Luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn) viện dẫn: thiệt hại của vụ án là 367 tỷ. Về logic ta đã thấy 28 tỷ (tương đương 1,666 triệu USD) nằm trong khoản tiền 9 triệu USD đã được tất toán chuyển đi. Nếu đã là tham ô rồi thì hậu quả của tội cố ý làm trái phải trừ đi khoản 1,666 triệu USD đi. Mặt khác, ụ nổi hiện vẫn còn, nếu ta chấp nhận con số 367 tỷ thì ta chấp nhận ụ nổi bằng 0. Nếu được trừ đi con số này thì thiệt hại vụ án thấp hơn nhiều (?)-Luật sư khẳng định.
Luật sư Phạm Thanh Sơn (bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều) cũng đồng quan điểm. Theo luật sư, về trách nhiệm bồi thường đối với tội cố ý làm trái cần phải có thẩm định về hậu quả xảy ra. Ụ nổi hiện nay vẫn còn. Có thể Vinalines mua đắt, nhưng không có nghĩa là Vinalines mất tiền. Còn việc thanh lý, ngay cả việc mua một chiếc xe mới, đổ xăng, chạy về nhà đã giảm giá trị rồi (!)
Ụ nổi No83M giá 2,3 triệu USD được Vinalines mua với giá 9 triệu USD. Ảnh: TNO
Trong khi đó, trong phần tranh luận với các luật sư tại phiên tòa sơ thẩm hồi cuối tháng 12/2013 , đại diện VKS cho biết, hiện nay thiệt hại từ việc mua ụ nổi của Vinalines đã hơn… 500 tỷ đồng và con số này hiện vẫn chưa dừng lại. “Nó đã thành đống sắt vụ và không có phương án sữa chữa khả thi”- đại diện VKS cho biết.
Trả lời tại tòa ngày 22-4, đại diện Vinalines cũng cho biết, ụ nổi hiện neo đậu tại cảng Gò Dầu (tỉnh Đồng Nai). Chi phí neo đậu bình quân tốn 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/tháng. Vì đây là tang vật vụ án nên ụ nổi này cũng chưa thể bán để thu hồi vốn. Theo tính toán, tổng khoản nợ cho chi phí neo đậu lên đến 23,8 tỉ đồng. Các phương án cho thuê, sửa chữa để khai thác, thậm chí bán sắt vụn cũng không tiến hành được. Đại diện Vinalines cũng cho biết, do kinh tế biển đang suy thoái nên chưa có phương án xử lý ụ nổi đã đặt ra việc tháo ụ nổi để bán sắt vụn.
Trước đó, về việc thiệt hại của ụ nổi, tòa cũng đã nhận định: hậu quả của cái ụ nổi này đang làm nhức đầu các nhà quản lý do nó đã hư hỏng nặng, gây ô nhiễm, nếu bán sắt vụn ụ nổi thì chi phí để tháo dỡ ra còn cao hơn nhiều lần chi phí bán.
Như vậy việc các luật sư cho rằng “ụ nổi còn đó là Vinalines chưa mất tiền” và đòi giảm mức bồi thường thiệt hại cho tội làm trái cho các bị cáo thì không biết là đã căn cứ vào đâu, vì nếu tính cho hợp lý thì có lẽ phải tăng phần bồi thường thiệt hại lên cho mỗi bị cáo theo đúng như thời giá hiện nay, số tiền mà nhà nước đang phải trả cho một đống sắt vụn mang tên là “cái ụ nổi” mới đúng.
ĐL-TN