Phụ huynh muốn tăng tiền ăn bán trú cho con

(PLO)- Mức thu tiền ăn bán trú 35.000 đồng/suất không phù hợp với tình hình vật giá leo thang hiện nay nên phụ huynh đề xuất tăng lên 40.000 đồng/suất.

Ngày 19-3, đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) về việc thực hiện Nghị quyết 04/2023 của HĐND TP về quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM.

Mức thu chưa phù hợp

Tại buổi làm việc, ông Hứa Thiện Vương, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết Nghị quyết 04 đã giúp bình ổn các khoản thu đầu năm, giảm áp lực chung cho phụ huynh.

“Tuy nhiên, mức thu 35.000 đồng/HS/ngày không còn phù hợp tình hình vật giá leo thang hiện nay. Vì thế, chất lượng bữa ăn chỉ duy trì ở mức tương đối, khó nâng cao chất lượng. Buổi họp nào của ban đại diện cũng nhận được ý kiến về việc tăng mức thu tiền ăn của cha mẹ HS các lớp” - ông Vương nói.

Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho hay Nghị quyết 04 của HĐND TP giúp trường có được căn cứ để dự toán thu chi, là cơ sở xây dựng kế hoạch thu, các loại hình thu, từ đó thực hiện các khoản thu hộ, chi hộ trong năm học một cách chi tiết, rõ ràng, tránh được lạm thu.

Tuy nhiên, qua triển khai thực tế cho thấy mức thu tiền ăn bán trú chưa phù hợp. Nghị quyết quy định mức tiền suất ăn bán trú tối đa 35.000 đồng/suất/ngày với trường ở khu vực nhóm 1 (các quận, TP Thủ Đức) và 32.000 đồng/suất với trường ở khu vực nhóm 2 (các huyện còn lại).

Nhân viên đang chuẩn bị bữa ăn bán trú cho học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Những trường ở trung tâm khá khó khăn trong việc cân đối để đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú với mức thu 35.000 đồng/suất, bao gồm việc phục vụ ăn trưa và ăn xế trong ngày. Từ thực tế trên, trường đã nhận được sự đồng tình cao của cha mẹ HS bày tỏ mong muốn tăng mức thu tiền ăn bán trú lên 40.000 đồng/suất” - bà Chi nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, chia sẻ những trường ở khu vực trung tâm khá khó khăn trong việc cân đối để đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú với mức thu 35.000 đồng/suất. Mặt khác, việc quy định mức thu tiền ăn chung cho các bậc học trong khi sự phát triển thể lực, sức khỏe, nhu cầu lứa tuổi của các em khác nhau cũng chưa hợp lý.

“Thực tế, hai năm qua trường đã thu 40.000 đồng/suất ăn và nhận được sự đồng tình cao của phụ huynh. Năm nay, khi điều chỉnh theo quy định, phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn tăng tiền ăn bán trú như mức thu cũ” - bà Hạnh nói.

Sẽ xem xét điều chỉnh

Tại buổi làm việc, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, khẳng định: “Nghị quyết 04 ra đời đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh HS”.

Theo bà Hoa, ngay từ đầu năm học quận đã tổ chức buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của phụ huynh HS cả ba cấp học về việc triển khai các khoản thu trong Nghị quyết 04.

“Đối với địa bàn quận 1 và với một số cơ sở giáo dục đặc biệt, rõ ràng tùy thuộc tính chất, địa bàn, nếu được trong tương lai sắp tới, Nghị quyết 04 có thể được điều chỉnh làm sao tăng thêm biên độ mức thu để các đơn vị thực hiện việc dạy và học tốt hơn, HS phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Cụ thể mức thu tiền ăn bán trú chưa phù hợp với giá cả thị trường, với mức sống của HS ở khu vực trung tâm” - bà Hoa chia sẻ.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Hoa cho biết thêm thực tế hiện nay các trường chưa mạnh dạn trong việc thu các nguồn kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS.

Kết luận buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, cho biết có nhiều ý kiến liên quan đến việc tăng mức tiền ăn bán trú.

Cụ thể, mức thu 35.000 đồng/suất đối với HS khu vực nhóm 1 được ban hành sau khi khảo sát nhiều khu vực. Tại thời điểm đó, mức thu trên phù hợp với toàn TP. Do nghị quyết được ban hành không chỉ áp dụng ở quận 1, quận 3 mà còn phải thực hiện trên 24 quận, huyện và TP Thủ Đức. Tuy nhiên, sau khi triển khai, có ý kiến cho rằng biên độ các mức thu cần rộng hơn để tạo thuận lợi cho các trường.

“Vấn đề này thỏa đáng, chúng tôi sẽ tiếp thu và sẽ làm việc với các sở, ngành” - ông Cao Thanh Bình nói.

Theo ông Bình, trong quá trình thực hiện các khoản thu phải đảm bảo tính pháp lý, chặt chẽ về khoản thu, hồ sơ thủ tục, quản lý, sử dụng đúng mục đích.

Ông Bình cũng lưu ý qua khảo sát, các trường không dám mạnh dạn thực hiện Thông tư 16 về việc vận động tài trợ cũng như Thông tư 55 về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS trong khi quy định cho phép. Xã hội hóa trong giáo dục cần thiết vì nó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, do đó các trường cần nghiên cứu và vận dụng sao cho đúng với thông tư.

Nghị quyết 04 của HĐND TP chỉ có hiệu lực trong năm học 2023-2024. Do đó, để chuẩn bị cho năm học mới cần phải ban hành một nghị quyết mới thay thế.

Thực tế cho thấy việc ban hành Nghị quyết 04 đã tạo điều kiện cho các trường trong việc hoạch định các khoản thu, tạo sự công khai, minh bạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có một số khoản cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Đây là lý do để Ban Văn hóa - Xã hội thực hiện các cuộc khảo sát nắm bắt tình hình thực tế, hoàn chỉnh tờ trình để trình HĐND TP vào tháng 7 để ban hành nghị quyết mới.

Ông CAO THANH BÌNH, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới