Phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng: Tòa tạm dừng vì có chứng cứ mới

15h23. HĐXX quay lại làm việc.

HĐXX công bố mới nhận được một số tài liệu mới, trong đó có tài liệu xác minh công ty phía Nga, biên bản phỏng vấn nhân chứng người Nga, biên bản ghi nhớ hợp đồng giữa Công ty Nakhodka (Nga) và AP (Singapore), chứng nhận xóa đăng kiểm tàu…

Theo chủ tọa, vì có tài liệu mới này nên HĐXX dừng buổi làm việc tại đây. 8h sáng mai HĐXX tiếp tục làm việc.

Hội đồng xét xử tại phiên tòa chiều nay. Ảnh: TN

15h15. HĐXX tuyên bố tạm nghỉ giải lao.

Bị cáo Mai Văn Phúc trao đổi với hai luật sư trong giờ nghỉ giải lao 

Dương Chí Dũng cười rất tươi. Ảnh chụp qua màn hình: TN 

***

Diễn biến phiên tòa:

Sáng nay, tòa phúc thẩm TANDTC TP Hà Nội tiếp tục phiên làm việc thứ 5 xét xử phúc thẩm vụ án tham ô và cố ý làm trái đối với Dương Chí Dũng và đồng phạm.

Trước đó, trong ba ngày (22-423-424-4 tòa đã lần lượt thẩm vấn các bị cáo nhằm làm rõ tội danh tham ô đối với bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (cả hai bị tuyên án tử hình), hai bị cáo đều kháng cáo kêu oan. 

Tại các phiên làm việc, tòa cũng thẩm vấn đại diện các cơ quan có liên quan để xem xét việc ụ nổi có phải là tàu biển hay không nhằm xem xét việc có tội hay không tội cố ý làm trái đối với các bị cáo nhóm hải quan.

Theo dự kiến, ngày 25-4, sau khi nghị án hơn một buổi, tòa sẽ tuyên án. Tuy nhiên, do còn nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm rõ, nhằm tránh việc buộc tội oan, bỏ lọt tội phạm nên thay vì tuyên án, HĐXX đã quyết định hoãn tuyên án, thẩm vấn lại các bị cáo và những người có liên quan.

Sáng nay (28-4), HĐXX sẽ tiếp tục thẩn vấn các bị cáo. Chúng tôi sẽ tường thuật trực tiếp phiên tòa (dự kiến là phiên làm việc cuối cùng), mời bạn đọc đón theo dõi.

Buổi chiều ngày xét xử thứ 4 (25/6) bà Mai Phương vợ bị cáo Dương Chí Dũng tươi cười vẫy tay chào tạm biệt chồng. Ảnh: THU NGUYỆT 

Phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng: Tòa tạm dừng vì có chứng cứ mới ảnh 5
Bị cáo Dương Chí Dũng cũng vui vẻ chào người thân "mọi người giữ sức khỏe nhé". Ảnh: TN

Hai vợ chồng bị cáo Dũng vui mừng sau khi Tòa quyết định sẽ thẩm vấn tiếp thay vì tuyên án. 

Khi rời tòa hai vợ chồng vui vẻ chào tạm biệt nhau. Bà Phương còn nắm tay giơ lên động viên chồng "cố lên", đồng thời gửi với cho chồng hai nụ hôn gió tạm biệt.

Trước đó, khi các bị cáo nói lời sau cùng, được tòa mời phát biểu, bà Phương cho biết sẽ làm mọi việc để chồng mình được sống, được giảm nhẹ tội.

8h05. HĐXX bước vào phòng xử án.

8h06. Chủ tọa tuyên bố, buổi sáng tòa tiếp tục phần xét hỏi, vì phần xét hỏi chiều thứ 6 nhiều luật sư vắng mặt.

8h10: Chủ tọa hỏi Trần Hữu Chiều.

-Trước khi đi khảo sát có gặp trực tiếp Dũng và Phúc không?

+Không ạ. Khi sang đến Nga, Sơn nói mọi vấn đề em đã báo cáo anh Phúc, mọi vấn đề anh cứ để em làm.

-Tại sao bị cáo có lời khai khẳng định Phúc chỉ đạo: "Một tuần trước khi đi khảo sát, Phúc chỉ đạo phải mua bằng được ụ nổi 83M và phải mua qua công ty AP"? 

+Bị cáo không nhớ đã khai như vậy. 

- Sang Nga, bị cáo có biết phía Nga chào bán ụ nổi cho AP giá dưới 5 triệu USD không? 

+Bị cáo có nghe phiên dịch loáng thoáng như vậy. 

-Khi đi khảo sát về bị cáo có lên báo cáo Phúc không (phía Nga chào bán dưới 5 triệu USD)? 

+Có, trong lời khai bị cáo có nói cùng Sơn, Khang lên báo cáo. Nhưng sau qua đối chất, bị cáo nhớ lại là không có Khang. 

-Bị cáo có nói về tình hình ụ nổi rất xấu, không hoạt động được không? 

+Có nói ụ xấu, không hoạt động bình thường.

Chủ tọa công bố một số lời khai của Chiều tại cơ quan điều tra liên quan đến việc mua ụ nổi 83M, có lời khai được Chiều xác nhận lại, có lời khai Chiều nói không nhớ. Chiều không nhớ là đã khai về việc Phúc chỉ đạo không đưa giá công ty Nakhodka chào bán ụ nổi dưới 5 triệu USD vào báo cáo. Đến tận khi làm việc với cơ quan điều tra Chiều mới biết việc thanh toán ụ tiền mua ụ nổi cho công ty AP có hồ sơ chứng từ bị thiếu.

Cũng theo lời Chiều khai, "khi đoàn khảo sát ụ nổi 83M, thấy có tàu cá đang ở đó, bị cáo nghĩ đó là sự sắp đặt vì ụ đang chào bán (và đăng kiểm Nga đã ngừng phân cấp từ năm 2006) thì không thể có chuyện sửa chữa tàu được".

8h20: Chiều thừa nhận, từ phiên sơ thẩm cho đến giờ, bị cáo luôn thừa nhận hành vi “cố ý làm trái” của mình, có điều mong HĐXX xem xét “bối cảnh lịch sử” của việc này.

8h29: Chủ tọa hỏi bị cáo Chiều về hành vi nhận 340 triệu? Chiều cũng xác nhận lại lời khai trước đó: đó là "8 tháng sau khi việc thanh toán ụ nổi, bị cáo hỏi vay Sơn 1 tỷ đồng (để chữa bệnh và xây nhà). Tới lúc bị cáo trả tiền thì Sơn không lấy số tiền 340 triệu. Bị cáo hỏi việc này có liên quan đến việc mua bán ụ nổi không? Sơn nói “không, bác yên tâm. Nhà em có công ty, thấy bác khó khăn em giúp đỡ thôi”.

Chiều nói khi đó phải vay Sơn tiền để chữa bệnh, hơn nữa còn muốn mua nhà để báo hiếu bố mẹ, đón bố mẹ từ Hải Phòng lên, nhưng nhà cửa chật chội quá. Bị cáo còn vay tiền của nhiều người nữa, không chỉ riêng Sơn, để mua một căn hộ nhỏ gần nhà bị cáo. Gia đình vợ nhà bị cáo rất thương tâm, có bốn người con, người con trai duy nhất thì 25 tuổi mất… (nói đến đây, chủ tọa cắt lời Chiều).

+Bị cáo muốn trình bày hết nhưng cứ bị HĐXX cắt đi. 

-Bị cáo có mua nhà được ở thời điểm đó không? 

+Năm 2009, thời điểm cụ thể thì bị cáo không nhớ.

Thẩm phán hỏi động cơ, mục đích của việc mua ụ nổi là gì? Chiều khai, nhu cầu vận tải lúc đó rất lớn. Một ngày tàu nhỡ mất mấy chục ngàn. Mua về để sửa chữa rồi sử dụng chứ không phải mua về sử dụng ngay. Mục đích động cơ để tham ô, trục lợi bị cáo hoàn toàn không có.

8h40. VKS đã trích lại lời khai của Chiều tại cơ quan điều tra thời điểm tháng 6-2013: theo đó Chiều có khai "khi Sơn đưa 340 triệu, Chiều biết số tiền này liên quan đến việc mua bán ụ nổi chứ giữa bị cáo và Sơn không có quan hệ gì để Sơn đưa tiền như vậy". Chiều thừa nhận có lời khai này.

8h46. Chủ tọa thẩm vấn Mai Văn Phúc.

Phúc phủ nhận hoàn toàn lời khai của Chiều đồng thời khẳng định bản thân không chỉ đạo gì Sơn.

Phúc cho biết quyết định cử đoàn đi khảo sát không phân công ai làm trưởng đoàn, Chiều là Phó TGĐ nên tự nhận vai trò này. 

Phúc nói không biết tại sao Chiều lại khai với cơ quan điều tra (về việc báo cáo với Phúc phía Nga chào bán ụ nổi dưới 5 triệu USD cho công ty AP) vì tại tòa sơ thẩm, ít nhất hai lần Chiều khai không có việc này.

 -Vì sao bị cáo suy luận phải có sự thỏa thuận mới có 1,666 triệu USD?

+ Bị cáo nghĩ chắc chắn như thế vì không thể tự nhiên người ta đưa tiền cho mình. Vì bị cáo không chỉ đạo gì về việc này thì chắc phải là anh Dũng. 

Phúc cũng khai ban đầu không nghĩ Sơn có thể là người đứng ra thỏa thuận vì người thỏa thuận phải là người có quyền quyết định. Nhưng bây giờ thì bị cáo nghĩ khác vì Sơn khủng khiếp quá.

Phúc nhiều lần nhắc đi nhắc lại cụm từ “bị cáo thấy Sơn khủng khiếp quá”.

Tòa: - Quan hệ của bị cáo với Dũng là không hợp nhau. Có việc bị cáo biết sai nhưng vẫn làm, có phải sợ bị cách chức hay gì không? 

+Không có, vì Dũng không thể cách chức được bị cáo. 

Phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng: Tòa tạm dừng vì có chứng cứ mới ảnh 6
Quang cảnh phiên tòa sáng nay. Ảnh: TN 

 Chủ tọa đã trích lại lời khai: “tôi không chịu sự quản lý trực tiếp của Dũng, nhưng tại cuộc họp lãnh đạo, bị cáo Dũng có nói rằng nếu anh không tổ chức thực hiện được việc mua ụ nổi 83M theo đúng tiến độ thì tôi sẽ báo cáo Thủ tướng cách chức anh”. Phúc thừa nhận có lời khai này. 

Tuy nhiên, khi chủ tọa hỏi bị cáo Dũng về lời khai này thì Dương Chí Dũng phủ nhận. Phúc một lần nữa xác nhận lời khai này và khẳng định “bị cáo chưa bao giờ khai tiền hậu bất nhất”.

9h00. Chủ tọa hỏi Dương Chí Dũng: 

Dũng khai có quan hệ vớ ông Goh trong khoảng thời gian từ 1997-2000, khi Dũng là Giám đốc Công ty Tàu thủy ở Hải Phòng. 

Dũng khai sau đó quan hệ thân thiết hơn, có nhờ ông Goh chăm sóc con Dũng đang học ở Singapore

-Vậy tại sao ban đầu bị cáo không thừa nhận có quan hệ với ông Goh? 

+Vì ban đầu bị cáo không muốn mọi người hiểu sai khi biết bị cáo có quan hệ thân thiết với ông Goh. Nhưng sau đó bị cáo đã thừa nhận ngay việc này.

Dũng tiếp tục phủ nhận cáo buộc đã chỉ đạo “thuộc cấp” mua bằng được ụ nổi 83M. Dũng khai chỉ chủ trì cuộc họp HĐQT để nghe tờ trình của Tổng giám đốc về việc này.

Chủ tọa hỏi về vai trò của Phó TGĐ Bùi Văn Trung tại Vinalines. Dũng khai Phó TGĐ Bùi Văn Trung phụ trách về kinh doanh, đối thoại. Việc này (mua ụ nổi) Trung đang làm từ trước, ụ 220 là Trung đang làm, nhưng không hiểu sao Phúc lại giao cho Chiều làm.

Chủ tọa hỏi Phúc, Phúc cho biết bản thân không quyết định chuyển cho Chiều làm thay Trung mà khi về làm TGĐ đã thấy như vậy.

“Nói ra thì không hay nhưng thực tế là anh Phúc luôn chống đối Chủ tịch HĐQT (là Dũng-NV), không tuân theo chỉ đạo”- Dũng tiếp tục khẳng định tại tòa về sự bất hòa với Phúc, để chứng minh giữa mình và Phúc hoàn toàn không có sự bàn bạc thỏa thuận gì.

“Nếu tham tiền bị cáo bí mật bàn bạc với ông Goh, không bao giờ cho “quân” biết việc này”- Dũng nói thêm.

9h20: Chủ tọa công bố lời khai của Dũng tại cơ quan điều tra về việc Dũng khẳng định: “mình Sơn không thể thao túng được việc này, việc mua bán phải có sự chỉ đạo của những người có quyền cao nhất ở Vinalines, phải có sự thỏa thuận ngầm giữa Vinalines và ông Goh liên quan đến khoản tiền 1,666 triệu USD"

Dũng đáp: “Đây là sơ suất của bị cáo khi ký các bản cung này. Bị cáo không khai như vậy. Hôm đó anh em vui vẻ làm việc, điều tra viên tóm tắt lại việc trước sau bị cáo không nhận việc chỉ đạo việc mua ụ nổi và ăn chia khoản tiền 1,666 triệu USD. Lúc đó hết giờ làm việc rồi, anh giám thị thì cứ đứng chờ ở ngoài để đưa về trại giam nên bị cáo ký”.

“Bị cáo không phải người tham…”. Dũng đang trình bày thì chủ tọa ngắt lời.

Chủ tọa nhắc lại từ việc làm trái dẫn đến hậu quả gần 367 tỷ đồng, trong đó có việc tham ô số tiền 1,666 triệu USD (khoảng 28 tỷ đồng), đây chỉ là một dự án trong rất nhiều dự án của Vinalines. Sơn khi sửa chữa ụ nổi cũng có tham ô nữa.

9h26: VKS dẫn lại một số lời khai khác của Dũng ở những thời điểm khác nhau và cho rằng như vậy, Dũng rất nhiều lần bị điều tra viên “lừa”. “Bị cáo khẳng định mình không nói như thế. Bị cáo đã có đơn tố cáo nói việc bản cung không trung thực, không đúng với lời khai của bị cáo”- Dũng nói.

9h34: Chủ tọa xét hỏi Mai Văn Khang (SN 1958, cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, thuộc Vinalines) bị tòa sơ thẩm tuyên 7 năm tù.

Khang xác nhận lại lời khai: ụ không hoạt động nhưng báo cáo khảo sát lại nêu ụ đang hoạt động bình thường; đoàn khảo sát biết việc công ty Nakhodka chào bán giá dưới 5 triệu USD, Dũng và Phúc chỉ đạo phải mua ụ nổi bằng được... Tuy nhiên, bị cáo này nói thêm mình đã "nhớ sai thời điểm" và "chỉ nghe nói lại như vậy".

-Sau khi tòa công bố toàn bộ các lời khai của bị cáo, tại phiên tòa hôm nay bị cáo còn thấy oan về hành vi làm trái không ? 

+Có thể bị cáo vô tình, vô tư trong công việc thôi chứ không cố ý.

9h51: Tòa chuyển qua thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên Tổng GĐ Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines), bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 14 năm tù về hành vi tham ô và 8 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp là 22 năm tù giam.

Bị cáo Trần Hải Sơn trả lời thẩm vấn. Ảnh: TN 

Sơn khai, về khoản tiền 1,666 triệu USD, Sơn gặp riêng Dũng và Phúc để cáo cáo từng người về việc này.

-Dũng, Phúc khẳng định không nhận một đồng nào, bị cáo có căn cứ nào chứng minh không ? 

+Bị cáo khẳng định chắc chắn có việc này.

Sơn tiếp tục khẳng định hai lần đưa tiền cho Dũng, lần đầu 5 tỷ tại khách sạn Victory, lần thứ hai 5 tỷ tại nhà bố mẹ vợ Dũng ở Hải Phòng.

Chủ tọa hỏi Sơn đã đến nhà bố mẹ vợ Dũng ở Hải Phòng lần nào chưa? Sơn khai đã nhiều lần đến, vì nhà em gái Sơn ở gần đó. “Lời khai ở cơ quan điều tra nói nhà em gái bị cáo cách nhà bố mẹ vợ Dũng 500m, nhưng thực ra là rất gần, chỉ khoảng 200-300m thôi” - Sơn nói thêm.

Sơn cũng khẳng định 3 lần đưa tiền cho Phúc. Lần đầu 2,5 tỷ ở Làng quốc tế Thăng Long, lần hai 5 tỷ cũng ở Làng quốc tế Thăng Long và lần cuối cùng đưa tại quê Phúc 2,5 tỷ.

-Nhà Phúc ở chung cư, sao bị cáo khẳng định có "cổng"? 

+ Cổng với cửa, đó là do điều tra ghi thôi, chứ chung cư làm gì có cổng. 

-Lần đưa tiền đầu tiên với lần thứ hai cách nhau bao lâu? 

+Khoảng 2, 3 tuần thôi. 

Chủ tọa tiếp tục hỏi Sơn về những lần chuẩn bị tiền đưa cho Phúc. Sơn khai, lần đưa tiền thứ 2, Sơn có dùng chứng minh thư rút 2 tỷ đồng ở Ngân hàng Hàng hải Chi nhánh Hải Phòng. Tuy nhiên, có lời khai Sơn lại khẳng định mình rút tiền ở Chi nhánh Hà Nội. Sơn nói mình nhiều lần rút tiền, lần ở Hà Nội, lần ở Hải Phòng nên giờ không nhớ chính xác.

Chủ tọa hỏi có bao giờ Sơn rút 1 tỷ ở HN không. Sơn khẳng định "có". 

Chủ tọa hỏi: - Lúc trước bị cáo nói không nhớ, sao bây giờ lại nhớ?

Sơn đáp do "nhiều lần chuẩn bị tiền".

10h13: Trần Hải Sơn cũng mô tả lần về quê đưa tiền cho Phúc: "Hôm đó nhà Phúc đang có việc nên rất đông người. Sơn ngồi khoảng 10-15 phút rồi về.

"Từ quốc lộ 10 đến chỗ đậu xe phải qua một quãng trống như cánh đồng hay gì đó"- Sơn nói. 

-Đã lần nào bị cáo gặp con trai Phúc chưa? 

+Chưa gặp lần nào. 

-Hôm đó có nhìn thấy con của Phúc không? 

+Có. 

-Có nói chuyện với con Phúc không? 

+Không. 

-Vậy tại sao tại cơ quan điều tra lại khai có ngồi nói chuyện với Phúc và con Phúc? 

+Bị cáo không nhớ.

Về việc đưa tiền cho Trần Hữu Chiều, Sơn nói khi hỏi vay một tỷ, Chiều không nói lý do vay để làm gì. Khoản vay này Chiều đã trả lại cho Sơn (Chiều hỏi vay Sơn 1 tỷ nhưng tổng số tiền Sơn chuyển cho Chiều là 1 tỷ 340 triệu-PV).

Sơn ấp úng: "Có nhiều thứ bất thành văn. Ở phía Nam, bị cáo được Tổng công ty chuyển cho một khoản vốn như thế này, thì phải bồi dưỡng cho người này, người kia. Cũng chỉ nói là bồi dưỡng chứ không nói cụ thể đó là khoản tiền gì".

10h20: Sơn xác nhận lời khai: đưa cho Chiều 340 triệu lấy từ tiền ụ nổi nhưng khi đưa cho Chiều chỉ nói là "bồi dưỡng". 

Về lời khai của Chiều hỏi Sơn : "Có phải tiền ụ nổi không thì Sơn đáp không, bác cứ yên tâm". Sơn ban đầu khẳng định không có việc đó, nhưng sau lại nói "không nhớ". Sơn khai chuẩn bị đưa cho Chiều 500 triệu, nhưng tại cơ quan, Chiều khai Sơn chỉ đưa 340 triệu. "Bị cáo tin anh Chiều. Chắc là bị cáo rút ra rút vào nên chỉ đưa cho anh ấy chừng đó".

-Tóm lại Dũng hay Phúc chỉ đạo anh mua ụ nổi 83M? 

+Bị cáo chưa bao giờ khai là anh Dũng chỉ đạo cả.

10h34: Luật sư Trần Đình Triển hỏi Trần Hải Sơn: 

-Trong tờ trình của anh có nói : ngày 3-7, AP (công ty Addpower Pte Ltd, Singapore) gửi văn bản cho Phó TGĐ Bùi Văn Trung chào giá 9 triệu USD không ? 

+Tất cả các văn bản tôi ký lưu trong hồ sơ thì tôi xác nhận.

-Có văn bản Sơn gửi cho ông Goh về việc thương thảo giá không?

Sơn nhắc lại câu nói : "Tất cả các văn bản tôi ký lưu trong hồ sơ thì tôi xác nhận". 

Luật sư Triển hỏi Sơn về 3 lời khai của Sơn về việc chỉ đạo ăn chia khoản 1,666 triệu USD, những lời khai này là mâu thuẫn nhau. Vậy lời khai nào đúng? 

Trần Hải Sơn từ chối trả lời câu hỏi này.

Luật sư tiếp tục dẫn những lời khai mâu thuẫn khác của Sơn, Sơn đều chỉ nói ngắn gọn : "về việc này bị cáo đã trả lời rồi", "việc này để HĐXX đánh giá" hoặc "tôi đã vừa khai với HĐXX rồi".

10h45: Luật sư Triển đề nghị HĐXX xem xét việc: Bản tự khai của anh Quỳnh (lái xe cho Sơn) so với hợp đồng lao động của Quỳnh với Công ty của Sơn, đó là khai ngày 7-7 đưa tiền cho người ta 5 tỷ trong khi hợp đồng lao động ký hồi tháng 9 (Quỳnh khai ngày 7-7-2008 có đến đón Sơn tại khách sạn Vitory sau khi Sơn đến đưa tiền cho Dũng- PV).

Chủ tọa hỏi Sơn: Anh Quỳnh vào làm việc cho công ty của bị cáo từ 1-9-2008 đến 1-10-2008 ? 

+Quỳnh là cháu của một người quen. Bị cáo không nhớ Quỳnh thử việc từ bao giờ, khi chưa chính thức thì ký từng tháng một. Có thể đây chỉ là một hợp đồng thôi.

Sơn nói thêm, doanh nghiệp của Sơn thành lập từ tháng 3-2008, thời điểm đó Công ty chưa ổn định nên ký hợp đồng từng tháng một. Quỳnh là người lái xe cho Sơn từ khi thành lập Công ty (cho đến thời điểm Sơn bị bắt ở sân bay). 

Luật sư Triển phản bác, cho rằng HĐXX hỏi vậy không khách quan, vì hợp đồng luật sư trình đề "hợp đồng thử việc" một tháng. 

Chủ tọa đề nghị luật sư cung cấp bản chính. Luật sư nói đây là tài liệu luật sư thu thập, còn việc chuyển hóa chứng cứ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, nếu cần thiết thì tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.

10h48: Luật sư khác hỏi: "Nếu Chiều không hỏi vay tiền thì Sơn có biếu Chiều tiền không?" 

Sơn đáp: "tôi chuẩn bị 500 triệu để biếu anh Chiều" 

-Anh đã nhiều lần khẳng định việc anh đưa cho Chiều 340 triệu không lấy từ số tiền 1,666 triệu USD đúng không ? 

+Đúng. (Trong khi đó, đầu phiên xử, Sơn lại khai đưa 340 triệu cho Chiều lấy từ tiền ụ nổi-PV).

11h00. Luật sư Trần Đại Thắng hỏi Trần Hải Hà, em gái Sơn. 

Chị Hà cho biết, các lần chuẩn bị tiền, Sơn đều không nói lý do. Duy có lần chuẩn bị tiền (lần đưa tiền ở khách sạn Victory), Sơn có nói với Hà "đưa cho bác Dũng "tổng" tiền lẻ thế này anh vác bao tải đi à"

11h10: Các luật sư lần lượt hỏi Dương Chí Dũng, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang về việc khảo sát và mua ụ nổi 83M.

11h20: Luật sư Hoàng Huy Được hỏi Mai Văn Phúc về thủ tục thanh toán khoản 9 triệu USD (tiền mua ụ nổi) cho Công ty AP.

11h24: Luật sư Được đề nghị Trần Hải Sơn xác nhận một số lời khai của Sơn: Về lời khai "tôi đến nhà anh Phúc tại 602B2 Làng quốc tế Thăng Long 3 lần. Tôi đưa tiền xong rồi về, cũng không ai rót nước mời tôi".

Sơn nói: "Lời tôi đã khai tôi xác nhận». 

Luật sư Được chất vấn : Anh từng khai đưa 10 tỷ cho ông Phúc ba lần, đều ở Làng quốc tế Thăng Long, trong vòng 5 tuần. Nhưng sau đó lại khai hai lần đưa tiền ở nhà Phúc, một lần đưa tiền ở quê, nhưng giữa lần đưa tiền thứ hai và thứ ba cách nhau tới 7-8 tháng".

Sơn thanh minh : một câu nói ra nhắc lại còn sai nữa là, những lần khai đó đã khai lại rồi. 

11h30. Tòa kết thúc phần làm việc buổi sáng.

14h10: Mọi người torng phòng xử và những người chờ theo dõi phiên tòa bắt đầu sốt ruột vì HĐXX vẫn chưa quay lại làm việc đúng giờ như đã định.

Những lần khác, HĐXX thường rất đúng giờ, luôn bắt đầu quay lại làm việc vào lúc 14h và trễ khoảng 2 đến 3 phút.

Chiều nay, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm sẽ bắt đầu vào lúc 14h00.

Như thường lệ, Dương Chí Dũng là người có mặt tại phòng xử sớm nhất. 

Bị cáo Dũng lần lượt đứng dậy bắt tay hai đại diện của Vinalines, đại diện Bộ Tài chính (một trong năm giám định viên tổ giám định liên ngành), đại diện Cục đăng kiểm Việt Nam… khi họ bước vào phòng xử.

Có vẻ các bị cáo được ăn trưa ngay tại tòa để tiện cho việc xét xử.

14h12. HĐXX bước vào phòng xử án.

Tòa triệu tập ông Bùi Văn Trung, Phó Tổng giám đốc Vinalines (thời điểm diễn ra việc mua bán ụ nổi 83M).

Ông Trung khai thời điểm đó ông không nắm được cụ thể về việc mua bán ụ nổi. Ông Trung cũng cho biết mình không xem bản chào giá của công ty AP nhưng có tham gia thẩm định (ông Trung là tổ phó, ông Phúc là tổ trưởng tổ thẩm định). ông Trung cũng cho rằng mình không biết gì về bản chào hàng ụ nổi.

Phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng: Tòa tạm dừng vì có chứng cứ mới ảnh 8

Quang cảnh phiên tòa buổi chiều. Ảnh: TN 

14h23. Tòa triệu tập thêm đại diện Ngân hàng Hàng hải, ông Nguyễn Tuấn Khang (đại diện theo ủy quyền).

Ông Khang xác nhận, việc lưu giữ tài liệu việc rút tiền bằng chứng minh thư là 30 năm. 

Tòa công bố văn bản việc xác minh chứng từ rút tiền của Trần Hải Sơn, theo đó, năm 2009, 2010 Sơn có mở tài khoản. Còn việc rút tiền của giao dịch (từ 2007 đến 2012) thì phần mềm của Ngân hàng Hàng hải không tra soát được. Ông Khang nói rằng việc này ông không nắm rõ.

Khi được chủ tọa yêu cầu giải thích về nội dung này, ông Khang nói "không tra soát được" tức là tra soát không ra.

Tòa hỏi: "Nếu tòa cung cấp văn bản này thì chậm nhất là sáng mai, Ngân hàng Hảng hải có thể kiểm tra có, hoặc không có giao dịch của Trần Hải Sơn trong năm 2008 hay không?" 

Ông Khang nói sẽ gửi về Ngân hàng Hảng hải đề nghị xác minh lại.

14h33. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi Mai Văn Phúc: 

-Anh từng khai chỉ có anh và anh Dũng mới có thể quyết định viêc mua ụ nổi cũng như việc chia khác khoản tiền 1,666 triệu USD. Lời khai này từ ý thức về vị trí chức vụ hay căn cứ nào khác ? 

+Từ vị trí của tôi và anh Dũng, tôi có suy nghĩ đó chứ không có chứng cứ nào khác. 

-Sáng nay anh đã nghe Trần Hải Sơn khai về việc đến nhà bị cáo ở quê, có phòng khách ở gian giữa… 

+Đó lại là một sự gian dối khác của Sơn. Giữa nhà bị cáo là ban thờ. Bộ bàn ghế nhà bị cáo bé tí, ở góc. Nhà bị cáo không có buồng, không thể có chuyện bị cáo cầm tiền mang vào buồng cất như lời bị cáo Sơn khai. 

Phúc trình bày thêm : Bị cáo không có động cơ gì, động cơ duy nhất là củng cố và phát triển công ty. Việc xảy ra chuyện như vậy, bị cáo xác nhận có một phần trách nhiệm của bị cáo. Bị cáo sẽ tiếp tục động viên gia đình tiếp tục khắc phục hậu quả thiệt hại.

14h30. Luật sư Thiệp hỏi bị cáo Trần Hữu Chiều:

-Trong nhiều lời khai, anh khẳng định anh không báo cáo anh Phúc về việc chào giá 5 triệu mà sáng nay, anh lại khai có trao đổi với bị cáo Phúc về việc giá chào? 

+Nội dung này có thể không chính xác. Việc đàm phán trao đổi về việc mua ụ tôi đã giao cho anh Sơn rồi nên không có việc tôi báo cáo anh Phúc về việc này.

14h40. Luật sư Thiệp hỏi Trần Hải Sơn:

-Khi cho em gái anh 2 tỷ, anh nói đó là tiền gì ? 

+Tôi cho thôi, không nói đó là tiền gì. 

-Anh cho trước hay sau khi nhận 1,666 triệu USD ? 

+Việc đó diễn ra năm 2009. 

-Lần anh khai đưa tiền cho Dũng ở quê, căn cứ vào đâu để anh nói nhà anh Phúc có việc? 

+Vì thấy nhà đông người, tôi nhận định vậy. 

- Trách nhiệm phải chuyển tiền (khoản lại quả-PV) cho các lãnh đạo là việc anh phải làm. Vậy anh bận mà không đưa ngay tiền cho các sếp thì có phù hợp không? 

+Sáng tôi đã khai chỉ có duy nhất lần đưa cho anh Phúc 2,5 tỷ là chậm. 

-Tại sao anh chuyển cho các anh Dũng, Phúc nhiều lần mà không phải một lần? 

+Tôi đã khai rồi. Vì số tiền quá lớn. Từ lúc chuẩn bị cho đến chuyển đưa, nếu đưa một lần thì rất khó khăn. 

-Anh khai đưa tiền cho Phúc vào tháng 6, Dũng vào tháng 7, tức là đưa cho Phúc trước Dũng, tại sao vậy? 

+Tôi không nhớ vì sao. Ai thuận tiện thì đưa trước thôi.

14h50. Luật sư Thiệp tiếp tục hỏi Sơn:

-Cặp mà anh khai cặp đựng vi tính, nó có tương tự cặp này không (luật sư giơ một chiếc cặp lên)? 

+Cặp tôi dùng to gấp rưỡi cặp này. 

-Có mấy ngăn? 

+Tôi không nhớ cấu tạo. Sơn giải thích, kể cả túi có bánh xe thì cũng có ngăn đựng vi tính riêng. 

-Khi anh nhận túi tiền chị Huyền sắp cho anh, anh bỏ tiền luôn vào cặp hay bỏ tiền ra rồi xếp vào cặp? 

+Tôi không nhớ.

Luật sư Thiệp dẫn lại lời khai của Sơn: tiền đựng trong túi nilon màu đen và anh bỏ túi nilon đó vào cặp. 

-Giả sử là tiền 500 ngàn, 2,5 tỷ tương đương 50 cọc có đút được không? 

+Thừa sức đút được, nếu tiền có niêm phong của ngân hàng. 

Luật sư Thiệp đề nghị HĐXX thử nghiệm việc đút số lượng tiền tương đương vào cặp.

14h50. Tòa hỏi bị cáo Lê Văn Dương. Dương khẳng định báo cáo của Dương đã phản ánh đúng thực trạng của ụ nổi. Bị cáo có chụp rất nhiều ảnh để minh họa… Dương hoàn toàn không nhận được tiền hay lợi ích vật chất nào khác từ Sơn.

Chủ tọa trích một lời khai của Dương: "Bị cáo biết việc đưa canô lên để đoàn chụp ảnh là sự sắp đặt, vì thực tế ụ 83M đang chờ bán, đăng kiểm Nga đã ngừng phân cấp từ năm 2006…" 

Dương đáp: “Bị cáo đã có đơn xin thay đổi lời khai trước khi có kết luận điều tra, không biết vì sao lời khai này vẫn được đưa vào hồ sơ. Các điều tra viên đã viết sẵn lời khai".

15h12. Tòa hỏi Trần Hữu Chiều.

Chiều khai, sau khi hỏi vay Sơn 1 tỷ, tối đó Sơn đến nhà Chiều đưa trước 340 triệu. Sơn nói Sơn đi công tác ở Hà Nội nên không chuẩn bị đủ tiền. Sau đó, Sơn chuyển tiếp một số lần nữa, tổng số là 1 tỷ 340 triệu. Tại cơ quan điều tra, các anh điều tra viên nói với bị cáo, Sơn còn khai đưa cho bị cáo 20 ngàn USD có kèm cạc-vi-dít, điều này là không thể có. Điều tra cũng nói Sơn khai đưa cho bị cáo 500 triệu, bị cáo khẳng định không có việc này. 

THU NGUYỆT-PLO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm