Phòng khám ở ​TP.HCM được hoạt động lại

Ngày 30-9, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã công bố chỉ thị của UBND TP “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP” từ hôm nay (1-10).

Trong các giải pháp từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, có nhiều nội dung liên quan lĩnh vực y tế, tiêm vaccine, chăm sóc F0 và phòng dịch.

Tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng

Liên quan đến công tác xét nghiệm và xác định cấp độ dịch, TP tiếp tục chủ động phát hiện và tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 (vùng cam) và 4 (vùng đỏ). Xét nghiệm tầm soát tất cả trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện (BV), trường học… Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tự làm test nhanh định kỳ theo hướng dẫn, đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo đơn vị hành chính với quy mô phù hợp.

Về chăm sóc F0 tại cộng đồng, TP yêu cầu ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn vừa không làm gián đoạn các hoạt động.

Các quận, huyện và TP Thủ Đức phải có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng, đảm bảo 100% các trạm y tế có ôxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người nhiễm bệnh đang cách ly tại nhà. Mô hình ba tầng điều trị tiếp tục được duy trì. BV chuyên khoa nhiễm và BV đa khoa nghiên cứu lập Khoa COVID-19. “Suốt thời gian qua, hệ thống y tế gần như chỉ tập trung cho công tác phòng chống dịch. Đây là lúc phải phục hồi lại hoạt động để chữa trị các bệnh khác” - ông Bình nói.

Tiêm vaccine mũi 2 phòng COVID-19 cho người lớn tuổi tại quận 3, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn vaccine

TP.HCM đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn vaccine. Từ đó, TP huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất, ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Sắp tới, TP dự kiến triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.

Phòng khám chờ tiêu chí hoạt động của Sở Y tế

Theo chỉ thị mới nhất của TP.HCM, nhiều hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, dịch vụ y tế, kinh doanh dược, trang thiết bị y tế được cho phép hoạt động lại.

Cụ thể, nhóm 1 gồm có BV đa khoa và chuyên khoa, bệnh xá thuộc lực lượng công an nhân dân, phòng khám đa khoa và phòng khám chuyên khoa (mắt, da liễu, sản, nam khoa, HIV/AIDS, điều trị nghiện ma túy, tư vấn và điều trị dự phòng, thẩm mỹ, điều trị bệnh nghề nghiệp...). Các phòng khám y học gia đình, nhà hộ sinh cũng thuộc nhóm này.

Nhóm cơ sở dịch vụ y tế hoạt động lại gồm có các cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp, cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà; cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; cơ sở dịch vụ kính thuốc.

Nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp sản xuất, bán buôn, xuất nhập khẩu thuốc, bán lẻ mỹ phẩm, vật tư trang thiết bị y tế.

Nghe tin chỉ thị mới của TP ban hành cho phép phòng khám chuyên khoa hoạt động lại, BS Nguyễn Xuân Anh, Phòng khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình Mỹ Quốc (quận Bình Thạnh), chia sẻ đã chuẩn bị tâm thế hoạt động khám chữa bệnh cho người dân và đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở Y tế TP.HCM.

Theo BS Xuân Anh, Phòng khám Mỹ Quốc hoạt động ngoài giờ, chủ yếu vào buổi chiều, giúp giải quyết cho bệnh nhân không có điều kiện đến BV.

Mỗi ngày, phòng khám giải quyết khám bệnh cho khoảng 30 bệnh nhân. Đã bốn tháng nay, phòng khám phải tạm ngưng hoạt động để phòng dịch, ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân đều mong chờ thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội để đăng ký khám bệnh dễ dàng hơn. “Gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, bệnh nhân thường tự mua thuốc uống nên có nguy cơ bị tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài, việc có được bác sĩ tư vấn online hoặc qua điện thoại thì không bao giờ đạt hiệu quả và chính xác như thăm khám trực tiếp” - BS Xuân Anh kể.

Khi phòng khám được hoạt động lại, BS Xuân Anh băn khoăn tiêu chí hoạt động của phòng khám là bệnh nhân có phải được test COVID-19 trước khi vào khám hay không. Không phải ai cũng có khả năng chi trả chi phí test, nhưng chỉ khám sàng lọc mà không test thì sợ không an toàn. Nếu bắt buộc phải thực hiện test COVID-19 thì BS Xuân Anh cũng lo lắng việc tìm nguồn cung cấp hàng uy tín mà giá cả phải chăng để giảm chi phí cho bệnh nhân hoặc nếu bệnh nhân khó khăn thì phòng khám phải tự bỏ chi phí test để giúp bệnh nhân.

Bên cạnh đó, BS Xuân Anh cũng mong muốn TP đẩy mạnh tuyên truyền người dân khi nới lỏng giãn cách xã hội vẫn phải chú ý quy tắc 5K, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Số ca mắc COVID-19 điều trị tại nhà và tỉ lệ tử vong còn cao

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, công tác phòng chống dịch của TP đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố. Số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm, tỉ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 45% được tiêm mũi 2.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỉ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỉ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 2 của TP chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của TP phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới