Hạn chế án oan: Luật sư tham gia ngay từ đầu

BLTTHS đã có các quy định khá chặt chẽ để phòng ngừa việc làm oan người vô tội. Vậy tại sao vẫn còn xảy ra những vụ án mà hồ sơ buộc tội được hình thành từ ép cung, mớm cung, thậm chí dùng nhục hình? Tại sao vẫn còn xảy ra những vụ làm oan cho người vô tội thể hiện rõ dấu ấn “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót”? Làm cách nào để hạn chế được thực tế đáng buồn này?

Có luật sư, giảm sai sót

Điều 48, Điều 49, Điều 50, Điều 55 BLTTHS 2003 (có hiệu lực từ 1-7-2004) quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc mời người khác bào chữa. Điều 56 BLTTHS 2003 quy định trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra, VKS, tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa...

Điều 57 BLTTHS 2003 cũng quy định bị can, bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình; người chưa thành niên; người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì bắt buộc phải có luật sư từ giai đoạn điều tra nếu bản thân bị can và người nhà không nhờ luật sư.

Hạn chế án oan: Luật sư tham gia ngay từ đầu ảnh 1

Có luật sư từ giai đoạn điều tra, việc buộc tội sẽ tránh được sai sót đáng tiếc. Ảnh minh họa: HL

Luật là thế nhưng đến hôm nay, giới luật sư (những người bào chữa chủ yếu trong án hình sự) vẫn đang phải kêu ca về việc bị làm khó khi xin tham gia tố tụng, đặc biệt là ở giai đoạn điều tra. Chưa kể một thực tế đáng buồn là tỉ lệ vụ án hình sự có luật sư tham gia ở nước ta hiện nay còn rất thấp (khoảng 20%) do số lượng luật sư còn ít và không phải nghi can nào cũng có ý thức, có hiểu biết pháp luật và điều kiện để mời luật sư bảo vệ.

Theo kiểm sát viên Trần Quyết Chiến (VKSND TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), các quy định về quyền bào chữa rất cần thiết, nếu các cơ quan tố tụng tuân thủ nghiêm túc thì có thể loại bỏ được hiện tượng bức cung, mớm cung, dùng nhục hình, vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố. Bởi lẽ sự tham gia của luật sư với vai trò phản biện ngay từ giai đoạn tạm giữ, tạm giam sẽ khiến cơ quan điều tra phải hành xử đúng luật, thận trọng hơn trong việc buộc tội, tránh được những sai sót đáng tiếc.

Ông Chiến cũng cho rằng không chỉ với vụ án bắt buộc phải có luật sư mà ngay cả với những vụ án thông thường, sự có mặt của luật sư ngay từ đầu cũng rất quan trọng và mang lại giá trị to lớn. Phải đảm bảo sao cho vụ án nào cũng có luật sư tham gia ngay từ đầu thì chất lượng điều tra, truy tố, xét xử mới tăng được.

Một điều đáng nói khác là trong thực tiễn xét xử, rất nhiều bị cáo ra tòa đã phản cung, khai bị ép cung, mớm cung, nhục hình. Hầu hết các tòa đều bắt bị cáo phải chứng minh. Dĩ nhiên là bị cáo bó tay, thế là các tòa kết luận lời khai của bị cáo không có cơ sở. Trên thực tế, những vụ xử lý cán bộ tố tụng về tội dùng nhục hình rất ít xảy ra và chỉ có khi gây ra hậu quả chết người. Trong khi đó, những lời khai về việc bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình cũng thường chỉ được chú ý, lắng nghe sau khi vụ việc đã có kết luận là bị oan. “Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc các quy định tố tụng về quyền bào chữa của nghi can ngay từ đầu thì chuyện này sẽ không xảy ra” - một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhìn nhận.

Quyền bào chữa phải thực chất

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội) nhận xét: Ở các nước, người bị tạm giữ, tạm giam còn có quyền im lặng trước khi gặp luật sư nhằm bảo đảm việc tư vấn của luật sư cho họ. Ở Việt Nam, điều cần làm bây giờ là phải đảm bảo được quyền tham gia tố tụng, quyền bào chữa cho luật sư ngay từ giai đoạn tạm giữ, tạm giam một cách thực chất.

Ông Nghĩa nói “thực chất” bởi hiện nay luật sư tham gia vụ án ở giai đoạn điều tra đang gặp khó khăn vì nhiều cơ quan điều tra, điều tra viên tìm đủ cách để kéo dài hoặc từ chối, không cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Cấp giấy rồi thì tìm cách hạn chế luật sư tham gia hỏi cung, đối chất, thực nghiệm hiện trường... Không ít trường hợp, gần kết thúc điều tra rồi cơ quan điều tra mới gọi luật sư lên cho chứng kiến một, hai buổi hỏi cung, ký vào vài bút lục theo kiểu hình thức.

Theo luật sư Nghĩa, BLTTHS còn hạn chế là không cho phép luật sư tự đặt câu hỏi cho người bị hỏi cung. Luật sư chỉ được ngồi chứng kiến việc hỏi cung, khi nào được điều tra viên cho phép mới được hỏi. Trong khi quá trình hỏi cung là cuộc đấu tranh và tìm tòi chứng cứ giữa luật sư và điều tra viên. Rất nhiều phát hiện mới từ lời khai của nghi can giúp luật sư phát hiện ra chuyện này, chuyện khác thì ngay lập tức luật phải cho luật sư hỏi lại để làm rõ. Nhiều khi luật sư muốn hỏi nhưng điều tra viên gạt ngang, nói nội dung không mới. Mặt khác, luật sư cũng không được gặp nghi can để tư vấn riêng. Những thiếu sót này cần được bổ sung bằng việc sửa đổi BLTTHS và các văn bản liên quan.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cũng nhấn mạnh: Cơ quan điều tra phải tôn trọng quy định, tôn trọng luật sư, tạo điều kiện để luật sư hành nghề. “Thực tế không ít điều tra viên có tâm lý chung là khi đã khởi tố, bắt giam nghi can thì phải chăm chăm tìm chứng cứ kết tội cho bằng được. Lỡ “xui” phải nhận hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại thì “sáng tạo” ra các bút lục mới dù hiện trường vụ án, lời khai nhân chứng sau nhiều năm đã xáo trộn hoặc không còn. Tuy nhiên, với họ cứ miễn sao đủ hồ sơ chứng minh nghi can có tội là… hoàn thành nhiệm vụ. Cạnh đó là áp lực thời gian, nhân sự của cơ quan điều tra khiến điều tra viên phải bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ điều tra sớm nhất. Đây chính là mầm mống của những bản án oan, khởi đầu của những bi kịch đối với nghi can và gia đình họ” - luật sư Tâm nói.

Có luật sư, mọi chuyện sẽ khác

Ngày 7-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Đức Bền (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, bào chữa cho ông Chấn ở hai phiên tòa sơ, phúc thẩm 10 năm trước) kể: Ông tham gia vụ án với tư cách là luật sư bào chữa chỉ định do Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cử. Rất tiếc vào lúc đó BLTTHS 2003 chưa có hiệu lực nên trường hợp như ông Chấn (bị truy tố theo khung hình phạt có mức án cao nhất đến tử hình) chưa bắt buộc phải có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra.

Thời điểm này, pháp luật tố tụng hình sự chỉ bắt buộc phải có luật sư tại tòa nên trách nhiệm mời luật sư chỉ định thuộc TAND cấp sơ thẩm. Vì vậy mà luật sư Bền đã không thể nắm được nhiều uẩn khúc của vụ án trong các giai đoạn điều tra, truy tố. Chỉ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, qua tiếp cận hồ sơ và qua vài lần gặp gỡ ít ỏi với ông Chấn, ông mới biết đằng sau hồ sơ buộc tội còn có một sự thật khác, xuất phát từ việc ép cung, nhục hình. Điều đó đã thôi thúc ông soạn một bài bào chữa dài, chi tiết với năm luận cứ chính đề nghị tuyên bố ông Chấn không phạm tội giết người vì chứng cứ buộc tội lỏng lẻo. Đáng tiếc là hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều bỏ qua các lập luận của ông.

Một số vụ án oan

Vụ án vườn điều ở Bình Thuận: Năm 1993, một phụ nữ bị giết trong vườn điều ở huyện Hàm Tân nhưng không tìm ra thủ phạm. Dựa vào lời khai của một nghi can trong vụ án khác, công an đã phục hồi điều tra vụ giết người trên, kết luận chín người cùng một nhà là thủ phạm. Tháng 8-2004, TAND tỉnh Bình Thuận đã phạt tù họ. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm. Tháng 12-2005, VKSND Tối cao và Bộ Công an đã đình chỉ điều tra vụ án. Cuối cùng, VKS tỉnh Bình Thuận phải bồi thường cho bảy người bị oan hơn 1,2 tỉ đồng, hai người còn lại không thương lượng được nên kiện ra tòa...

Vụ bà Phạm Thị Út ở TP.HCM: Năm 1993, tại quận Gò Vấp xảy ra một vụ hỏa hoạn làm hai người chết. Bà Út bị nghi ngờ là hung thủ nên năm 1999 đã bị kết án 20 năm tù về hai tội giết người, hủy hoại tài sản. Năm 2000, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm. Tuy nhiên, tháng 9-2002, Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao lật lại hồ sơ và xác định chưa có cơ sở vững chắc để kết tội bà Út nên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Xử sơ thẩm lần hai, một lần nữa TAND TP.HCM phạt bà Út 20 năm tù. Nhưng tháng 6-2005, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã minh oan cho bà Út sau thời gian bị giam kỷ lục là 12 năm.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm