Kết luận giám định sai, tòa vẫn xử

TAND tỉnh Phú Yên vừa tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Tây Hòa trong vụ Nguyễn Thị Hiền và Đàm Thị Mộng Hòa cố ý gây thương tích để điều tra lại vì cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ, có nhiều thiếu sót và vi phạm tố tụng...

Đánh hàng xóm, hai mẹ con hầu tòa

Theo hồ sơ, tối 10-8-2012, bà Hồ Thị Kim Đông đi bộ tập thể dục qua nhà ông Nguyễn Kim Sang thì bị Hòa cầm chổi quét nhà dọa đánh. Sau đó, bà Đông đến nhà phó thôn Lễ Lộc Bình (xã Sơn Thành Đông) trình báo sự việc thì con gái Hòa là Nguyễn Thị Hiền đi ngang qua nhìn thấy. Hiền liền về chở cha mẹ đến nhà phó thôn. Tại đây, chồng Hòa vào cãi nhau với bà Đông. Sau đó, Hòa và Hiền xông vào dùng tay, chân đánh bà Đông gây thương tật 12%.

Hai mẹ con Hòa bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích. Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2013, TAND huyện Tây Hòa đã phạt Hòa sáu tháng tù treo, Hiền chín tháng tù treo về tội này, đồng thời buộc hai bị cáo bồi thường cho bà Đông hơn 10 triệu đồng.

Sau đó, hai bị cáo kháng cáo đề nghị giám định lại thương tật của bà Đông để xem xét lại phần hình phạt và bồi thường. Bà Đông cũng kháng cáo đề nghị được giám định lại và xem xét vai trò đồng phạm của chồng Hòa; tăng hình phạt, không cho Hòa và Hiền hưởng án treo và tăng mức bồi thường.

 

Có bỏ lọt người chồng?

Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây của TAND tỉnh Phú Yên, các bị cáo và người bị hại vẫn giữ nguyên kháng cáo. Sau khi xem xét, TAND tỉnh Phú Yên nhận thấy có nhiều vấn đề chưa được cấp sơ thẩm điều tra  làm rõ: Khi bà Đông bị Hòa dọa đánh, lúc đó chồng Hòa không chỉ biết rõ mà còn cãi nhau với bà Đông. Lúc bà Đông đi báo cáo với phó thôn, Hiền phát hiện, gây sự với bà Đông rồi điện thoại về nhà cho cha. Nội dung cuộc điện thoại này chưa được làm rõ. Sau đó, Hiền về nhà nói gì với cha mẹ trước khi chở họ đến nhà phó thôn cũng không được làm rõ.

Trong khi đó, có hai người làm chứng khẳng định khi bà Đông bị Hòa và Hiền đánh thì chồng Hòa không những không can ngăn mà còn xúi giục: “Đánh cho chết mẹ nó đi!”. Do đó, theo tòa, cần chứng minh có hay không vai trò đồng phạm của chồng Hòa trong vụ án.

Mặt khác, sau khi bị đánh, bà Đông nhập viện tại BV Đa khoa huyện Tây Hòa. Ngoài các vết thương ở mặt, tai trái, thái dương…, BV huyện Tây Hòa còn ghi nhận bà Đông bị sưng đau mặt trong gối phải. Tuy nhiên, khi bà Đông tiếp tục điều trị ở tuyến y tế cao hơn, BV Đa khoa tỉnh Phú Yên lại mô tả vết thương ở gối bà Đông lúc thì ghi gối phải, lúc thì ghi gối trái. Đến khi giám định, giám định viên lại khám gối trái là bên không được BV Tây Hòa ghi nhận ngay từ lúc ban đầu, dẫn đến việc xác định gối trái của bà Đông không còn thương tích là không phù hợp.

Hơn nữa, bà Đông bị điếc độ hai, theo Thông tư liên bộ số 12 ngày 26-7-1995 của Bộ Y tế - Bộ LĐ-TB&XH thì tỉ lệ thương tích không dưới 21% nhưng bản giám định pháp y lại kết luận chỉ có 6%. Tại phiên tòa phúc thẩm, giám định viên đã không thể giải thích được những mâu thuẫn và thiếu sót nói trên.

Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn vi phạm về tố tụng như trong quyết định đưa vụ án ra xét xử giao cho người bị hại không ghi tên kiểm sát viên… Từ đó, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại vì không thể khắc phục được các sai sót nói trên.

Kết luận giám định phải chính xác

Nhận xét về vụ án, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) đồng tình với hướng xử lý của tòa phúc thẩm. Theo ông, chưa nói đến chuyện vụ án còn những điểm chưa rõ như vai trò liên quan của chồng bị cáo Hòa, chỉ riêng việc kết luận giám định có mâu thuẫn, sai sót và giám định viên không thể giải thích được tại phiên xử thì cũng đủ để cho tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. TS Tuấn khẳng định: “Trong án xâm phạm sức khỏe, kết luận giám định rất quan trọng, là cơ sở cho việc định tội, định khung hình phạt nên yêu cầu phải chính xác”.

Đồng tình, kiểm sát viên Nguyễn Khánh Toàn (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) phân tích thêm: Dù kết quả giám định không phải là tài liệu duy nhất để tòa đánh giá vụ án nhưng trong án cố ý gây thương tích, việc giám định tỉ lệ thương tật rất quan trọng, thể hiện nghi can có tội hay không, phạm tội ở khoản nào, từ đó dẫn đến hình phạt cụ thể. Còn đối với người bị hại, kết quả giám định thương tật cũng ảnh hưởng tới họ về mức bồi thường thiệt hại. Ông Toàn cũng lưu ý là nếu một trong hai bên (bị cáo và người bị hại) không đồng ý với kết luận giám định thì có thể khiếu nại và yêu cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung. Một điều bắt buộc là kết luận giám định phải phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác trong vụ án nên nếu thấy mâu thuẫn thì cơ quan tố tụng cần phải làm rõ.

 Không thể qua loa

Trong văn bản yêu cầu giám định thương tích, cơ quan tố tụng yêu cầu giám định sẽ ghi rõ diễn biến sự việc, nội dung yêu cầu giám định cùng hồ sơ liên quan đến thương tích. Ngoài ra, khi giám định, giám định viên vẫn phải hỏi, ghi lời khai của người bị hại để xem tình hình sức khỏe, cũng như đau ở đâu, bộ phận nào. Nếu người bị hại khai rằng đau gối phải nhưng giám định viên lại đè gối trái ra giám định thì quá tắc trách. Nếu thấy lời khai của người bị hại, hồ sơ bệnh án, y chứng trước đó mâu thuẫn với yêu cầu giám thì giám định viên có thể làm việc lại với cơ quan đã yêu cầu giám định để tránh việc giám định không rõ ràng, khách quan. Bởi lẽ chính giám định viên là người phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình.

Luật sư VŨ QUANG ĐỨC,  Đoàn Luật sư TP.HCM

 SÔNG BA - PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm