Vụ “Chậm trả tiền củi bị kết tội đến cùng”

Chưa làm rõ chứng cứ buộc tội

Chiều 5-5, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xem xét kháng cao kêu oan của bị cáo Đỗ Minh Tâm, ngụ xã An Cơ, huyện Châu Thành, Tây Ninh (vụ việc của Tâm đã được Pháp Luật TP.HCM ngày 19-2-2014 phản ánh trong bài “Chậm trả tiền củi, bị kết tội đến cùng”). Tòa cấp phúc thẩm đã quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì những chứng cứ buộc tội lẫn gỡ tội chưa được cấp sơ thẩm chứng minh, làm rõ.

Trước đó, ngày 7-2, TAND huyện Củ Chi đã tuyên phạt Tâm chín tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại phiên phúc thẩm, Tâm trình bày: “Khi cho tôi nghỉ việc, ông Hạnh còn nhắc tôi tiền bán củi vẫn chưa lấy về. Tôi lấy tiền củi xong, mang đến nhà ông Hạnh để đưa thì ông Hạnh đi giao mủ chưa về. Tại giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, tôi có khai ý này nhưng không hiểu sao trong hồ sơ không thể hiện”.

Cũng theo lời khai của Tâm, Tâm mang tiền về nhà, sau đó thì mẹ bệnh cộng với tình cảnh thất nghiệp nên Tâm đã chi xài một phần. Tâm có đến nhà ông Hạnh thêm hai lần nữa nhưng không gặp được ông Hạnh. Biết chuyện, ông Hạnh tố cáo. Công an xã Định An, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương (nơi Tâm cư trú) mời Tâm đến làm việc. Tâm hứa sẽ trả trong vòng 10 ngày, đồng thời để xe máy lại để đảm bảo việc trả nợ. Ông Hạnh đồng ý. Tâm hoàn toàn không biết mình bị truy nã. Thời gian này Tâm vẫn ở nhà tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), đi làm thuê kiếm tiền trả nợ.

 
“Trước khi cho tôi nghỉ, ông Hạnh còn lưu ý tôi là tiền hàng khách còn nợ chưa lấy về” - bị cáo Đỗ Minh Tâm khai. Ảnh: PL

VKSND TP.HCM bảo lưu quan điểm truy tố, cho rằng Tâm lừa ông Cao để chiếm đoạt tiền của ông Hạnh. Như vậy, ông Cao là người bị hại.

Theo HĐXX phúc thẩm thì cấp sơ thẩm không làm rõ khi cho Tâm nghỉ việc, ông Hạnh có nhắc Tâm thu tiền nợ hay không. Trong hồ sơ không có biên bản đối chất về vấn đề này. Tuy nhiên, Tâm đã nêu trong đơn kháng cáo có chuyện ông Hạnh lưu ý Tâm, khách hàng còn nợ tiền củi. Đây là tình tiết quan trọng để làm rõ mối quan hệ giữa Tâm và ông Hạnh là quan hệ dân sự hay có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt.

Cấp sơ thẩm xác định ông Cao là người bị hại là không đúng. Ông Cao chỉ là người quản lý theo sự phân công của bà chủ công ty mua củi. Việc ông Cao đứng đơn tố cáo phải có văn bản ủy quyền của chủ sở hữu. Từ ngày Tâm nhận tiền từ công ty, phía công ty không thiệt hại gì và cũng không có đơn từ kiện cáo về số tiền này. Như vậy, ông Cao bị chiếm đoạt gì mà thành người bị hại trong vụ án này? Cơ quan điều tra thu thập đơn tố cáo của ông Cao nhưng lại không làm rõ thiệt hại của ông Cao. Tình tiết này rất quan trọng nhưng cấp sơ thẩm lại bỏ qua đề nghị của luật sư về việc triệu tập ông Cao đến tòa để làm rõ. Cấp sơ thẩm chấp nhận cho ông Cao vắng mặt là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng.

Tại cơ quan công an, Tâm thừa nhận trước đó đã đến công ty nhận tiền và cam kết sẽ trả cho ông Hạnh. Giữa Tâm và ông Hạnh không có thỏa thuận gì về việc giao nhận số tiền này. Như vậy ở giai đoạn này, Tâm có hành vi tự ý chiếm giữ hơn 13 triệu đồng tiền hàng. Song mức độ sai phạm có cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hay không?

PHƯƠNG LOAN

 

Nhận tiền củi rồi chậm giao lại

Tâm là tài xế xe tải, tìm mối bán củi cao su, trực tiếp thỏa thuận bán hàng và lái xe giao hàng rồi thu tiền về cho ông Phạm Văn Hạnh. Có một công ty mua củi và nợ hơn 13 triệu đồng, hẹn ngày 1-4-2006 sẽ trả. Sau đó, ông Hạnh cho Tâm nghỉ việc. Đến ngày hẹn, Tâm vẫn đến nhận tiền củi từ ông Cao (người trong công ty mua củi). Thay vì đưa số tiền này cho ông Hạnh, Tâm lại đem tiền đi trả nợ riêng.

Năm 2008, Tâm và gia đình chuyển về huyện Châu Thành, Tây Ninh. Tháng 4-2010, anh trả ông Hạnh 5 triệu đồng và xin khất số còn lại. Ông Hạnh đồng ý. Bất ngờ, ngày 14-1-2011, Tâm bị Công an huyện Củ Chi khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Kế tiếp, Tâm bị bắt giam theo lệnh truy nã, gần ba tháng sau thì được tại ngoại. Ngày 7-4-2011, Tâm trả hết nợ. Ông Hạnh bãi nại cho Tâm.

Bà chủ công ty mua củi thừa nhận chỉ biết Tâm và giao dịch mua bán với Tâm chứ không biết ông Hạnh là ai, không bị thiệt hại gì nên không có yêu cầu gì. Tương tự, ông Cao khai ngày đến lấy số tiền còn lại, Tâm có ký nhận như mọi khi, ông đã nhận củi và đã trả tiền củi nên không bị thiệt hại gì, không phải là người bị hại.

Tháng 6-2011, xử lần đầu, TAND huyện Củ Chi đã trả hồ sơ do chưa đủ cơ sở kết tội. Cơ quan tố tụng đã đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can với lý do: Hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng do chuyển biến của tình hình không còn nguy hiểm.

Tâm khiếu nại đòi bồi thường oan thì bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xử sơ thẩm ngày 7-2, TAND huyện Củ Chi đã xác định ông Cao là người bị hại, ông Hạnh là người liên quan.

VKS huyện tác động vào đơn tố cáo?

Có một tình tiết mà chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đã yêu cầu Tâm trình bày rõ ràng, trung thực để xem xét có hay không có sự tác động của VKSND huyện Củ Chi vào đơn tố cáo của ông Cao.

Tâm khai: “Khi gặp nhau tại TAND huyện Củ Chi, ông Cao kể với tôi rằng cán bộ VKSND huyện Củ Chi nhiều lần đến nhà mời ông ra quán nước để viết đơn tố cáo theo ý của VKS. Ông Cao nói ông chẳng biết gì cả. Chuyện này đâu có liên quan gì đến ông mà người ta cứ mời ông lên hoài”.

Luật sư của Tâm bổ sung thêm chi tiết trong đơn tố cáo của ông Cao, nét chữ, nét mực ghi ngày, tháng và nét chữ, nét mực ghi nội dung tố cáo là khác nhau. Ngay cả khi phôtô cũng thấy rõ điều này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm