Phúc thẩm vụ “Nay oan, mai có tội” ở Bình Phước

Theo lịch xét xử, ngày mai, 20-7, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ đưa vụ án Nguyễn Văn Đồng bị truy tố tội giết người ra xét xử phúc thẩm lần hai.
Ông Đồng là người từng được HĐXX TAND tỉnh Bình Phước tuyên bố không phạm tội giết người, trả tự do ngay tại tòa hồi tháng 8-2015.

Án mạng từ việc thua bài 36.000 đồng?

Ông Đồng bị cáo buộc đã giết người rồi đẩy xuống giếng vào sáng 28-1-2013. Theo cáo trạng, hôm đó ông Đồng đến nhà ông Trần A Ửng (ngụ cùng xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, Bình Phước) uống rượu, đánh bài ăn tiền. Do con khóc nên ông Ửng dừng chơi để dỗ con. Đang thua 36.000 đồng, ông Đồng bắt ông Ửng chơi tiếp. Ông Ửng không đồng ý, dẫn đến cự cãi, xô xát. Ông Đồng đã dùng gạch và khúc gỗ đánh ông Ửng. Ông Ửng bỏ ra ngoài giếng ngồi thì ông Đồng chạy tới xô xuống giếng. Lúc này, hai con của ông Ửng (đứa lớn nhất năm tuổi) khóc và đi ra cổng. Người nhà về thì phát hiện ông Ửng chết dưới giếng.
Quá trình điều tra và tại các phiên tòa, ông Đồng nói ông và bị hại không mâu thuẫn gì. Ngày đó ông có đến uống rượu, ăn cháo gà nhưng sau ông Ửng phải dỗ con nên ông về. Khi đó ông Ửng cùng hai con ngồi ở thềm nhà. Chỉ đến khi công an đến nhà mời đi làm việc thì ông mới biết chuyện ông Ửng chết. Ông khẳng định đồng hồ mình đeo có vết màu nâu (mà qua giám định là vết máu của nạn nhân).
Từng vô tội vì chứng cứ kết tội không thuyết phục
Theo HĐXX sơ thẩm lần một TAND tỉnh Bình Phước, chứng cứ đặc biệt quan trọng trong vụ án để chứng minh tội phạm là chiếc đồng hồ đeo tay của bị cáo. Công an xã thu giữ và lập biên bản tạm giữ có nội dung “quai đồng hồ có 01 dấu vết màu nâu, đồng hồ đã được niêm phong…”. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận có một dấu vết màu nâu tại quai đồng hồ như biên bản nêu. Trong khi đó, hồ sơ vụ án lại không thể hiện có biên bản về việc niêm phong vật chứng này. Việc chuyển giao cho CQĐT để trưng cầu giám định cũng không được thể hiện bằng biên bản.
Ngoài ra, CQĐT không khám xét nhà ở, thu thập cái áo trắng bị cáo mặc khi về nhà, tuy thu giữ vật chứng là cây gỗ dài và viên gạch Tàu nhưng không niêm phong và không giám định dấu vân tay ở trên những vật này, chưa làm rõ được vấn đề thời gian liên quan đến vụ án để chứng minh tội phạm, thực nghiệm điều tra nhưng không tuân thủ đúng quy định của BLTTHS.
Người làm chứng trực tiếp duy nhất trong vụ án là con trai của bị hại, khi đó mới chỉ năm tuổi sáu tháng 13 ngày. Theo quy định tại Điều 21 BLDS 2005 thì: “Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự”. Trong khi đó, lời khai của con ông Ửng có nhiều mâu thuẫn, không rõ ràng và không cụ thể, đồng thời mâu thuẫn với người làm chứng khác.

Phúc thẩm vụ “Nay oan, mai có tội” ở Bình Phước ảnh 1
"Tôi khi đó đã 63 tuổi, già hơn ông Ửng 15 tuổi thì sức đâu mà đánh. 20 năm làm cán bộ Chữ thập đỏ, tôi chỉ giúp người và chưa làm điều gì xấu" - ông Nguyễn Văn Đồng (trái).

Cu thể: Lời khai đầu tiên của cháu bé: “…Bố cháu đi ra giếng rửa chén thì bị bác Đồng cầm gạch đập lên đầu và dùng tay xô bố xuống giếng”. Biên bản ghi lời khai này không được gạch đi phần trống, trong khi đó phần trống gần hai trang. Việc lấy lời khai diễn ra ban đêm, đến 20 giờ mới kết thúc. Người đại diện cho cháu chỉ là người cùng dân tộc Hoa, không phải người trong gia đình.

Trong khi đó, tại biên bản lấy lời khai lúc khác, có chú ruột của cháu làm người đại diện thì cháu lại khai: “Cháu gặp mẹ và chị ở ngoài đường, khi đó cháu khóc. Cháu nói với mẹ và chị là "Ba chết rồi"”. Lời khai này không thể hiện nguyên nhân chết hay là ai gây nên cái chết của bị hại. Cáo trạng cũng thể hiện đúng nội dung trên là “…Thảo nói cho Moi và chị Cú biết là ba bị chết”.

Chị của cháu có lời khai đầu tiên: “…thì em Thảo và em Cường ra đường vừa khóc vừa nói là bác Đồng đẩy ba xuống giếng rồi…”. Biên bản ghi lời khai này cũng không được gạch đi phần trống, trong khi đó phần trống gần 1,5 trang. Việc lấy lời khai cũng diễn ra ban đêm, đến 19 giờ mới kết thúc. Người không có quyền đại diện cho cháu lại được mời tham gia. Lời khai này cũng không thể hiện việc bị cáo đánh bị hại.
Vợ nạn nhân khai tại công an xã cũng không thể hiện việc bị cáo đánh bị hại: “…khi tôi về đến nhà thấy đứa con khóc, nói ba rửa chén ăn cơm ông Đồng đẩy xuống giếng rồi".
HĐXX sơ thẩm lần một, TAND tỉnh Bình Phước đánh giá cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và ảnh hưởng tới tính khách quan của hoạt động tố tụng trong việc chứng minh tội phạm nên dấu vết trên chiếc đồng hồ không được coi là chứng cứ trong việc chứng minh tội phạm. Bởi lẽ để được xem là chứng cứ thì phải được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định.
Việc lấy lời khai của người làm chứng vi phạm thủ tục tố tụng và lời khai của nhân chứng trực tiếp là cháu bé năm tuổi không đủ độ tin cậy và tính đúng đắn, khách quan để chứng minh tội phạm theo quy định; còn lời khai của những người làm chứng khác trong vụ án chỉ là những người nghe nói lại chứ không chứng kiến việc bị cáo giết bị hại.
Từ đó, HĐXX nhận định rằng không có chứng cứ để kết tội ông Đồng và tuyên ông không phạm tội.
HĐXX sơ thẩm lần hai: Vẫn kết tội được
Vụ án sau đó bị VKS Bình Phước kháng nghị, TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án vì việc điều tra chưa đầy đủ…
Tháng 3-2017, xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước tuyên bố ông Đồng phạm tội và phạt tù chung thân.
Tòa sơ thẩm lần hai cho rằng cháu bé hơn năm tuổi con trai bị hại tuy không thể nhớ hết các chi tiết cụ thể nhưng lời khai của cháu cơ bản xác định được khi mẹ cháu đi mua đồ thì ở nhà, bị cáo dùng gạch và cây đánh và xô bị hại xuống giếng, sau đó cháu dắt em ra đường chờ mẹ và chị về. Khi gặp mẹ, cháu đã nói lại sự việc… Lời khai của cháu cơ bản là phù hợp lời khai các nhân chứng, biên bản thực nghiệm điều tra và kết luận giám định.
Biên bản niêm phong và thu giữ chiếc đồng hồ tuy không mô tả chi tiết nhưng cơ bản vẫn mô tả được những đặc điểm cơ bản của vật chứng niêm phong. Chiếc đồng hồ của bị cáo giám định có máu bị hại, do cơ quan giám định đã lấy mẫu để giám định, phân tích AND nên tại phiên toà kiểm tra không còn vết màu nâu như thể hiện trong biên bản thu giữ vật chứng là khách quan.
Biên bản khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi có phó công an xã ký với tư cách người chứng kiến, bảo vệ hiện trường là đảm bảo tính khách quan, đúng thủ tục tố tụng. Còn việc anh này chỉ ký mà không ghi lời xác thực trước khi ký là không trái pháp luật.
Ông Đồng tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Khi công an đến nhà mời đi làm việc thì tôi mới biết chuyện ông Ửng chết. Tôi khi đó đã 63 tuổi, già hơn ông Ửng 15 tuổi thì sức đâu mà đánh. 20 năm làm cán bộ Chữ thập đỏ, tôi chỉ giúp người và chưa làm điều gì xấu. Nếu tôi làm việc ác thì tôi sẽ bị trừng trị.
Ông NGUYỄN VĂN ĐỒNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm