Phụ phẩm gỗ xuất ngoại mang về tỉ đô

(PLO)- Giá viên nén, dăm gỗ tăng rất mạnh đang kích thích các hộ trồng rừng khai thác gỗ sớm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thu gom từ những phụ phẩm của ngành lâm nghiệp như cành, ngọn, bìa bắp, mùn cưa, vỏ bào, gỗ vụn… sản phẩm viên nén gỗ và dăm gỗ đang thu về hàng tỉ USD mỗi năm, đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Xuất khẩu mùn cưa, gỗ vụn thu về hàng tỉ USD

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài - Trưởng Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam), cho biết: “Trong những năm qua, giá trị xuất khẩu viên nén liên tục tăng, từ 165 triệu USD vào năm 2017 lên 413 triệu USD năm 2021. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu viên nén đã thu về khoảng 568 triệu USD”.

Dăm gỗ chờ xuất khẩu tại cảng. Ảnh: AN HIỀN
Dăm gỗ chờ xuất khẩu tại cảng. Ảnh: AN HIỀN

Trước nhu cầu sử dụng viên nén tăng lên chóng mặt, số doanh nghiệp (DN) sản xuất viên nén cũng tăng lên. Hiện cả nước có khoảng 80 DN tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Với sự phát triển như vậy, Việt Nam đã vươn lên là thị trường cung ứng viên nén xếp thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Các DN nhận định viên nén gỗ của Việt Nam có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD trong vài năm tới.

Viên nén gỗ, dăm gỗ có rất nhiều ưu điểm như nhiệt lượng phát ra cao, tỉ lệ tro bụi thấp, sử dụng đơn giản, vệ sinh dễ dàng, chi phí vừa phải… Ứng dụng của nó rất đa dạng trong các ngành công nghiệp, dân dụng như cung cấp nhiệt hỗ trợ quá trình giặt là trong xưởng may; cung cấp nhiệt cho hệ thống hấp, sấy, thanh trùng, tiệt trùng, chế biến đóng gói… tại các nhà máy bánh kẹo, thực phẩm; cung cấp nhiệt cho hệ thống xông hơi, bình nước nóng khu chung cư.

Cùng với viên nén, dăm gỗ cũng là hợp phần quan trọng của ngành gỗ xuất khẩu. Dăm gỗ sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ gỗ nhỏ, cành, ngọn. Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu dăm gỗ vẫn đạt 13,6 triệu tấn, đạt 1,73 tỉ USD. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu do giá xuất khẩu tăng.

Nguyên nhân khiến viên nén và dăm gỗ tăng trưởng mạnh như vậy trong khi nhiều lĩnh vực khác của chế biến gỗ đang giảm mạnh là do nhu cầu sử dụng dăm gỗ ở Trung Quốc và viên nén gỗ ở Nhật Bản, EU đã tăng lên rất cao. Điều này xảy ra khi nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu bị đứt gãy do chiến tranh và do chính sách chuyển đổi năng lượng ở Nhật, từ điện than sang điện sinh khối. Mức giá xuất khẩu dăm gỗ và viên nén đang ở mức rất cao. Sức cầu dăm gỗ và viên nén tăng mạnh đẩy giá xuất khẩu và giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng theo.

Theo thống kê, hằng năm cả nước có khoảng 20 triệu m3 củi, cành nhánh và vỏ bào, mùn cưa. Với lượng nguyên liệu như vậy thì việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ mặc dù tăng cao thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành.

Ngăn ngừa nông dân bán rừng non

Giá viên nén, dăm gỗ tăng rất mạnh đang kích thích các hộ trồng rừng khai thác gỗ sớm. Có nhiều hecta rừng mới chỉ trồng được 4-6 năm, nông dẫn đã khai thác để bán cho chế biến dăm và viên nén. Điều này đang gây lo lắng cho các công ty sản xuất đồ gỗ xuất khẩu vì lo sợ thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến gỗ trong tương lai.

Để hạn chế tình trạng các hộ trồng rừng chặt gỗ non làm nguyên liệu cho dăm gỗ có ý kiến cho rằng cần tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ trong thời gian tới.

Ông Thang Văn Thông, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, chia sẻ: “Trong sản phẩm gỗ, không ai lấy một cây gỗ bán hoàn toàn cho DN làm dăm vì như vậy rất lãng phí. Họ sẽ chia ra, phần thân có đường kính từ 15 cm trở lên có giá trị cao nhất bán cho đơn vị chế biến gỗ, phần 8-14 cm thì bán cho đơn vị làm gỗ dán. Phần còn lại bán cho gỗ dăm và MDF. Phế phẩm còn lại thì chuyển qua viên nén”.

Lạm phát đang tăng cao ở nhiều thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Anh… nên xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam giảm mạnh. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, ngành dăm may mắn khi giá tăng theo tháng. Sản lượng tăng không đáng kể nhưng giá trị tăng rất nhiều. Do các hợp phần gỗ kia không xuất khẩu được nên các hộ dân trồng rừng mới dồn về bán nguyên liệu cho ngành dăm, viên nén.

Sản phẩm viên nén gỗ Việt được các nước châu Âu ưa chuộng. Ảnh: CTV

Sản phẩm viên nén gỗ Việt được các nước châu Âu ưa chuộng. Ảnh: CTV

TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trend, cho rằng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nên chủ trì, mời các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và đại diện các hợp phần khác nhau của ngành đối thoại.

“Nhà nước cần có chiến lược về phát triển nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng bền vững trong tương lai. Chiến lược này cần quan tâm tới khía cạnh về các hợp phần khác nhau của ngành, nhu cầu và xu hướng sử dụng nguyên liệu của từng phần, thực trạng phân bố và năng lực sản xuất của DN. Dựa trên đó, chiến lược cần tính toán về cân bằng nguyên liệu giữa các hợp phần và công cụ, chính sách nhằm cân bằng các hợp phần đó trong tương lai” - ông Phúc đề xuất.

Không chỉ vậy, đại diện Tổ chức Forest Trend cũng đưa ra giải pháp hạn chế hộ khai thác gỗ nhỏ, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn. Đối với các hộ khai thác rừng non, dưới năm năm, Chính phủ cần quy định khi khai thác các diện tích rừng này thì các hộ phải đóng một mức thuế nhất định.

Doanh nghiệp gỗ nhiều tháng không được hoàn thuế VAT

Từ đầu năm đến nay, hàng trăm DN sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn thuế với tổng lượng thuế lên đến trên dưới 1.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Anh đang bị suy giảm 40%-50%, việc ách tắc thuế càng khiến DN khó khăn hơn.

Lý do dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT là do hướng dẫn của Tổng cục Thuế coi gỗ và các mặt hàng được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là có độ rủi ro cao về thuế. Bên cạnh đó, các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu hiện không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) vừa có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính có sự thống nhất để hướng dẫn cụ thể cho các DN trong việc thực hiện các yêu cầu liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế. Đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm giải quyết việc hoàn thuế cho các DN đã có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định.

Ông THANG VĂN THÔNG, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng

Ông THANG VĂN THÔNG, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng

Ông THANG VĂN THÔNG, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng:

Không đồng tình tăng thuế

Các ngành nghề khác thấy dăm gỗ tăng mạnh, lo ngại ngành dăm thu hút hết nguyên liệu nên mới đưa đề xuất tăng thuế. Tôi không đồng tình vì liệu sản phẩm này có tăng mạnh mãi hay không, hay chỉ đột biến trong một thời gian? Ngoài ra, khi dăm gỗ được giá, các ngành khác sụt giảm thì không thể yêu cầu bà con dừng khai thác vì đó là cơ chế thị trường, không thể dùng biện pháp hành chính để áp đặt.

Ông ĐỖ XUÂN LẬP, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Ông ĐỖ XUÂN LẬP, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Ông ĐỖ XUÂN LẬP, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam:

Gỗ rừng trồng trong nước là nguồn cung quan trọng nhất

Gỗ rừng trồng trong nước hiện đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn cung này là nền tảng đối với sự phát triển và lớn mạnh của ngành gỗ, góp phần đem lại nguồn thu trên 14 tỉ USD mỗi năm thông qua các mặt hàng gỗ xuất khẩu. Nguồn thu từ gỗ rừng trồng cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho hơn 1 triệu hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc sống tại địa bàn khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm