Hải “bánh” sinh năm 1967 với tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Hải. Từ nhỏ nổi tiếng lêu lổng với các màn đập phá, đâm chém. Năm 1995, Hải quyết định Nam tiến do gây quá nhiều ân oán, bị nhiều băng nhóm giang hồ ở Hà Nội truy sát. Được trùm giang hồ Năm Cam thu phục, Hải thể hiện sự trung thành bằng việc qui tập nhiều đàn em du thủ du thực về giúp “anh Năm” bành trướng các sòng bài và thanh trừng những cái gai trong mắt ông trùm.
Ngày 29.5.2001, Hải bánh bị công an bắt tạm giam vì có liên quan đến cái chết của nữ quái Dung Hà xảy ra vào lúc 0h20’ngày 2.10.2000, trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM. Trước nguy cơ “lãnh án tử”, Hải thành khẩn khai báo những tội ác, âm mưu của ông trùm nên được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Ngày 25.12.2005, Hải được “nằm vùng” tại Trại giam Xuân Lộc với án tù chung thân. Hải nói: “Tính ra em có thâm niên ăn Tết trong trại được 6 năm. Còn trước đó thì đếm không xuể do liên tục bị bị công an bắt sau các phi vụ đâm chém dại dột”. Con người đang hoàn lương cũng có những nỗi ưu tư riêng. Hải tâm sự: “ Tết đến em cũng buồn nhưng ở đây rất bình yên. Hồi còn ở ngoài đời, em đâu có cái Tết nào an lành, lúc nào cũng nơm nớp âu lo bị các băng nhóm thanh toán, lo bị công an truy bắt.
Nhiều lúc em muốn giũ bỏ tất cả để đêm 30 được quây quần bên mâm cơm gia đình với những người thân yêu nhưng chân dính bùn thì khó rửa sạch lắm! Có cái Tết em đứng cách nhà vài chục bước chân nhưng không dám vào, chỉ lén nhìn mẹ nhìn con trong chốc lát rồi lẻn đi vì sợ lộ diện là bị đám ân oán giang hồ “xử”. Ăn Tết trong tù tuy có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh… dẫu vui mấy nhưng buồn vẫn buồn. Nhưng với một thằng từng đứng trước nguy cơ bị pháp luật loại trừ vĩnh viễn khỏi xã hội với án tử hình như em thì quá là may mắn, em đâu dám đòi hỏi gì hơn”.
Nói về cái Tết ấn tượng trong đời, Hải kể đó là tết Nhâm Ngọ 2002. Lúc ấy Hải được di lý từ Trại giam Chí Hòa về Trại giam ở Tiền Giang. Nhờ được cán bộ trại giam động viên, phân tích nên sau thời gian cứng đầu ém bí mật Hải đã khai toàn bộ chuyện thâm cung bí sử của trùm Năm.
Nhờ “thành tích” đó Hải thoát án tử và được Thiếu tá Nguyễn Văn Nên, lúc đó là Phó phòng CSHS Công an tỉnh Tiền Giang trao phong bì lì xì 200.000 đồng. “Tiền thì em từng nhận những khoản kếch xù đếm không nổi nhưng đó toàn là tiền bất chính chẳng có gì phải đáng nhớ.
Khoản lì xì hai trăm ngàn tuy chẳng là bao nhưng việc được lãnh đạo cơ quan điều tra tận tay trao luôn cho em cảm giác ấm cúng khó quên, bởi em không ngờ mình được trân trọng như vậy”.
Dáng người vạm vỡ, trắng trẻo với chi chít hình xăm trên người, trông Hải “Bánh” khá bảnh so với lúc mới nhập trại gầy ốm thảm hại. Một Hải “Bánh” từng nghênh ngang tuyên bố “mạng tao tao còn không tiếc”, hễ mở miệng là văng tục, là đòi chém, giết… nay chỉ còn là bóng hình của quá vãng.
Hải “Bánh” bây giờ luôn sống trong ray rứt và ân hận, biết yêu thương và biết khóc trước tội lỗi của mình. Nghe hỏi “Tết chắc có nhiều người thân, người tình, chiến hữu đến thăm mệt nghỉ?”, Hải trĩu nặng tâm can: “Lúc hoàng kim, em thiếu gì đàn em, chiến hữu, tình nhân. Khi em có tiền có thế thì tụi nó đến với em mọi lúc mọi nơi, chăm lo cho em từng li từng tí. Nhưng khi em ngã ngựa thì cả thảy biệt dạng, cũng chẳng có gì phải buồn vì đó là luật chơi của giang hồ.
Mỗi lần được thăm gặp cũng chỉ có những người thân yêu của mình mà thôi. Từ ngày em bị bắt, vợ em lấy chồng khác không thấy ghé nữa. Em không giận, không trách gì cô ấy đâu, có trách là trách mình có mà không biết giữ gìn, để rồi khi mất mới biết mình từng có”.
Hải “bánh” rưng rưng “Hồi bố còn sống thì ông thường xuyên đi thăm nuôi em. Năm 2006, bố mất nên mẹ và con gái em đóng vai chủ lực”. Nói đến đây Hải rơi lệ. Người của giang hồ ngày nào giọng trĩu nặng: “Càng ngẫm em càng thấy mình tệ.
Năm hết Tết đến người ta dù bận bịu, làm ăn xa tận đâu cũng đều về nhà thăm mẹ thăm cha, còn em thì làm chuyện ngược lại, hết bố rồi mẹ cứ liên tục ghé thăm nuôi em mỗi khi xuân về. Năm nay mẹ em chắc không vào được rồi. Mẹ em hơn 80 tuổi, ngày một yếu nên đâu thể vượt gần 2.000 cây số như những năm trước được…”. Dứt lời, Hải lại khóc.
Con gái Hải “Bánh” tên Nguyễn H.V, sinh năm 1989. Hải nói về con với anh mắt long lanh: “Ngày em mặc áo tù, con bé mới ngoài 13 tuổi, bây giờ cháu bước sang tuổi 18 rồi. Em đã gây nhiều nỗi đau cho gia đình và con bé, sống vô trách nhiệm với con nhưng nó chưa bao giờ oán trách bố, không bao giờ lấy đó làm buồn. Tình yêu thương của mẹ và con là động lực giúp em gắng sống.
Cháu đã tốt nghiệp PTTH nhưng không học tiếp nữa mà học trang điểm. Em biết con bé học khá nhưng sở dĩ cháu không học lên vì muốn gần gũi chăm sóc, phụ bà bán quán. Bao năm qua mẹ em vẫn bán trà nước ở trước hiên nhà 36 Hàng Cót, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán trà nhỏ ấy đã góp phần nuôi lớn 10 anh chị em (Hải là con thứ 6 trong gia đình) lớn lên. Nếu em nghe lời bố mẹ thì đâu có kết cục như hôm nay”.
Người của giang hồ lúc quay đầu về nẻo thiện, ăn năn: “Trên đời này, chắc không có người cha nào tồi như em. Con trẻ đứa nào cũng cần mái ấm gia đình, cần có sự dưỡng dục, bao bọc, che chở của mẹ cha. Đằng này, em không những không làm được điều đó mà còn để con phải nhọc sức, khổ tâm vì mình”.
Hải tâm sự, trong thời gian thi hành án ngộ được nhiều điều. “Cuối cùng thì mình phải trả giá cho hành vi sai trái, cuối cùng cũng chỉ mình và những người thân yêu chịu khổ mà thôi”. Hải nhờ chuyển lời đến con gái với những ngôn từ trĩu nặng tâm can: “Mong con giúp bố chăm bà và luôn nhớ lấy bài học của bố làm hành trang bước vào đời”.
Trong quá trình trò chuyện với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Văn Hải nhiều lần kéo vạt áo cố che lấp những hình xăm chằng chịt, quái đản với đủ thứ rồng rắn, dao búa, máu me… hiện diện toàn thân. Hải lý giải: “Em đã gây nhiều tội lỗi, vào tù là để nhìn lại mình, để tu dưỡng chứ không ôm mộng làm đại ca, giang hồ gì đâu. Những hình xăm này em xăm lúc vào tù, khi ra trại.
Vui em xăm, buồn em xăm, lập được chiến tích nào đó em cũng xăm. Ngày trước em tự hào với những hình xăm này bao nhiêu thì nay ngượng ngùng, mặc cảm bấy nhiêu. Nó như bóng ma bám riết lấy em trên bước đường làm lại cuộc đời”.
Hải tiếp tục: “Mỗi khi phân trại có tổ chức diễn văn nghệ, chào cờ, làm lễ tiếp nhận học viên, lễ công bố quyết định đặc xá… em làm nhiệm vụ chỉnh âm thanh. Công việc này tương đối nhàn nhưng rất hợp với em. Bởi em cũng sành mấy cái vụ máy móc, âmli… lắm! Cũng nhờ mớ vốn liếng về võ thuật mà em được lãnh đạo phân trại tin tưởng giao nhiệm vụ tập luyện cho anh em phạm múa lân, đấu cờ người...
Tết 2008, em có sang biểu diễn cờ người ở phân trại 4 và gặp chị Trúc (Phan Thị Trúc, thường gọi Trúc “mẫu hậu”, vợ Năm Cam, sinh năm 1946, bị bắt với tội danh Cho vay nặng lãi và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có). Gặp nhau chị em khuyên bảo, động viên cải tạo tốt để sớm được hòa nhập xã hội”.
Những bạn tù ở gần Hải bật mí, trái với bản chất bạo tàn, lạnh lùng đến vô cảm lúc còn tung hoành ngang học dưới trướng trùm Năm, Hải giờ đây biết sống yêu thương, quan tâm đến các bạn tù, biết khóc, biết đau trước nỗi đau của người khác và luôn sống trong ray rứt, ân hận.”Em chưa bao giờ cho phép mình suy sụp về tinh thần. Nói thật em cố giữ mạng sống là để đền tội với mẹ và con, dẫu có muộn màng. Cán bộ trại giam luôn động viên em tù chung thân không có nghĩa chấm hết. Luật pháp luôn mở lượng khoan hồng với những ai biết hoàn lương”
Trong tác phẩm "Mùa lạc", nhà văn Nguyễn Khải có đoạn: “Cuộc sống không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải làm sao để vượt qua được những ranh giới ấy”. Vượt qua được án tử và đang có những khoảnh lặng để sám hối vì những hành động tội ác đã qua, tin rằng ngày về của cựu giang hồ Hải bánh sẽ không xa.
Thượng úy Nguyễn Hồng Lam, Đội phó Đội quản giáo trại giam Z30A nhấn mạnh: “Trong thời gian thi hành án tại trại giam, phạm nhân Nguyễn Tuấn Hải có những biểu hiện tiến bộ, tuân thủ nghiêm túc mọi nội qui, qui định. Luật pháp luôn mở lượng khoan hồng, luôn dành cơ hội ngày về với bất kỳ phạm nhân nào thành tâm hối cải, một lòng quay về nẻo thiện bằng việc cải tạo tốt”.
Theo Nha Trang (VNN)