Tiếp nhận văn bản số 440 của Sở GD&ĐT TP.HCM về chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực GD&ĐT, Cục thuế TP.HCM có ý kiến như sau:
Căn cứ Điều 99, Điều 101 Luật Giáo dục; Căn cứ Nghị định số 81/2021 (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2023 ngày 31-12-2023); Theo Nghị quyết số 04/2023 của HĐND TP.HCM; Tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Nghị định số 209/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT, cụ thể về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
“Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội hoạ, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến THPT có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế.
Khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo) cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động thi và cấp chứng chỉ cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT”.
Căn cứ quy định trên, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Cơ sở giáo dục công lập thực hiện quản lý các khoản thu, chi tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị quyết số 4/2023, tuỳ tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với cha mẹ học sinh mức thu cụ thể (nhưng không vượt quá mức thu quy định tại Nghị định số 81/2021, Nghị định số 97/2023 và Nghị quyết số 04/2023).
Hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đối với khoản thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ theo quy định trên cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đối với khoản thu (như thu phục vụ và quản lý bán trú, vệ sinh bán trú, thiết bị và vật dụng phục vụ bán trú) có bản chất tương tự như khoản thu về ở nội trú của học sinh, Tổng cục Thuế đã có công văn số 5339 trả lời Cục Thuế TP và được quý Sở đề cập tại văn bản số 440.
Về nghĩa vụ thuế TNDN, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã có công văn 13579 và công văn 7190 gửi quý Sở.
Trước đó, PLO đã thông tin, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi Cục thuế TP.HCM về chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD&ĐT đề nghị xem lại việc đóng thuế các khoản theo Nghị quyết 04/2023, trong đó có tiền ăn bán trú. Bởi thời gian qua, nhiều trường học nhận được văn bản của Chi cục Thuế các quận, huyện yêu cầu kê khai thuế.
Cụ thể, các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và phục vụ đều phải đóng thuế TNDN. Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú phải đóng thuế GTGT và thuế TNDN. Đáng chú ý, các khoản tiền ăn bán trú (ăn trưa và ăn sáng) cũng phải đóng thuế TNDN.