Theo đó, VKS cho rằng kháng cáo kêu oan của Dũng và Phúc là không có cơ sở; kháng cáo xin giảm hình phạt của các bị cáo cũng không cơ sở.
Riêng hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trong phần luận tội, đại diện VKS đã tỏ ra có bất nhất trong việc kết tội và đã bị các luật sư “bắt giò”. Đó là, VKS cho rằng bị cáo Dũng phạm tội cố ý làm trái với vai trò chủ mưu, đồng thời là người thực hành tích cực nhất. Với động cơ mục đích tham ô tài sản, ở cương vị của mình, bị cáo đã chỉ đạo bị cáo Chiều, Sơn triển khai dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, chỉ đạo mua ụ nổi 83M. Việc xử phạt bị cáo 18 năm tù về tội cố ý làm trái là có cơ sở, tuy nhiên cần tăng mức bồi thường đối với bị cáo này.
Đối với bị cáo Mai Văn Phúc, VKS cho rằng dù mới được bổ nhiệm chức TGĐ nhưng đã tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Dũng. Vai trò của Phúc trong vụ án này thấp hơn so với Dũng nên bản án sơ thẩm quyết định mức bồi thường 100 tỷ đồng là phù hợp.
Tuy nhiên ngay sau đó, trong phần phát biểu quan điểm đối với các bị cáo nhóm hải quan, VKS cho rằng có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt và giảm một phần mức bồi thường cho các bị cáo Lê Văn Dương (giảm mức bồi thường), Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (giảm nhẹ hình phạt và giảm một phần mức bồi thường). Nhưng VKS lại cho rằng cần xem xét tăng mức bồi thường của các bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều.
Như vậy, VKS đã mâu thuẫn khi trước đó cho rằng Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Dũng phải bồi thường 100 tỷ là phù hợp nhưng ngay sau đó lại đề nghị tăng mức bồi thường. Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng việc VKS tự đề nghị nâng phạt cho các bị cáo trong khi VKS không hề có kháng nghị là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Hiện, các luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng vẫn quyết liệt yêu cầu hủy án sơ thẩm do còn nhiều mâu thuẫn chưa được Tòa sơ thẩm xem xét, giải quyết.
ĐL