Berezovsky - Đại gia làm chính trị

Cuộc đời của tỉ phú Boris Abramovich Berezovsky 67 tuổi không khác gì một cuốn tiểu thuyết. Bởi thế đạo diễn Nga Pavel Lungin đã lấy ý tưởng từ cuộc đời Berezovsky để thực hiện bộ phim Một người Nga mới phát hành năm 2001.

Từ nhà khoa học, Berezovsky nhảy sang bán xe rồi đầu tư tiền bạc vào nhiều doanh nghiệp nhà nước tư nhân hóa, từ dầu mỏ, thép cho đến hàng không và báo chí. Trong giai đoạn Liên Xô tan rã, Berezovsky đã dần dần trở thành chất xám của Tổng thống Boris Yeltsin.

Bỏ toán đi bán xe

Boris Berezovsky chào đời tại Moscow ngày 23-1-1946 trong một gia đình Do Thái. Theo báo The Moscow Times (Nga), ông theo học lâm nghiệp ở ĐH Moscow, sau đó nghiên cứu toán học và năm 37 tuổi đã có bằng tiến sĩ toán. Đến năm 45 tuổi, ông vào Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Là người từng nghiên cứu khoa học suốt 20 năm, năm 1989 Berezovsky bước vào giới kinh doanh trong bối cảnh Liên Xô đang tiến hành chính sách cải tổ. Ban đầu ông làm chuyên viên quản trị cho công ty sản xuất ô tô của nhà nước AvtoVAZ, mua đi bán lại xe ô tô, chủ yếu là xe Lada.

Năm 1992, ông thành lập Công ty LogoVAZ, nhà phân phối độc quyền xe của Công ty AvtoVAZ. Công ty LogoVAZ bán xe tại chỗ nhưng làm hồ sơ xuất khẩu khống và hốt bạc trong lúc lạm phát gia tăng phi mã 2.000%/năm. Sau đó, ông hợp tác với Công ty AvtoVAZ thành lập Công ty Cổ phần Ô tô AVVA. Ít lâu sau, ông bán cổ phần cho một công ty Thụy Sĩ và lập ra nhiều công ty riêng, trong đó có chi nhánh đặt ở quần đảo Cayman nổi tiếng là thiên đàng thuế khóa.

Berezovsky - Đại gia làm chính trị ảnh 1

Boris Berezovsky cùng người vợ thứ ba Elena Gorbunova và hai con tại Anh năm 2003. Ảnh: THE TIMES

Đầu những năm 1990, trong giai đoạn giao thời Liên Xô tan rã, Berezovsky cũng như nhiều doanh nhân khác ở Nga đã trở thành mục tiêu ngon cơm của các băng nhóm mafia Nga. Ông đã nhiều lần bị thanh toán hụt. Ngày 7-6-1994, xe của ông bị đặt chất nổ phát nổ. Tài xế bay đầu. Cận vệ bị thương nặng. Ông thoát chết. Kết quả điều tra cho thấy vụ ám sát có liên quan đến Công ty AvtoVAZ. Có người trong công ty không muốn Berezovsky tung hoành trong thị trường ô tô Nga.

Giai đoạn Nga tiến hành chính sách tư nhân hóa cũng là lúc Berezovsky bắt đầu lấn sân sang truyền thông. Tháng 12-1994, ông mua kênh truyền hình số 1 (Channel One) và biến Channel One trở thành kênh ủng hộ mạnh mẽ chính sách cải tổ ở Nga. Sau đó, ông đầu tư vào Tập đoàn dầu khí Sibneft và Công ty hàng không Nga Aeroflot. 80% thu nhập của Aeroflot ở nước ngoài do Công ty Andava ở Thụy Sĩ quản lý và Berezovsky chiếm 50% cổ phần của công ty này.

Bầu bạn với Boris Yeltsin

Theo báo New York Times (Mỹ), Boris Berezovsky bắt đầu hoạt động chính trị từ năm 1993 với công việc tổ chức xuất bản hồi ký của Tổng thống Boris Yeltsin. Đầu năm 1996, ông vận động gây quỹ bầu cử tổng thống lần thứ hai cho Yeltsin.

Nhóm truyền thông do Berezovsky kiểm soát gồm một số đài truyền hình liên bang, đài phát thanh và nhật báo có uy tín đã giữ vai trò quyết định trong chiến thắng của Tổng thống Yeltsin trong khi các nhà quan sát đều ghi nhận ứng cử viên Gennady Zyuganov (đảng Cộng sản) mới có cơ hội thắng cử.

Ảnh hưởng của Berezovsky dưới trào Tổng thống Boris Yeltsin mạnh đến nỗi báo chí đã đặt biệt danh cho ông là “bố già ở điện Kremlin”. Sau khi Tổng thống Yeltsin đắc cử lần hai, tháng 10-1996, Berezovsky được bổ nhiệm giữ chức phó giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách thực hiện Hiệp định hòa bình Khasavyurt giữa Nga với Chechnya.

Đầu năm 1997, một nhóm nhà giàu trẻ tuổi được chính phủ ủng hộ được thành lập. Sau đó, nhóm này tách ra làm hai nhóm đối đầu nhau. Berezovsky phụ trách một nhóm. Rốt cuộc hai nhóm đều bị thất sủng. Berezovsky mất chức ở Hội đồng An ninh Quốc gia vào tháng 11, dù vậy vẫn tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong cánh của Tổng thống Yeltsin.

Báo The Independent (Anh) cho biết không có đề cử nào quan trọng của chính phủ Nga được thông qua mà không có cánh này đồng ý. Quan tâm chính của phe cánh này là triệt tiêu ý chí phản kháng tổng thống của phe cánh ủng hộ Thủ tướng Yevgeny Primakov (ủng hộ đảng Cộng sản). Tháng 4-1999, Thủ tướng Primakov không những không triệt hạ được Berezovsky mà còn bị tổng thống thay thế.

Từ Nga trốn sang Anh

Khi Tổng thống Vladimir Putin được bầu vào ngày 26-3-2000, tỉ phú Boris Berezovsky mở sâm banh uống mừng tại biệt thự sang trọng của ông mà không biết rằng vài tháng sau ông đã phải rời bỏ đất nước sống lưu vong.

Berezovsky quan hệ với Putin từ đầu những năm 1990 lúc Putin giữ chức phó thị trưởng St. Petersburg. Putin đã giải quyết cho Công ty LogoVAZ của Berezovsky mở đại lý phân phối xe ô tô. Theo báo Los Angeles Times (Mỹ), hai người từng có quan hệ bạn bè và thỉnh thoảng còn đi Thụy Sĩ trượt tuyết với nhau. Quan hệ này trở nên thân thiết hơn vào năm 1999 khi Putin làm giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB).

Báo Los Angeles Times cho rằng Berezovsky có đóng góp công lao đưa Putin đến điện Kremlin rồi trở thành tổng thống. Giữa năm 1999, một tháng sau khi Berezovsky thuyết phục Putin giữ chức thủ tướng, Tổng thống Boris Yeltsin đã bổ nhiệm Putin.

Cũng trong năm 1999, Berezovsky đã giúp đỡ thành lập đảng Thống nhất vốn ủng hộ Putin trong bầu cử tổng thống. Tiền tài trợ vận động bầu cử từ Công ty hàng không Aeroflot. Kênh truyền hình Channel One trở thành cỗ máy vận động cho Putin. Đầu năm 2000, Putin đắc cử tổng thống. Trong khi đó, Berezovsky được một ghế trong Quốc hội.

Thời kỳ trăng mật trong quan hệ Boris Berezovsky-Vladimir Putin không kéo dài. Nhận ra Tổng thống Putin không phải là con người dễ bị lèo lái để trục lợi, cuối tháng 5-2000, Berezovsky kịch liệt chỉ trích đề xuất sửa đổi hiến pháp của tổng thống (cho phép tổng thống sa thải các thống đốc). Hai tháng sau, Berezovsky từ chức đại biểu Quốc hội với lý do không muốn hủy hoại đất nước và khôi phục chế độ độc tài.

Tháng 8-2000, kênh truyền hình Channel One chỉ trích Tổng thống Putin trong cách thức xử lý vụ chìm tàu Kursk. Tháng 9-2000, Berezovsky cáo buộc chính phủ âm mưu tước đoạt tài sản của ông ở kênh Channel One.

Tháng 10-2000, trả lời báo Le Figaro (Pháp) tháng 10, Tổng thống Putin tuyên bố có thể hủy bỏ các phương tiện truyền thông do các đầu sỏ chính trị kiểm soát chỉ để chỉ trích chính phủ. Song song theo đó, cuộc điều tra Công ty hàng không Aeroflot bị hoãn dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin đã được mở lại.

Tháng 11-2000, trong chuyến đi Anh, Berezovsky nhận được thông tin phải ra điều trần trước chính phủ về vụ Công ty hàng không Aeroflot. Ông quyết định ở lại Anh và xin tị nạn chính trị.

Nga cho phép chôn Berezovsky ở Nga

Ngày 25-3, cảnh sát vùng Thames Valley (Anh) vẫn không xác nhận hay bác bỏ khả năng ông Boris Berezovsky bị sát hại và tiếp tục gọi đó vụ đột tử không giải thích được.

Theo báo Telegraph (Anh), ông Kevin Brown, Chánh thanh tra cảnh sát vùng Thames Valley, cho biết trước mắt cảnh sát có thể khẳng định nạn nhân không phải chết do hóa chất hay phóng xạ. Hiện thi thể đang được giải phẫu pháp y. Cơ quan điều tra tiếp tục thu thập chứng cứ tại nhà riêng của nạn nhân và thẩm vấn những người có liên quan với nạn nhân. Nạn nhân không để lại thư tuyệt mạng.

Báo Guardian (Anh) dẫn lời người vợ thứ hai Galina Berezovsky của Boris Berezovsky (đã ly hôn) không tin ông tự sát. Ông Nikolai Glushkov, từng là phó giám đốc Công ty hàng không Nga Aeroflot, sống lưu vong ở Anh, bạn của Berezovsky, khẳng định Berezovsky bị sát hại. Ông ghi nhận một đại gia tỉ phú và người môi giới chính trị lẫy lừng như Boris Berezovsky thì không thể tự sát. Ông cho biết gần đây có nhiều công dân Nga lưu vong chết trong hoàn cảnh đáng ngờ.

Hãng tin Ria Novosti (Nga) cho biết ngày 24-3 (giờ địa phương), người phát ngôn tổng thống Nga tuyên bố chính phủ Nga sẵn sàng xem xét đề nghị được chôn cất ông Boris Berezovsky ở Nga. Người phát ngôn nói Boris Berezovsky là người rất có ảnh hưởng ở Nga trong những năm 1990 và rõ ràng chống đối Tổng thống Putin không chỉ về chính trị mà còn nhiều khía cạnh khác. Ông cho biết hai tháng trước Boris Berezovsky có gửi thư cho Tổng thống Putin xin được hồi hương.

ĐĂNG KHOA - H.DUY

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm