Kháng nghị bản án sơ thẩm: Vẫn còn nhiều “sạn”

Ngoài những điểm đạt được, nhiều hạn chế cũng đã được thẳng thắn nêu lên để rút kinh nghiệm chung...

Chất lượng kháng nghị án sơ thẩm còn thấp là một vấn đề mà ngành kiểm sát đang phải lưu tâm. Không ít kháng nghị của VKS đã bị tòa bác vì thiếu thuyết phục, thiếu căn cứ, thậm chí... lạc hướng. Vì vậy mà tỉ lệ kháng nghị ra tòa phải rút lại hoặc bị bác còn cao, bằng 36,5% tổng số kháng nghị đã ban hành...

Bỏ lọt vi phạm

Trước hết, không ít vụ án hình sự, VKS cấp sơ thẩm đã không kịp thời phát hiện hoặc bỏ qua vi phạm của tòa cùng cấp. Ở một số vụ, cả VKS lẫn tòa cấp sơ thẩm đều có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, do bản án sơ thẩm được gửi quá chậm nên VKS cấp trên không kịp kháng nghị, đành phải kiến nghị theo trình tự giám đốc thẩm.

Chẳng hạn như vụ bị cáo Trần Đức Tú phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Tú có hai tiền án chưa được xóa án tích, nay lại phạm tội mới, thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm nhưng tòa sơ thẩm lại bỏ qua, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, chỉ phạt Tú 36 tháng tù. Sau đó, VKS cấp sơ thẩm cũng không phát hiện ra thiếu sót này để kháng nghị.

Đi sâu vào trách nhiệm, nổi lên việc kiểm sát viên nắm bắt diễn biến phiên tòa và nghiên cứu hồ sơ không kỹ, chưa kiểm sát chặt chẽ các biên bản phiên tòa, biên bản nghị án. Chẳng hạn trong vụ Ngần Văn Quang phạm tội giết người ở Quảng Bình, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm không ký vào biên bản phiên tòa, không ghi tên hội thẩm. Hoặc trong vụ Nguyễn Trường Thái phạm tội giết người, biên bản nghị án và bản án sơ thẩm không áp dụng điều luật thống nhất...

Kháng nghị bản án sơ thẩm: Vẫn còn nhiều “sạn” ảnh 1

Chất lượng kháng nghị của VKS còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm. Ảnh minh họa: HTD

Đánh giá sai, kháng nghị không chuẩn

Trái với tình trạng trên, ở nhiều nơi, VKS lại lúng túng trong việc xác định vi phạm cần kháng nghị phúc thẩm nên gặp trường hợp vi phạm lặt vặt, chỉ cần rút kinh nghiệm là đủ, VKS vẫn kháng nghị, về sau rất khó bảo vệ quan điểm tại phiên phúc thẩm. Thậm chí nhiều vụ tòa sơ thẩm đã xử đúng, VKS lại đánh giá sai nên kháng nghị không chính xác.

Chẳng hạn trong vụ Lục Văn Huân và đồng bọn phạm tội cố ý gây thương tích, VKS cấp sơ thẩm đã kháng nghị yêu cầu tòa phúc thẩm áp dụng điểm k khoản 1 Điều 104 BLHS (gây thương tích để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân) với một bị cáo. Theo VKS, trong khi bị đánh, nạn nhân đã giơ thẻ ngành công an cho bị cáo thấy. Nhưng thực tế khi xảy ra vụ án, nạn nhân đang trên đường đi thăm vợ con chứ không phải thực thi công vụ gì, giữa đôi bên cũng không có mâu thuẫn gì trước đó vì lý do công vụ nào cả.

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp VKS kháng nghị yêu cầu áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không đúng. Như đồng phạm giản đơn nhưng VKS kháng nghị là phạm tội có tổ chức hay phạm tội bị bắt quả tang lại kháng nghị đề nghị giảm hình phạt vì bị cáo tự thú...

Nội dung chung chung, thiếu dẫn chứng chính xác

Nhiều kháng nghị lại chưa phân tích rõ ràng các vi phạm, chưa viện dẫn chính xác căn cứ pháp luật hoặc viện dẫn không phù hợp để kháng nghị nên tính tranh luận của kháng nghị không cao. Một tình trạng khá phổ biến là kháng nghị chỉ đề cập đến vi phạm của bản án sơ thẩm một cách chung chung.

Có những kháng nghị, phần quyết định lại không hề ăn khớp với phần phân tích, nhận định. Như vụ Phùng Bảo Ninh bị truy tố về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán tiền chất ma túy... nhưng tòa sơ thẩm xử bị cáo về tội vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. VKS ra kháng nghị nhận định tòa xử sai tội danh, mức án cũng nhẹ, cần xét xử theo tội đã truy tố và tăng hình phạt. Tuy nhiên, ở phần quyết định của văn bản kháng nghị lại đề nghị tòa phúc thẩm... hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Cạnh đó, nhiều kháng nghị lại xác định không đúng thẩm quyền của cấp phúc thẩm. Như vụ Phạm Thanh Xuân bị truy tố về tội đe dọa giết người, tòa sơ thẩm tuyên không phạm tội bởi người bị hại không hề lo sợ khi bị đe dọa. Lẽ ra cần kháng nghị cấp phúc thẩm hủy án để xét xử lại thì VKS cấp sơ thẩm lại kháng nghị yêu cầu xử bị cáo có tội, không đúng với quy định tố tụng hình sự.

Những mặt làm được

Từ năm 2008 đến năm 2011, ngành kiểm sát đã ban hành tổng cộng 2.894 kháng nghị phúc thẩm hình sự, tăng hơn so với các năm trước. Các địa phương có kháng nghị nhiều nhất là TP.HCM và Hà Nội, là những nơi có lượng án giải quyết cao nhất nước. Số kháng nghị của VKS cấp trên cũng tăng rõ rệt với 914 kháng nghị, chiếm tỉ lệ 31,6% so với tổng số kháng nghị ban hành.

Kết quả tổng hợp của ngành kiểm sát cho thấy loại kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt chiếm tỉ lệ cao nhất, còn lại là kháng nghị giảm hình phạt, chuyển tù treo sang tù giam hoặc ngược lại. Số ít còn lại là kháng nghị chuyển tội danh, yêu cầu hủy án sơ thẩm, tăng mức bồi thường...

Theo ngành kiểm sát, một tín hiệu đáng mừng là tỉ lệ kháng nghị được tòa phúc thẩm chấp nhận năm nay đã cao hơn mọi năm. Cạnh đó, kháng nghị giảm án cho bị cáo của VKS cũng được tòa đồng tình nhiều hơn. Đáng chú ý là nhiều vụ, quyết định của tòa sơ thẩm chưa chính xác nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều bị cáo không kháng cáo, chỉ thông qua kháng nghị mà họ đã được giảm án đáng kể. Ngoài ra, nhiều trường hợp tòa sơ thẩm bỏ lọt tội phạm cũng đã được khắc phục kịp thời.

Tập trung hai điểm để nâng chất

Muốn nâng cao chất lượng kháng nghị án hình sự hiện nay, theo tôi cần phải tập trung hai điểm. Một là ngành kiểm sát cần nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ nghiệp vụ cho các cán bộ của mình. Hai là giữa hai ngành VKS và tòa án cần phải có sự phối hợp bằng quy định cụ thể là khi bác kháng nghị, tòa phải đưa ra được các lập luận chặt chẽ chứ không thể nói một cách chung chung, đơn giản là không chấp nhận kháng nghị.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Xem lại thời hạn

Các nhà làm luật nên xem xét sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng thời hạn VKS cùng cấp nghiên cứu hồ sơ, xem xét kháng nghị (15 ngày) và VKS cấp trên (30 ngày) tính từ ngày nhận được bản án sơ thẩm thay cho quy định hiện hành là tính từ ngày tòa tuyên án. Tương tự, thời hạn xem xét kháng nghị đối với quyết định của tòa sơ thẩm cũng phải tính từ ngày nhận được quyết định. Có như vậy ngành kiểm sát mới có thời gian để nghiên cứu thực hiện kháng nghị kịp thời và chất lượng hơn.

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC,huyện Bố Trạch (Quảng Bình)

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm