Ngày 23-4, ngày thứ hai xử phúc thẩm vụ án tiêu cực xảy ra tại Vinalines, đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu quan điểm về vụ án. Sau đó, các luật sư tranh luận lại quan điểm này.
Đề nghị tăng mức bồi thường với Dương Chí Dũng
Phát biểu quan điểm của VKS tại phiên tòa, vị công tố viên nhắc lại những cáo buộc đã nêu trong bản cáo trạng và nhận định: Không có căn cứ để chấp nhận phần lớn kháng cáo của các bị cáo.
Đối với nhóm bị cáo phạm tội tham ô, đại diện VKSND Tối cao cho rằng hành vi của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội tham ô với vai trò chủ mưu; hai bị cáo Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn là đồng phạm giúp sức. “Kháng cáo kêu oan của Dũng và Phúc là không có cơ sở. Cạnh đó, dù gia đình bị cáo Dũng và Phúc đã nộp tiền khắc phục hậu quả (4,7 tỉ đồng và 3,5 tỉ đồng) nhưng cũng không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt” - công tố viên nói.
Về tội cố ý làm trái, theo VKS, việc xử phạt Dương Chí Dũng 18 năm tù là có cơ sở, tuy nhiên cần tăng mức bồi thường đối với bị cáo này bởi Dũng vừa giữ vai trò chủ mưu, vừa là người thực hành tích cực nhất (án sơ thẩm tuyên Dũng phải bồi thường 100 tỉ đồng).
Trong vụ án này, bị cáo Phúc có vai trò thấp hơn Dũng nên bản án sơ thẩm quyết định mức bồi thường 100 tỉ đồng là phù hợp.
Bị cáo Mai Văn Phúc rời phiên xử. Ảnh: ĐỨC MINH
VKS cũng cho rằng kháng cáo liên quan đến việc kê biên các căn hộ của bị cáo Dũng và Phúc là không có cơ sở. Viện cho rằng việc kê biên ba căn nhà của bị cáo Dũng là đúng quy định vì theo BLHS, người phạm tội tham nhũng có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Để giảm mức bồi thường cho các bị cáo Dương, Đức, Lừng, Triện, cần xem xét tăng mức bồi thường của các bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều” - công tố viên nói.
Vi phạm tố tụng?
Luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng cho rằng cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử và ngay lời buộc tội của đại diện VKS tại phiên tòa này đã có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
“Chúng ta đã có hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước, trong đó có Nga và các nước ASEAN nhưng trong vụ này vẫn chưa có kết quả tương trợ tư pháp, đặc biệt từ phía Nga. Tại tòa, đại diện VKS đề nghị nâng mức bồi thường của thân chủ tôi và một số bị cáo khác. Vậy VKS căn cứ vào đâu để đề nghị như vậy trong khi VKS không có kháng nghị?” - luật sư nói.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc thì cho rằng quan điểm của VKS đã được chuẩn bị trước dựa trên hồ sơ, còn diễn biến phiên tòa đã không được thể hiện bất cứ một chữ nào. “Những chứng cứ bổ sung tại phiên tòa đã không được xem xét. Do sự chuẩn bị trước và không cập nhật diễn biến phiên tòa nên đại diện VKS đã không điều chỉnh nội dung kháng cáo của Mai Văn Phúc. Tại tòa, bị cáo đã nhận trách nhiệm về việc để xảy ra thất thoát tài sản tại Vinalines, chỉ thanh minh rằng mình không cố ý…” - luật sư nói.
Chứng cứ buộc tội tham ô “non”?
Luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng cho rằng những chứng cứ dùng để buộc tội thân chủ mình chỉ là những chứng cứ gián tiếp. “Lời khai của bị cáo Sơn và các nhân chứng là người nhà của bị cáo Sơn là chứng cứ được dùng để quy kết, buộc tội bị cáo Dũng. Lời khai của các nhân chứng là thống nhất, đồng nhất với nhau, tuy nhiên việc sử dụng lời khai này cần phải cẩn trọng vì bị cáo Sơn và các nhân chứng có quan hệ ruột thịt, gần gũi. Trước tình huống bị cáo Sơn đối mặt với bản án và hình phạt nghiêm khắc thì liệu họ có tránh khỏi tâm lý khai báo có lợi cho người thân của mình hay không?” - luật sư nêu.
Ngoài ra, theo luật sư, những lời khai này lại không hề có vật chứng, không có ghi âm để chứng minh.
Một luật sư khác của bị cáo Dũng cho rằng mấu chốt chứng minh bản chất sự việc là quan hệ của Vinalines và Global Success. Nội dung thương thảo thế nào, ai là người thương thảo... để sau đó ông Goh Hoon Soew (Giám đốc điều hành Công ty AP) chuyển tiền cho Công ty Phú Hà (do em gái bị cáo Trần Hải Sơn làm giám đốc)?
Trong khi đó, ông Goh, trong lời khai (đã được hợp thức hóa lãnh sự, được luật sư thu thập và cung cấp cho HĐXX) cũng đã khẳng định không biết Công ty Phú Hà. “Bản án nhận định Sơn không có quyền quyết định mua ụ nổi nên không có chuyện Sơn quyết định về khoản tiền 1,666 triệu USD. Nếu như vậy, việc Sơn nhận tiền nhưng sau tám tháng mới đưa cho sếp có phù hợp với lẽ thường ở đời không? Có phù hợp với logic thực tế không?” - luật sư hỏi.
Cũng theo luật sư này, ngày 7-7-2007, giữa Công ty AP và Công ty Global Success thỏa thuận về việc ăn chia số tiền bán ụ nổi. Thỏa thuận cũng nói về việc Công ty AP chuyển cho một bên thứ ba do Global Success chỉ định số tiền 1,666 triệu USD. Luật sư đặt câu hỏi: “Tháng 8-2007, em gái Sơn thành lập Công ty Phú Hà, trong đó vợ Sơn là sáng lập viên. Phải chăng xuất phát từ nội dung thỏa thuận ấy nên phải chuẩn bị “sân bãi” để tiếp nhận khoản tiền này?”.
Các luật sư còn chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn trong các lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn, liên quan đến việc phân chia số tiền 1,666 triệu USD. Sau cùng, cả năm luật sư bào chữa cho hai bị cáo Dũng và Phúc đều thống nhất đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
ĐỨC MINH
Ụ nổi và tàu biển Trong phần xét hỏi diễn ra vào đầu giờ sáng, các luật sư của nhóm bị cáo nguyên là cán bộ hải quan tiếp tục làm rõ việc ụ nổi có phải là tàu biển hay không. Theo bị cáo Lê Văn Dương, bị cáo này đã nhiều lần làm đơn kêu oan gửi Bộ GTVT, đồng thời kiến nghị Bộ mở cuộc hội thảo khoa học bàn việc ụ nổi có phải tàu biển hay không. Bộ đã có văn bản phúc đáp (lần thứ ba) khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển. Trước đó, ông Trần Thái Sơn (Bộ Tài chính, một trong năm giám định viên trong tổ giám định liên ngành thực hiện giám định tư pháp vụ án này) cho biết: Căn cứ vào Công ước HS (mà Việt Nam là thành viên) thì ụ nổi có tên là… ụ nổi, có mã số khác mã số của tàu biển. “Khi tranh luận, chúng tôi đặt giả thuyết nếu trùng thì các mã số phải trùng nhưng ở đây các mã số khác nhau. Khoản 2 Điều 2 Luật Hàng hải quy định nếu luật này mâu thuẫn với công ước quốc tế thì phải tuân theo công ước quốc tế”. Từ đó, ông Sơn cho rằng các cán bộ hải quan đã không làm sai khi cho thông quan ụ nổi 83M. |