Kinh doanh trái phép
VKS cho rằng VKS cùng quan điểm với bị cáo, công văn của Bộ Kế KHĐT, Luật Doanh nghiệp là kinh doanh là hoạt động liên tục… Thực tế ở vụ án, 5 công ty của bị cáo thực hiện góp vốn mua cổ phần, đây là hoạt động liên tục nhằm mục đích sinh lợi như phát hành trái phiếu, bán cho các ngân hàng, lấy tiền mua cổ phiếu, góp vốn vào các công ty, doanh nghiệp khác…Như vậy, có căn cứ để khẳng định hoạt động góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu của công ty trên là kinh doanh.
Bộ KHĐT đã có công văn kèm theo các quyết định, theo đó, hoạt động mua cổ phần cổ phiếu của các doanh nghiệp được xếp mã ngành 64990. 5 công ty này kinh doanh ngành có mã 64990 nhưng không đăng ký kinh doanh là vi phạm điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Đối với công ty Thiên Nam, Luật sư và bị cáo Nguyễn Đức Kiên khẳng định bị cáo không phải là đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên. Tuy nhiên, Khoản 1 điều 26 LDN quy định khi thay đổi người đại diện theo pháp luật, DN phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần thì phải đăng ký kinh doanh mới và nộp lại đăng ký kinh doanh cũ. Thiên Nam thực tế vẫn giữ đăng ký kinh doanh từ 1995 nên Nguyễn Đức Kiên vẫn là đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Nam.
Về hợp đồng 017 bị quy kết là kinh doanh trái phép, bị cáo và các luật sư nói kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của Thiên Nam là mua bán hàng hóa đã có trong giấy kinh doanh, không vi phạm pháp luật. VKS cho rằng phải lấy nội dung hợp đồng 017 ngày 10-12-2009 để xem hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của Thiên Nam có phải đăng ký kinh doanh một mã ngành khác hay đã có trong giấy phép đăng ký kinh doanh?
VKS khẳng định hợp đồng giao dịch trạng thái vàng 017 giữa Thiên Nam và ACB là hợp đồng mua bán. Nội dung hợp đồng thỏa thuận hai bên đồng ý mua bán trạng thái vàng cho nhau. Càng khẳng định công ty Thiên Nam kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Khi thực hiện hợp đồng, công ty Thiên Nam đã thực hiện mua bán vàng trên tài khoản nước ngoài. Tại hợp đồng có nội dung mua bán trạng thái vàng có thể chuyển đổi thành vàng nguyên liệu hoặc vàng vật chất, do đó không thể là sản phẩm phái sinh hay kinh doanh vàng. Mua bán vàng hay kinh doanh trạng thái vàng có thể chuyển đổi thành vàng vật chất.
Từ nội dung trên, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của công ty Thiên Nam chịu sự điều chỉnh của quyết định 03/2006. Tại công văn, Bộ KHĐT cho rằng hoạt động kinh doanh vàng được xếp vào mã 46624. VKS khẳng định Thiên Nam đã kinh doanh trạng thái vàng trên tài khoản nước ngoài không có giấy phép.
Nguyễn Đức Kiên là chủ tịch HĐQT Thiên Nam, thực hiện giao dịch qua hệ thống điện thoại ghi âm của ACB. Không có sự tham gia của bị cáo, giao dịch đã không thực hiện được. Ông Lê Quang Trung cũng là người thực hiện hợp đồng nhưng đã chết nên không có điều kiện xem xét trách nhiệm của ông Trung. Bị cáo chịu trách nhiệm về hành vi kinh doanh trái phép là có cơ sở.
Tại kháng cáo, bị cáo Kiên nói thực tiễn bị cáo biết có một số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, mua cổ phần cổ phiếu, nhưng không bị xem xét xử lý, bị cáo bị xét xử oan, vấn đề bị cáo đưa ra không thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm nên VKS không xem xét.
Có 3 hợp đồng gồm hợp đồng số 01 ngày 25-12-2008 do bà Đặng Ngọc Lan ký với nội dung ủy quyền đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB, hợp đồng số 010109 ký 25-12-2008 giữa bà Nguyễn Thúy Hương và Công ty B&B có nội dung bên ủy thác đầu tư tài chính; Phụ lục hợp đồng ký giữa 3 bên gồm bà Nguyễn Thúy Hương, bên nhận ủy quyền Nguyễn Đức Kiên và Công ty B&B.
Các luật sư và bị cáo đều thừa nhận có hợp đồng, các nội dung đề nghị VKS tranh tụng gồm 3 vấn đề: 3 hợp đồng và phụ lục nói trên có phải ký trong cùng một ngày 25-12-2008, có bị ký lùi thời gian, có phù hợp quy định pháp luật không?
Bị cáo Kiên khẳng định không có ý định trốn thuế, người phải nộp thuế là bà Hương và bà Hương được hưởng chính sách miễn thuế theo Nghị quyết 32 của Quốc hội và Thông tư 160 của Bộ Tài chính. Các luật sư có ý kiến đề nghị xem xét lại tính hợp pháp của 2 văn bản 342 và 105 và kết luận giám định của Bộ tài chính khi giám định thuế bởi không đủ nguồn, viện dẫn thiếu căn cứ pháp luật.
Về các nội dung này, VKS tranh luận với bị cáo như sau:
Phụ lục hợp đồng ký giữa 3 bên về năm có vi phạm, có tẩy xóa nhưng chưa có căn cứ để khẳng định đã bị ký lùi. Nhưng thông qua hợp đồng cho thấy có vi phạm điều cấm pháp luật như sau: tại phụ lục hơp đồng, bị cáo Kiên là người đại diện theo pháp luật của Công ty B&B nhưng lại nhận ủy quyền của bà Hương, để thực hiện hợp đồng ủy thác của Hương cho Công ty B&B là vi phạm Điều 144 khoản 5 Bộ luật dân sự về phạm vi đại diện ủy quyền. Người đại diện không được xác lập thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ 3 mà mình cũng là đại diện. Như vậy xác lập đại diện ủy quyền của bà Hương cho Nguyễn Đức Kiên là vi phạm pháp luật.
Mặt khác, quá trình ủy thác tại Công ty B&B, bà Hương khai: “Là thành viên HĐQT, chỉ phụ trách công tác văn thư, quản lý con dấu và văn phòng. Công ty chỉ có 4 người. Kiên là người hoạch định, quyết định thực hiện hoạt động kinh doanh. Khi thực hiện hợp đồng, tôi không phải đặt cọc, và anh Kiên đặt lệnh trực tiếp”. Hương cũng khai chỉ ký biên bản thỏa thuận phân chia kết quả ủy thác đầu tư.
Bà Đặng Ngọc Lan, TGĐ B&B khai : “ Không phải là người đại diện theo pháp luật của B&B, do anh Kiên đi công tác nên anh Kiên đã ký giấy ủy quyền cho tôi thực hiện một số nhiệm vụ. Về việc ủy thác kinh doanh vàng tôi không hiểu biết gì nhiều mà chỉ ký chứng từ. Khi thấy lỗ nhiều tôi có hỏi nhưng anh Kiên bảo việc kinh doanh để anh và Hương giải quyết”.
Tại phiên tòa phúc thẩm chị Hương và Lan tiếp tục xác nhận lời khai trên. Tại cơ quan điều tra, Kiên đã khai: “Các giấy tờ tài liệu vợ tôi và Hương ký theo yêu cầu của tôi. Kế toán soạn thảo theo ý tôi rồi đưa tôi xem. Như vậy, Kiên đã chỉ đạo ký hợp đồng ủy quyền, và sử dụng giấy tờ không hợp pháp để xác định số thuế phải nộp là vi phạm pháp luật.
Hành vi của bị cáo phạm tội đã phạm vào tội Trốn thuế như án sơ thẩm quy kết viện thấy là có căn cứ, đúng người đúng tội.
Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Việc quy kết tội bị cáo phạm tội lừa đảo, VKS căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ sau:
Ngày 21-5-2012, Trần Ngọc Thanh đại diện cho Công ty ACBI ký hợp đồng về việc ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép hòa Phát (tương ứng 264 tỷ đồng), cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Tại điểm 1 khoản5 hợp đồng này, ACBI cam kết bảo đảm số cổ phần và quyền tiếp tục góp vốn, các quyền và lợi ích khác có liên quan được chuyển nhượng cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đầy đủ theo hợp đồng này thuộc sở hữu hợp pháp của ACBI, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào.
Trước đó, ngày 11-5-2010, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (đại diện Công ty ACBI) ký hợp đồng thế chấp hơn 24 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho ACB để bảo đảm cho khoản phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng. Do đó giấy chứng nhận sở hữu hơn 22 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát của Công ty ACBI được Công ty chứng khoán ACBS phong tỏa theo đề nghị phong tỏa kiêm ủy quyền chuyển nhượng cổ phiếu ngày 11-5-2010 và hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm thanh toán trái phiếu ngày 25-3-2008 được ký giữa ACBI và ACBS.
Như vậy, tại thời điểm ký hợp đồng ngày 21-5-2012, bị cáo Nguyễn Đức Kiên biết 20 triệu cổ phần đang bị thế chấp tại ACB và bị phong tỏa. Thực tế, trước ngày 21-5, bị cáo cũng đã yêu cầu kế toán và giám đốc công ty ACBI làm văn bản xin đề nghị giải tỏa nhưng không được ACB chấp nhận.
Đến ngày 27-6-2012, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã trả đủ số tiền 264 tỷ đồng vào tài khoản của ACBI theo hợp đồng đã ký. Nhận đủ và chi hết số tiền 264 tỷ đồng nhưng bị cáo vẫn không thực hiện việc giải chấp.
Ngày 5-9-2012, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát có đơn đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an điều tra làm rõ số cổ phần đã nêu trên và thu hồi số tiền 264 tỷ đồng cho TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Ngày 7-9-2012, cơ quan cảnh sát điều tra có Công văn số 497 yêu cầu ACBI nộp lại số tiền 264 tỷ đồng, nhưng trong tài khoản của công ty chỉ có 53 tỷ. Trong quá trình điều tra, ACBI không thực hiện được yêu cầu của cơ quan điều tra, ngoài số tiền 53 tỷ đồng trên.
Ngày 12-9-2012, Lãnh đạo ACB và các thành viên Ủy ban tín dụng đã họp bàn và kết luận không đồng ý giải chấp số cổ phần của ACBI đồng thời khẳng định, 29 triệu cổ phần công ty cổ phần Thép Hòa Phát, trong đó hơn 22 triệu cổ phần thế chấp cho trái phiếu và 7 triệu cổ phần thế chấp cho khoản vay vẫn đang thế chấp tại ACB. ACB chưa có bất kỳ văn bản nào đồng ý giải chấp số cổ phần này. Công ty ACBI do Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật sở hữu 29 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát.
17-9-2012, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mới ra quyết định về việc khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. Cùng ngày 17-9, Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố về tội lừa đảo. Như vậy, việc cơ quan điều tra Bộ công an phát hiện công ty ACBI có vi phạm trong việc bán cổ phần cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và yêu cầu ACBI nộp lại số tiền 264 tỷ đồng nhưng ACBI không thực hiện nên đến ngày 17-9 cơ quan điều tra mới ra quyết định khởi tố.
Về vấn đề này, Luật sư của bị cáo và bị cáo nêu, việc khởi tố vụ án không xuất phát từ Hòa Phát mà là mong muốn của cơ quan điều tra. Về việc này, theo quy định của BLTTHS, căn cứ để khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản không thuộc phạm vi khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Khi cơ quan điều tra phát hiện ra, thấy có .căn cứ là có quyền khởi tố vụ án, thấy người phạm tội là có quyền khởi tố bị can.
Bị cáo Kiên trong quá trình điều tra đã có nhiều đơn xin khắc phục hậu quả, và thực tế số tiền 264 tỷ đã được trả lại cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không xác nhận việc trên.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.