Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Bộ Nội vụ làm nhiều việc khó, nhạy cảm

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu phải cố gắng xong đề án vị trí việc làm trước ngày 31-3-2024, sau đó sẽ làm phương án cải cách tiền lương và áp dụng từ ngày 1-7-2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 20-12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành.

“Cùng nóng” để thúc đẩy công việc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhìn nhận yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới của ngành nội vụ là rất nặng nề. Nhắc lại phương châm của ngành trong năm 2023 là năm đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, Phó Thủ tướng đã bày tỏ sự đồng tình cao.

“Kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, dù chưa được như mong muốn nhưng làm ấm lòng chúng ta, khích lệ chúng ta cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Chia sẻ sau đó, Phó Thủ tướng cho hay ông phụ trách 10 bộ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và các thứ trưởng Bộ Nội vụ là người gọi điện thoại cho ông nhiều nhất để thúc đẩy công việc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Bộ Nội vụ làm nhiều việc khó, nhạy cảm
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị của ngành nội vụ. Ảnh: XĐ

Ông Trần Lưu Quang đánh giá so với các bộ, ngành khác, Bộ Nội vụ được giao rất nhiều nhiệm vụ về thể chế. Riêng Luật Thi đua, khen thưởng cần ban hành hàng chục thông tư, đây chắc là con số kỷ lục.

“Ngoài số lượng rất nhiều còn rất khó, đơn cử như xây dựng nghị định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Nghị định này cực kỳ khó. Ngoài ra, Bộ Nội vụ còn làm nhiều việc khó và nhạy cảm” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói thêm.

Phó Thủ tướng cũng nhận xét công tác phối hợp của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khác cũng như với Sở Nội vụ địa phương tốt. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công của bộ năm qua.

“Yếu tố đổi mới Bộ Nội vụ, tôi thấy rất nhiều. Tôi rất quan tâm việc bỏ thi thăng hạng viên chức và tới đây bỏ một số món thi khác. Cần bỏ cái này đi” - Phó Thủ tướng nói thêm.

Có đi rồi sẽ đến

Nhắc tới nhiệm vụ của ngành năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý việc xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm. Theo ông, đây là việc rất khó bởi chúng ta mô tả vị trí việc làm, cách làm hơi dồn dập.

“Theo lý thuyết, muốn xây dựng vị trí việc làm, mô tả vị trí, từ yêu cầu công việc, chúng ta mô tả vị trí, vị trí kiếm người vào đây. Tuy nhiên, bộ máy quá cồng kềnh, chỉ có chừng đó biên chế nên bây giờ mô tả thế nào để không chồng chéo là vấn đề rất khó” - ông Trần Lưu Quang phân tích.

Bên cạnh đó, ông Trần Lưu Quang lưu ý kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường nhưng không thể “chuyển cái rụp”. Do vậy, cơ chế cho các bộ, ngành hoạt động cần xoay chuyển từ từ để phù hợp với từng người, từng nhà, từng địa phương. Việc này là rất khó.

“Chúng ta quyết tâm làm, không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh. Chúng ta cố gắng xong đề án vị trí việc làm trước ngày 31-3-2024, sau đó sẽ làm phương án cải cách tiền lương và áp dụng từ ngày 1-7-2024. Việc này cực kỳ khó, mong các đồng chí cố gắng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được ông Trần Lưu Quang lưu ý cần làm là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo ông, hiện hầu hết các địa phương, vì nhiều lý do khác nhau đều không muốn thay đổi. “Nếu chúng ta không cố gắng thì không làm được và phải làm kịp cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới, bởi nếu chưa có đơn vị hành chính mới, địa giới mới thì không tổ chức được” - vẫn lời ông Quang.

Phó Thủ tướng cũng nhắc ngành nội vụ phải tuyển dụng theo phương thức mới, kết hợp với thu hút và đãi ngộ nhân tài. “Văn phòng Chính phủ mới tuyển dụng 15 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc trong và ngoài nước” - ông Trần Lưu Quang thông tin.

Liên quan đến việc tinh giản bộ máy, Phó Thủ tướng cho rằng phải nâng cao năng lực, hiệu quả gắn với chuyển đổi số, nhất là Đề án 06. “Bộ Nội vụ phát triển cái này rất quyết tâm, thiết thực” - Phó Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông, chuyển đổi số là việc không phải ai cũng muốn thực hiện. “Máy chạy hết thì không có “cái này, cái kia”, không có ting ting lại không vui... Tuy vậy, đây là giải pháp đúng đắn, kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy điều đó” - ông Trần Lưu Quang cho biết.

Nói về công tác thi đua, khen thưởng, Phó Thủ tướng cho hay khi nhận nhiệm vụ, ông nghĩ đây là việc đơn giản và dễ nhưng rất rắc rối. “Sự động viên đúng chỗ, đúng nơi, đúng người có tác dụng rất lớn và ngược lại” - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Trước khi kết thúc bài phát biểu, ông Trần Lưu Quang còn nhắc việc phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ thay thế. “Mọi việc còn ở phía trước. Ở Việt Nam, việc khó quyết tâm làm là làm được, có đi rồi sẽ đến” - ông Trần Lưu Quang nói.

Cần có giải pháp cho tình trạng cán bộ né tránh, sợ sai

Phát biểu khai mạc trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt thực hiện tốt “ba đột phá, bốn trọng tâm”. Qua đó tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn thừa nhận còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ.

Theo bà Trà, nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi phải nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ như tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm. Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương và hoạt động công vụ, đạo đức và văn hóa công vụ nhiều nơi chưa nghiêm. Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn với vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm