Ăn vi khuẩn E.coli

Tấp vào xe bán bánh mì tại ngã Ba Bầu (Trung Chánh, Hóc Môn), chúng tôi kêu một ổ bánh mì thịt. Do đang bán cho khách nên bà chủ bảo chúng tôi chờ. Chẳng mang găng tay, cũng không dùng dụng cụ kẹp gắp, bà chủ vô tư bốc thịt, dưa... nhét vào bánh mì.

Quen rồi!

Chúng tôi không khỏi ái ngại khi thấy móng tay bà chủ hàng vừa dài, vừa bẩn. Khi khách đưa tiền, bà cầm lấy rồi thối lại tiền dư. Màu của những tờ tiền đã xỉn lại vì đã qua nhiều bàn tay và nhiều cái túi. Bà chủ cũng dùng tay trần để làm ổ bánh mì cho chúng tôi. Nghe chúng hỏi sao không mang găng tay hoặc sử dụng đồ kẹp gắp cho hợp vệ sinh, bà chủ đáp tỉnh queo: “Ối dào, cứ bày vẽ! Mang găng tay chỉ tổ vướng. Cứ để tay trần... bốc thức ăn cho nhanh!”.

Ăn vi khuẩn E.coli ảnh 1

Dùng tay trần bốc thức ăn là hình ảnh thường thấy

Chúng tôi ghé vào quán bún riêu ở chợ Thủ Đức và cũng bắt gặp hình ảnh tương tự. Bà chủ dùng tay trần bốc bún, thịt, rau... sau đó cầm tiền, đếm tiền thối lại. Thỉnh thoảng bà ta còn đưa tay gãi đầu, gãi chân, khịt mũi nghe sột soạt... Cứ thế, hết tô bún này đến tô bún khác, với bàn tay trần, bà ta bốc hốt thoăn thoắt. Lý giải vì sao không mang găng tay, sử dụng đồ gắp, bà chủ nói tỉnh rụi: “Quen rồi! Mà từ đó tới giờ chẳng ai thắc mắc chuyện găng tay, đồ gắp. Họ vẫn ăn hà rầm, lại còn... khen ngon”.

Ăn vi khuẩn E.coli mà không biết

Theo khảo sát mới nhất của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), kết quả xét nghiệm một số mẫu tiền của các dịch vụ thức ăn đường phố cho thấy 100% tiền có mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột E.coli. Đối với tiền có mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng thì tỉ lệ nhiễm E.coli lần lượt gần 95%, hơn 86%, gần 76% và hơn 64%. Căn cứ vào khảo sát nêu trên, khi cầm tiền thì bàn tay đã nhiễm E.coli, do vậy thức ăn được cho vào miệng đương nhiên mang theo cả... E.coli.

Một khảo sát khác cũng của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khiến không ít người giật mình: Hơn 67% bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm trên địa bàn TP.HCM bị nhiễm E.coli. Do bàn tay bị nhiễm E.coli, đồng tiền cũng nhiễm E.coli nên khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm kết luận có tới 90% thức ăn đường phố tại TP.HCM bị nhiễm E.coli.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất dễ gây nên bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đây là bệnh điển hình của các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, thường lan nhanh trong vùng theo cùng bếp ăn, nguồn nước... Vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có khả năng tồn tại trong bánh mì, nem chua, mắm tôm, mắm tép từ vài ngày đến hàng tuần, trong nước máy từ bốn đến 40 ngày, trong nước giếng từ ba ngày đến một tháng...

Ông Phong cho biết thêm rằng bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm lây qua đường ăn uống do các thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm trực tiếp hay gián tiếp với phân, chất nôn của người nhiễm vi khuẩn. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, ở những nơi có trình độ kinh tế, vệ sinh thấp kém; không đủ nước sạch để sử dụng; xử lý phân, nước, rác chưa tốt; ý thức giữ gìn vệ sinh kém.

Tại TP.HCM, để tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh tiêu chảy cấp, Sở Y tế yêu cầu những người kinh doanh thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ và tham gia tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức và thói quen trong kinh doanh. Ông Giang đề nghị các cơ quan chức năng trước mắt chưa phạt những cơ sở thức ăn đường phố không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nếu phát hiện người kinh doanh không mang găng tay, không dùng dụng cụ gắp thức ăn, không sử dụng nước sạch để rửa chén đĩa thì phải phạt để răn đe.

TRẦN NGỌC

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm