Ông là người đã dành thời gian, tâm sức đi từ cực Bắc đến cực Nam Miến Điện. Hành trang theo TS Hồ Đắc Túc là cả ngàn câu chuyện li kỳ, những kỷ niệm, vốn sống văn hóa góp nhặt được trên mỗi chặng đường.
Tiến sĩ ngôn ngữ xã hội học Hồ Đắc Túc. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Điểm giống nhau giữa phụ nữ Miến Điện và Việt Nam là họ đều đẹp. Hình ảnh của những người mẹ gầy yếu, đôi mắt lúc nào cũng buồn, lui cui chặt củi, cấy hái, khiến người đàn ông dù bản lĩnh đến đâu cũng thấy xúc động, cúi đầu. Do hoàn cảnh lịch sử nên giữa người phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Miến Điện có nhiều nét tương đồng: sự chịu thương chịu khó, cách sống, âm thầm…” - ông nói.
Cái đẹp trong nhận thức của ông là cái đẹp tâm hồn, cái đẹp trí thức, trình độ.
Nói về điểm khác nhau ông chia sẻ tùy vào cảm nhận của từng người, tuy nhiên với ông một điểm khác biệt rõ ràng nhất là “Phụ nữ Miến Điện không xức nước hoa thơm nức mà cài hoa trên đầu”. Lý giải về điều này ông cho biết: “Vì đa phần họ là Phật tử. Những người phụ nữ Miến Điện thường cài hoa Champa hay còn gọi là hoa sứ trên đầu mùi thơm thoang thoảng, ngửi thích lắm, chứ không phải nồng nặc mùi Chà neo (chanel) cả mấy triệu bạc đâu” - ông Hồ Đắc Túc hài hước.
Ba người phụ nữ Miến Điện mà ông ngưỡng mộ là: bà Aung San Suu Kyi, bà Cynthia, Ma Khin. Đặc biệt câu chuyện về bà Aung San Suu Kyi được ông chia sẻ lại với tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ.
Nếu BS Cynthia Maung được biết đến là người đã thành lập phòng khám ở biên giới Thái Lan-Mianma để khám bệnh cho hàng ngàn người bị mất nhà cửa, cưu mang giúp đỡ hàng trăm ngàn người tị nạn, nhân viên di trú và trẻ em mồ côi thì bà Aung San Suu Kyi là một nữ chính trị gia lỗi lạc, người đã vượt qua nỗi đau của bản thân, những năm tháng bị quản thúc để trở thành chân dung biểu tượng dân chủ toàn cầu.
Nữ chính trị gia đặc biệt được người dân nước này ví như "ngọn hải đăng của niềm hy vọng" trên con đường hướng tới nền dân chủ. Phía sau dáng người mảnh mai, búi tóc cài hoa điệu đà và chân dung dịu dàng, hiền thục là sự nổi bật và thu hút của người phụ nữ mạnh mẽ trên chính trường. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991, con trai đã thay mặt bà đến nhận. Chủ tịch ủy ban trao giải gọi bà là "một ví dụ nổi bật về sức mạnh của những người không có quyền hành".
So sánh với “Miến Điện và Những người phụ nữ đẹp”, Tiến sĩ ngôn ngữ xã hội học Hồ Đắc Túc và nhiều người có mặt trong buổi trò chuyện nghĩ ngay tới bà Nguyễn Thị Oanh, nhà công tác xã hội nổi tiếng của Việt Nam, người có những đóng góp tích cực trong hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo. Bà là một trong 50 người trên thế giới được tổ chức Bánh mì thế giới trao tặng danh hiệu Anh hùng đời thường năm 2008. Câu chuyện về bà được những người học trò của mình như bà Thanh Thúy, Bảo Nhi… kể lại đầy xúc động.
Những hình ảnh tại buổi trò chuyện:
Nhiều người đã có mặt từ sớm để lắng nghe ông chia sẻ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Người tham dự liên tục đặt câu hỏi. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Học trò của bà Nguyễn Thị Oanh xúc động khi chia sẻ về bà.
TS Hồ Đắc Túc ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: NGUYỄN TRÀ