
Ảnh: thanhuytphcm.vn

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết trong năm qua, các cơ quan tư pháp đã thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp HĐND, UBND TP và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật, cung cấp ý kiến pháp lý đối với những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội tại TP.

Đáng chú ý, trong năm qua ngành tư pháp TP.HCM đã tham mưu rất hiệu quả cho lãnh đạo TP trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách thể chế có chất lượng, chiều sâu, thuyết phục, trọng tâm là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, Sở Tư pháp TP chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả cùng các sở, ngành liên quan tham gia vào việc tham mưu TP xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trong thời gian tới, TP.HCM đề xuất Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm kết nối hoàn thiện hơn nữa giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP với phần mềm chuyên ngành quản lý, xử lý hồ sơ lý lịch tư pháp, hộ tịch của Bộ Tư pháp, đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Để sớm giải quyết tình trạng quá tải trong tiếp nhận, giải quyết cấp phiếu lý lịch tư pháp hiện nay tại Sở Tư pháp, TP.HCM đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm, sớm có hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP được thực hiện thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc TP Thủ Đức và các quận, huyện.

(Theo thanhuytphcm.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm