Xin nhấn F5 để cập nhật tiếp.
Phần cập nhật mới nhất:
17h10: HĐXX nghị án đến 14h ngày mai Tòa sẽ tuyên án.
16h52: Các bị cáo nói lời sau cùng:
Bị cáo Dương Chí Dũng: "Để xảy thiệt hại tại TCT Hàng hải, Bị cáo xin lỗi Đảng, nhà nước, nhân dân. Trước pháp luật khôgn thể nhận điều không đúng được, nhận điều không có thì không thể được. Mong HĐXX cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan, nếu chưa xác đáng chứng cứ thì cho bị cáo giảm nhẹ hình phạt, để bị cáo có thể chờ đến một thời điểm nào đó làm sáng tỏ. Bị cáo 48 tuổi được bổ nhiệm TGĐ, muốn làm điều gì đó cho ngành, không thành công thành tội, đó cũng là điều đau đớn. Bố đẻ bị cáo 91 tuổi, gia đình giấu không cho biết. Cụ huân huy chương rất nhiều… Gia đình nội ngoại bị cáo đều có truyền thống cách mạng, em gái em rể là công an… Sai lầm thế này rất buồn… Không phải bị cáo sợ đâu, nếu có tội bị cáo sẵn sáng chịu, chỉ mong HĐXX hết sức thận trọng. Bị cáo thành khẩn, rất ăn năn. Trước mắt bị cáo xin vận động gia đình, dù bao nhiêu đi chăng nữa cũng cố gắng khắc phục. Cho bị cáo được sống chờ đến ngày minh oan cho bị cáo. Bị cáo trung thành với xã hội, yêu cuộc sống, yêu gia đình rất nhiều. Một lần nữa xin tha tội cho bị cáo đã để xảy ra sai phạm này.
Bị cáo Mai Văn Phúc : Thực sự bị cáo bị oan. Bị cáo là nạn nhân của vụ án này. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo, người trọn đời gắn bó với ngành hàng hải. Mong HĐXX thật sự khách quan.
Bị cáo Trần Hải Sơn: Hai lời khai của anh Dũng và anh Phúc trước cơ quan điều tra và trước tòa xác nhận việc chia khoản tiền 1,666 triệu USD đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho người khác. Bị cáo khai đúng những gì bị cáo biết và xác nhận những nội dung lời khai. Bị cáo đã nhận thức được sai phạm của mình, bị cáo mong muốn gia đình và người thân sẽ giúp bị cáo khắc phục được một phần hậu quả. Mong HĐXX cá thể hóa hình phạt, để có mức án đúng người, đúng tội. Vụ án có hai mức án cao nhất của anh Dũng và anh Phúc, mong HĐXX có mức án để các anh có thể nhờ …
Bị cáo Trần Hữu Chiều: Đề nghị HĐXX xem xét việc nhận tiền 340 triệu của bị cáo. Xin xem xét giảm trách nhiệm dân sự cho bị cáo. Bị cáo còn bốn bố mẹ già, con nhỏ, mong muốn được giảm mức án cho bị cáo.
Bị cáo Mai Văn Khang: Chỉ vì một chữ ký nháy vào báo cáo khảo sát mà bị truy tố trước pháp luật, bị cáo rất đau buồn. Bị cáo là đảng viên, 32 năm trogn ngnàh không có sai phạm gì cả… Trước đây bị cáo mong muốn được minh oan, nếu không được bị cáo mong được giảm án và xin giảm trách nhiệm dân sự.
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức: Chỉ vì nhận thức ụ nổi không phải là tàu biển. Gia đình bị cáo rất khó khăn, bố mới mất, mong HĐXX cho bị cáo được hưởng mức án khoan hồng.
Bị cáo Lê Ngọc Triện: Mong giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm bồi thường.
***
Diễn biến phiên tòa:
Hôm nay (24-4), TANDTC TP Hà Nội bước qua ngày làm việc thứ 3 phiên xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm. Hôm nay, các luật sư sẽ tiếp tục tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Theo diễn tiến phiên tòa ngày hôm qua (23-4), tòa đã bước qua phần tranh luận. Các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng đều đồng loạt cho rằng còn nhiều điều cần phải làm rõ, yêu cầu hủy án sơ thẩm, điều tra lại.
Tuy nhiên, trong phần phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSTC giữ quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ quyên quan điểm truy tố bị cáo Dũng Và Phúc tội tham ô là đúng người đúng tội. Riêng các bị cáo hải quan có căn cứ có thể được giảm nhẹ hình phạt và giảm một phần mức bồi thường. Song song với việc giảm mức bồi thường cho các bị cáo nhóm hải quan thì VKS cũng đề nghị tăng mức bồi thường của các bị cáo khác lên. Đây cũng chính là tình tiết mà các luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng không đồng tình, cho rằng VKS đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng vì đã đề nghị tăng án mà trước đó lại không có kháng nghị.
Hôm nay (24-4), phiên tòa được tiếp tục với phần tham gia tranh luận của các luật sư, chúng tôi tiếp tục tường thuật trực tiếp diễn biến phiên tòa, mời bạn đọc đón theo dõi.
8h00: Luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn) bắt đầu phần bào chữa cho thân chủ.
Bị cáo Dũng tại phiên tòa sáng nay . Ảnh chụp qua màn hình: Thu Nguyệt
Theo luật sư Hưng, bị cáo Sơn chỉ xin giảm án, giảm hình phạt, đặc biệt là phần bồi thường thiệt hại.
Luật sư cho rằng không có chứng cứ của khoản tiền tham ô, ngoại trừ việc có một khoản tiền từ Công ty AP chuyển về cho công ty Phú Hà và từ công ty Phú Hà chia cho các bị cáo. Theo bản án, Vinalines đã chuyển cho công ty AP 9 triệu USD, khoản tiền này có quay về hay không thì không có chứng cứ chứng minh. Đây đã là hậu quả của tội làm trái thì không thể tiếp tục tính là hậu quả của tội tham ô. Một hành vi khách quan nhưng lại được xác định cho hai tội danh là bất cập.
Luật sư cũng cho rằng bị cáo Sơn ký nháy vào văn bản là sai rồi nên không kháng cáo tội làm trái.
Luật sư cũng rằng thiệt hại của vụ án là 367 tỷ. Về logic ta đã thấy 28 tỷ (tương đương 1,666 triệu USD) nằm trong khoản tiền 9 triệu USD đã được tất toán chuyển đi. Nếu đã là tham ô rồi thì hậu quả của tội cố ý làm trái phải trừ đi khoản 1,666 triệu USD đi.
Mặt khác, ụ nổi hiện vẫn còn, nếu ta chấp nhận con số 367 tỷ thì ta chấp nhận ụ nổi bằng 0. Nếu được trừ đi con số này thì thiệt hại vụ án thấp hơn nhiều (?). (Trước đó, Tòa đã nhận định hậu quả của cái ụ nổi này đang làm nhức đầu các nhà quản lý do nó đã hư hỏng nặng, gây ô nhiễm, nếu bán sắt vụn ụ nổi thì chi phí để tháo dỡ còn cao hơn nhiều lần chi phí bán. Như vậy lẽ ra phải cộng thêm vào thiệt hại của vụ án thì có lẽ hợp lý hơn mới phải-NV)
Quang cảnh phiên tòa sáng nay. Ảnh: TN
Cũng theo luật sư Hưng, do cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn nên dễ làm phát sinh tội làm trái, do đó nên xét hoàn cảnh khách quan khi định tội về cơ chế chính sách.
Luật sư kết luận: cứ cho là có việc chia nhau 28 tỷ này đi, thì đây cũng là yếu tố “trục lợi” của tội cố ý làm trái thôi.
8h23: Luật sư Phạm Thanh Sơn (bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều) bắt đầu bào chữa cho thân chủ.
Vai trò của bị cáo Chiều là thụ động khi tuân theo sự chỉ đạo, điều hành của HĐQT và Ban giám đốc. Ở đây, khả năng là thiếu vai trò kiểm soát chứ không phải cố ý làm trái.
Luật sư cho rằng không đủ yếu tố khẳng định các bị cáo có tội tham ô do số tiền 1,666 triệu USD ông Goh chuyển tiền cho Phú Hà, Phú Hà chuyển cho bị cáo Sơn Bị cáo Chiều chỉ biết được có tiền từ việc mua bán ụ nổi qua quá trình điều tra, xét hỏi. Bị cáo Sơn cũng đã khai dùng tiền riêng để đưa cho Chiều. Lúc đưa tiền Sơn cũng không nói rõ là tiền gì khi Chiều hỏi vay tiền để chữa bệnh.
Về trách nhiệm bồi thường, đối với tội cố ý làm trái cần phải có thẩm định về hậu quả xảy ra. Ụ nổi hiện nay vẫn còn. Có thể Vinalines mua đắt, nhưng không có nghĩa là Vinalines mất tiền. Còn việc thanh lý, ngay cả việc mua một chiếc xe mới, đổ xăng, chạy về nhà đã giảm giá trị rồi.
8h44: Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Khang-cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, thuộc Vinalines) bị tuyên án 7 năm tù) bắt đầu phần bào chữa.
Theo luật sư, bị cáo Khang chỉ ký nháy vào bản khảo sát để xác định thông tin dịch thuật là đúng thôi, sau đó Khang đã bị điều chuyển khỏi ban quản lý dự án trước khi lãnh đạo Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi, do đó VKS nói không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Khang là không đúng.
9h00: Luật sư Lê Minh Công (bào chữa cho Mai Văn Khang) bổ sung: Luật sư Công cho biết, Vinalines có bản quy ước, quy định, ai là người ký tên, đóng dấu dưới văn bản, người đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Ở đây, bị cáo Khang có quyền quyết định mua ụ nổi không? Có được ký hợp đồng mua ụ nổi không? Thực tế, Khang chỉ duy nhất tham gia đoàn khảo sát và ký một chữ ký nháy vào báo cáo khảo sát…
Hai luật sư của bị cáo Khang liên tục bị chủ tọa nhắc vì bào chữa lan man, lạc vấn đề.
Trong khi bị cáo Khang chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm trách nhiệm dân sự thì luật sư cố chứng minh Khang bị oan về một số hành vi quy kết trong cáo trạng.
9h 28: Báo cáo của Dương chỉ là hình thức, không có tính chất quyết định việc mua ụ nổi. Bản thân Lê Văn Dương không có lợi ích gì, không có động cơ, mục đích làm trái. Lê Văn Dương bị lợi dụng, là nạn nhân của âm mưu đã được chuẩn bị từ trước, là bức bình phong che chắn cho một âm mưu có từ trước.
Với quan điểm cá nhân, tôi thiên về việc Dương thiếu trách nhiệm hơn là cố ý làm trái.
Về trách nhiệm dân sự: Số tiền mua ụ nổi được kết luận là 9 triệu USD, trong đó giá ụ nổi là 2,3 triệu USD, khoản tiền này đã được cơ quan điều tra xác định là giá trị thực của ụ nổi. Số tiền 1,666 triệu USD được xác định là tham ô, trách nhiệm bồi thường thuộc các bị cáo tham ô tài sản. Như vậy chỉ còn 4,3 triệu USD là thiệt hại trực tiếp do việc mua bán ụ nổi.
Tuy nhiên, thiệt hại này đang được xác định là khoản tiền nâng giá, có dấu hiệu của một tội phạm khác, việc này vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ. Tôi cũng đồng ý là các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới. Những khoản tiền khác, theo luật sư Đăng, không thuộc trách nhiệm của Dương như tiền sửa chữa ụ nổi, tiền neo đậu… Chúng tôi giả thuyết nếu Vinalines đưa ụ nổi vào hoạt động và có hiệu quả thì Dương có được chia lãi không? Rõ ràng là không. Vậy sao khi có thiệt hại lại yêu cầu Dương phải bồi thường.
10h45: Tại phiên tòa, ông Trần Thái Sơn, một trong 5 giám định viên của tổ giám định chuyên ngành đã khẳng định, nếu có thiệt hại xảy ra thì Vinalines phải chịu trách nhiệm, việc này không liên quan đến các cán bộ hải quan.
Luật sư đang tranh luận. Ảnh: TN
10h20: Về việc phân loại hàng hóa, luật sư Phúc cũng cho rằng, theo công ước HS, ụ nổi có mã số riêng, ụ nổi không phải là tàu biển. Nếu ụ là tàu thì nhóm bị cáo hải quan sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường. Nếu ụ nổi không phải là tàu thì các bị cáo không chịu ràng buộc bởi quy định của NĐ 49 (quy định về việc đăng ký và mua bán tàu biển).
Luật sư viện dẫn 3 công văn của Bộ GTVT, Cục đăng kiểm Việt nam và công văn mới nhất của Bộ GTVT đều khẳng định ụ nổi không phải là tàu. (theo hồ sơ vụ án, cơ quan công tố khẳng định ụ là tàu và căn cứ vào đó kết tội các bị cáo nhóm hải quan-NV).
Luật sư Phúc khẳng định nếu chưa làm rõ được việc này thì không có cơ sở để quy kết trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự cho các bị cáo hải quan.
10h00. Luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho nhóm bị cáo nguyên là cán bộ hải quan) bắt đầu phần bào chữa cho các thân chủ.
Luật sư cho rằng các thân chủ đã không làm trái quy trình hải quan. Quy trình, thủ tục hải quan là quy trình kiểm tra, thông quan tự động. Nếu bước 1 làm đúng thì các bước 2, 3 đương nhiên là đúng, không sai (trong khi kết luận điều tra khẳng định công chức hải quan bước 1 (nhập dữ liệu) đã làm đúng và không bị khởi tố trong vụ án này).
11h00: Hiện các luật sư vẫn đang bào chữa cho các bị cáo nhóm hải quan.
Tựu chung, các luật sư đều cho rằng hiện giờ không thể kết tội các bị cáo nhóm hải quan được do chưa có gút được việc ụ nổi có phải là tàu hay không.
Thiết bị hỏng, han gỉ không liên quan đến trách nhiệm của hải quan. Bản án sơ thẩm đã tùy tiện chia, 367 tỷ sau khi trừ đi 28 tỷ tham ô thì phân cho các bị cáo người 100 tỷ, người vài chục tỷ, người chín tỷ, người sáu tỷ… các luật sư cho rằng không công bằng.
Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho nhóm cán bộ hải quan) kiến nghị hủy án sơ thẩm để chờ sự trả lời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - là cơ quan có thẩm quyền giải thích luật- kết luận việc ụ nổi có là tàu biển hay không.
11h37: HĐXX tuyên bố tạm nghỉ. Buổi chiều 14h00 sẽ bắt đầu làm việc lại.
Dự kiến, buổi chiều đại diện VKS sẽ đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư. Các bị cáo cũng sẽ tham gia tranh luận.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến phiên tòa.
===
13h44: Chiều nay, phiên tòa phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm sẽ được bắt đầu vào lúc 14h00.
Trong phiên tranh tụng buổi sáng, các luật sư của nhóm bị cáo hải quan cho rằng, ụ nổi không phải là tàu biển nên các cán bộ hải quan không có tội. Và vì sau này nếu ụ nổi mà có kinh doanh có lãi thì chắc gì đã được chia tiền nên cũng không có căn cứ yêu cầu các cán bộ hải quan phải liên đới bồi thường trách nhiệm đối với cái ụ nổi này.
Tâm trạng bị cáo Dương Chí Dũng khá tốt. Ảnh: TN
Dự kiến chiều nay, các bị cáo cũng sẽ tham gia tranh luận cùng đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát với các luật sư.
Trong khi chờ HĐXX vào phòng, DCD thoải mái trao đổi với luật sư. Ãnh: TN
14h00: HĐXX bắt đầu làm việc.
Chủ tọa mới Dương Chí Dũng phát biểu trước, Dũng đáp : Không bổ sung gì về lời bào chữa của các luật sư, cũng không tranh luận với VKS.
14h10: Đến lượt bị cáo Mai Văn Phúc phát biểu.
Phúc cho rằng VKS chỉ đưa ra một căn cứ cáo buộc Phúc đó là lời khai của Sơn. Tuy nhiên, Sơn khai không đúng: "thực tế không có việc Sơn đến Làng quốc tế Thăng Long đưa tiền cho bị cáo. Sơn khai: "trước mỗi lần Sơn đến đưa tiền cho Phúc, Sơn đều điện thoại hẹn Phúc để đưa tiền". Nhưng suốt thời gian này, Sơn không có bất kỳ cuộc điện thoại nào cho bị cáo.
Sơn khai, Dũng chỉ đạo Sơn chia cho Phúc 10 tỷ đồng, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa này, bị cáo Dũng đã xác nhận hoàn toàn không có việc Dũng chỉ đạo chia cho bị cáo10 tỷ.
Kết quả điều tra đưa ra: việc thương thảo mua ụ nổi từ cuối 2006, thời điểm đó bị cáo chưa về làm TGĐ..."
Mai Văn Phúc kết luận bài phát biểu: "Đề nghị HĐXX xem xét khách quan, nếu chứng minh được bị cáo sẵn sàng nhận tội chết".
Phúc cũng cố gắng trình bày thêm nhưng Chủ tọa đã ngắt lời : nếu không có nội dung gì mới thì bị cáo về chỗ.
14h14: Bị cáo Trần Hữu Chiều tham gia tranh luận.
Chiều cho biết, việc mua ụ theo phương thức FOB ở Nakhodka, nên mới thống nhất gọi là tàu biển. Phải gọi là tàu biển mới có được 18 loại giấy phép theo yêu cầu… Chiều giải thích đây là việc "tình ngay nhưng lý gian" khi không loại bỏ những giấy tờ không cần thiết, trong khi những giấy tờ đó chỉ phục vụ cho việc kéo ụ về VN.
Chiều cho rằng bị kết tội tham ô tài sản là quá oan.
14h27: Lê Văn Dương: Trong biên bản kiểm tra giám định đã thể hiện chính xác tình hình kỹ thuật của ụ nổi, chỉ có báo cáo kết quả khảo sát của các cán bộ Vinalines mới làm sai lệch thực tế.
14h30: Bị cáo Dương Chí Dũng xin được phát biểu.
Dũng nói: "VKS nói Bị cáo chỉ đạo bằng mọi cách mua bằng được ụ nổi. Thực ra tất cả các bị cáo Phúc, Chiều, Khang đều nói bị cáo không chỉ đạo gì. Chỉ một ý kiến của Sơn như thế mà VKS đưa vào nhận định của mình, đề nghị xem xét.
14h31: Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa bắt đầu phần đối đáp.
VKS cho rằng, nhiều luật sư đưa ra các quan điểm trùng lắp nhau, VKS không thể đáp ứng từng vấn đề của từng luật sư.
Về tội tham ô, VKS xác định: lượng tiền chuyển về là có thật, do đó tùy HĐXX đánh giá.
Đối với tội cố ý làm trái, VKS cho rằng số tiền bồi thường 3,5 tỷ đồng của Phúc là rất nhỏ, tại tòa, bị cáo còn phản đối việc gia đình nộp tiền bồi thường. So với hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo và mức bồi thường trên 100 tỷ đồng thì số tiền đã bồi thường là rất nhỏ. Vì vậy VKS không áp dụng điểm b khoản 1 điều 46 (về: xác định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả-NV)
Về việc luật sư cho rằng việc nâng mức bồi thường là không đúng luật, VKS cũng cho biết là không đề nghị tăng hình phạt của bị cáo nào cả. Quan điểm của VKS, bồi thường là một tổng không đổi, nếu bị cáo này nhiều thì bị cáo kia phải ít đi. Hầu như các bị cáo, nhất là bị cáo nhóm hải quan, đăng kiểm, đều có kháng cáo đề nghị xem lại mức bồi thường. VKS cho rằng đề nghị trên của VKS nằm ở cái chung đó.
Đáp lại việc luật sư Phúc cho rằng nguyên đơn dân sự là Vinalines vẫn chưa có đơn yêu cầu bồi thường mà đã yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại, VKS khẳng định: Đây là vấn đề dân sự trong hình sự chứ không phải vấn đề bồi thường thông thường do vậy không cần đơn đề nghị của Vinalines. Vinalines không đề nghị thì không giải quyết, nhà nước mất à.
Trả lời việc bắt các bị cáo bồi thường oan uổng trong khi bán sắt vụn ụ nổi cũng được bao nhiêu tỷ, VKS cho rằng đến thời điểm khởi tố bị can,chi phí liên quan đến ụ nổi đã là trên 500 tỷ đồng, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí, trong đó có khoản chi phí mua ụ nổi (37 tỷ, tương đương 2,3 triệu USD) mới còn 367 tỷ.
Việc xác định ụ là tàu biển hay không VKS vẫn khẳng định chế định quản lý của ụ phải như tàu biển.
VKS kết luận: Vinalines là DN 100% vốn nhà nước, mọi hậu quả của nó nhà nước phải gánh chịu. Những khoản tiền mất mát là tiền của nhà nước, là tiền thuế của dân chứ không phải ai khác.
14h59: Luật sư Ngô Ngọc Thủy tranh luận lại.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy đề nghị VKS trả lời các vấn đề: đó là rõ khoản tiền 1,666 triệu USD được cho là tham ô chuyển về công ty Phú Hà là tiền của ai, do ai chuyển, thuộc sở hữu của ai.
Bản tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh đã được các luật sư mang về, đề nghị VKS cho biết quan điểm về giá trị của bản tuyên thệ này?
15h03: VKS trả lời: Theo tài liệu điều tra ghi nhận, cũng theo lời tuyên thệ của ông Goh, khoản 1,666 triệu USD được trích từ số tiền thanh toán lần thứ hai là 8,1 triệu USD. 9 triệu USD Vinalines dùng để thanh toán việc mua ụ nổi là khoản tiền ký quỹ, vay của Ngân hàng Citibank. Số tiền này nằm trong số tiền mua ụ nổi, được Vinalines sử dụng từ tiền của nhà nước.
Vụ án được điều tra không quả tang. Vụ án xảy ra từ 2008 nhưng đến 2012 mới được điều tra. Trong 4 bị cáo tham ô chỉ có 2 bị cáo thừa nhận tội. Chúng tôi ghi nhận quá trình điều tra rất trung thực, khách quan, không có sự mớm cung, ép cung, nếu có việc ép cung, mớm cung thì Dũng, Phúc không thể không nhận được (ý là nếu có ép cung, mớm cung thì Dũng và Phúc đã nhận tội rồi-NV).
Chúng tôi đã xem kỹ bản tuyên thệ của ông Goh để đưa vào vận dụng, đánh giá.
15h14: Luật sư Trần Đình Triển đề nghị VKS cần đánh giá đúng các tài liệu luật sư đã cung cấp từ cấp tòa sơ thẩm. Luật sư cho rằng VKS đã không đọc những nội dung quan trọng nhất trong bản tuyên thệ của ông Goh, cụ thể như việc ông Goh nói toàn bộ quá trình mua bán không hề có thương thảo với ông Phúc, ông Dũng.
Luật sư Triển: "VKS nói rằng nếu có hiệp định tương trợ tư pháp từ phía Nga thì chúng ta xử lý sau. Án phúc thẩm xong, thi hành hai án tử hình. Vậy khi đó xử lý thế nào?"
15h39. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng tranh luận: Khi VKS kết luận rằng kết luận của VKS đã đầy đủ căn cứ về tội tham ô, tiền đã chuyển về… Vấn đề là khoản tiền này do ai đàm phán, đàm phán vào thời gian nào?... Nếu không làm rõ việcnày thì sẽ có người phải chịu tội thay cho người khác.
Tại sao các tài liệu luật sư Trần Đình Triển đưa ra không được VKS nhắc đến, phải chăng là VKS không đọc? Chúng tôi đưa ra những mâu thuẫn giữa những lời khai của bị cáo Sơn về thời gian, địa điểm đưa tiền cho Phú. Tại sao VKS không phản bác? Phải chăng là VKS đồng tình với quan điểm của chúng tôi ?
15h46: Phần tranh luận, phiên tòa diễn ra khá căng thẳng. Vị chủ tọa liên tục phải cắt lời các luật sư, giải thích các luật sư nói ngắn gọn, trọng tâm, đề nghị cụ thể các vấn đề VKS tranh luận và đề nghị các luật sư không nhắc lại các tình tiết vụ án…
16h02: LS Nguyễn Văn Chiến tỏ ý thất vọng vì VKS không tranh luận về việc tại sao không phân biệt ụ nổi và tàu biển mà cứ cho rằng các luật sư chỉ sính ngoại, “say sưa với công ước HS”.
"Kết luận của giám định viên liên ngành (5 Bộ) đưa ra cũng không được xem xét, đề cập đến. Vấn đề là quy định của Bộ luật Hàng hải không có Nghị định hướng dẫn, mà chính công ước HS đã giúp trám khoảng trống này, áp chi tiết cho từng loại phương tiện thuộc quy phạm tàu biển" - luật sư bức xúc.
"VKS khẳng định ụ nổi là tàu biển trong khi lại công nhận việc tính thuế của hải quan là chính xác. Điều 42 BLTTHS quy định nguyên đơn dân sự phải có đơn. Thiếu thì phải hoàn thiện, chứ chúng tôi không nói rằng nếu không có đơn thì không xem xét".
16h10: LS Được, LS Thắng tiếp tục xin có ý kiến nhưng chủ tọa không chấp nhận.
16h16: Bà Phương, vợ bị cáo Dương Chí Dũng tham gia ý kiến: Tôi vẫn giữ ý kiến không đồng ý kê biên 3 căn hộ. Chồng tôi như thế rồi, nhà tôi có gì đã bán hết và đi vay mượn, nộp tất cả được 5,2 tỷ. Là người vợ, tôi sẽ làm mọi cách khắc phục hậu quả để chồng tôi không bị tử hình. Mong HĐXX xem xét.
Bà Phạm Thị Mai Phương, bà Ngô Thị Vân. Ảnh: giadinh.net
Vợ Mai Văn Phúc: Tôi cũng muốn vay mượn, có gì bán đi để lo cứu tính mạng cho nhà tôi. Xin quý tòa xem xét giảm nhẹ mức án cho chôgnf tôi. Về tài sản kê biên, tôi không tiếc gì cả. Nếu có gì tôi cũng sẵn sàng trao hết, dùng tài sản của gia đình, họ tộc khắc phục hậu quả, mong giảm án cho chồng tôi.
16h23. VKS cho rằng các luật sư có gì đó hơi căng, "theo chúng tôi không cần thiết phải thế. Các bên, ngay cả tôi, chỉ có quyền đưa ra chứng cứ, quan điểm, chúng tôi không nói chúng tôi đúng".
"Bản giám định của cơ quan tư vấn độc lập Vinalines thuê phải được Cục đăng kiểm phê duyệt mới có giá trị. Luật sư nói hai bị cáo Dũng và Phúc có mâu thuẫn không đội trời chung, cái này chúng tôi không biết, chúng tôi không đánh giá. Vụ án có hai án tử hình, chúng tôi phải rất cẩn trọng. Nếu để oan chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và nhân dân. Không những không oan mà không được bỏ lọt tội phạm".
VKS cũng cho biết sẽ đánh giá toàn bộ chứng cứ tại phiên tòa để từ đó đưa ra quyết định, vì đây là dự án thuộc nhóm A, trên 1000 tỷ, chưa được phép của Thủ tướng Chính phủ nên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định.
Về tội tham ô : Đây là vụ án điều tra truy xét. Sáu năm sau mới bắt đầu truy xét và không phải bị cáo nào cũng khai nhận tội. Chúng tôi truy xét từ hành vi làm trái. 5 ngày sau khi AP nhận số tiền 8,1 triệu USD từ mua bán ụ nổi, Công ty AP chuyển khoản tiền 1,666 triệu USD cho công ty Phú Hà. Chúng tôi cho rằng đây chính là một phần của khoản tiền mua bán ụ nổi. Tôi cho rằng việc chỉ đạo là có, nhưng các bị cáo không thừa nhận. Luật sư Thiệp cho rằng thời gian đưa tiền kéo rất dài. Qua điều tra, anh Sơn, Huyền, Hà khai, khi tiền về, ngay tháng 7 đã được Sơn đưa cho Dũng và Phúc mỗi người 5 tỷ. Lần thứ 2, Dũng muốn lấy tiền mua nhà cho con gái nên có việc chậm và có mâu thuẫn trong thời điểm đưa tiền. Đó cũng là điều dễ hiểu vì thời gian diễn ra lâu rồi.
Đã là hành vi đen thì "mắt la mày lém", mong mọi việc diễn ra nhanh rồi "chuồn", đó là tôi cứ nói sự thật như thế. Đúng là có mâu thuẫn trong lời khai. Có lời khai nói có 3 vali tiền. nghe thì có vẻ ghê. Cũng có thể điều tra viên ghi không chuẩn. Bốn bị cáo tội tham ô, hai bị cáo có vai trò thấp hơn thì nhận, hai bị cáo Dũng và Phúc không thừa nhận. Như vậy có hợp lý không ? Đó là chúng tôi đặt ra như vậy để đánh giá tổng hợp.
16h39: Luật sư Triển khi bị chủ tọa ngắt lời đã nối cáu: "Hội đồng ngồi để nghe tranh luận giữa luật sư và VKS, không phải ngồi đó để ngăn chặn". Chủ tọa gay gắt : "Nếu luật sư không có ý kiến gì khác thì luật sư ngồi xuống. Vấn đề này Hội đồng sẽ xem xét đánh giá chứng cứ".
16h44: Đại diện VKS VKS thừa nhận có mâu thuẫn về thời gian và địa điểm đưa tiền và giành lại quyền đánh giá cho HĐXX.
LS Được phản kháng: Phải căn cứ vào pháp luật chứ không phải căn cứ vào niềm tin nội tâm để kết tội các bị cáo.
16h49: Dương Chí Dũng nói thêm : Nhà bị cáo ở Hà Nội, bị cáo đi công tác, ở khách sạn, không có lý gì cứ kéo 5 tỷ đi như thế.
16h50. Mai Văn Phúc cũng đề nghị xem lại, bị cáo không quanh co chối tội và cũng không phải "cầm đầu" như VKS đã kết tội vì bị cáo"thẳng thắn, thật thà, lời khai của bị cáo trước sau như một, không có gì tiền hậu bất nhất"
THU NGUYỆT-PLO