Khi công tố viên sợ chứng cứ ADN - Bài 1: Cỡ nào cũng kết tội

LTS: Ứng dụng phân tích ADN trong điều tra án hình sự là cuộc cách mạng trong nền tố tụng Mỹ. Nó giúp vạch mặt thủ phạm đích thực và trả tự do cho hàng trăm người bị kết án oan(Pháp Luật TP.HCM từng có loạt bài về vấn đề này). Tuy nhiên, không ít trường hợp kết quả phân tích ADN bác bỏ chứng cứ kết tội rành rành nhưng các công tố viên nước này vẫn cứ “chày cối” cố buộc tội cho bằng được.

Đã hai tháng rưỡi trôi qua kể từ khi vụ án hiếp dâm, giết người xảy ra nhưng hung thủ vẫn bặt vô âm tín. Cô bé Holly Staker, 11 tuổi bị hãm hiếp và bị giết khi đang trông hai đứa em nhỏ ngay tại căn hộ nhà mình. Cảnh sát hạt Lake đã lần theo gần 600 manh mối và phỏng vấn khoảng 200 người nhưng vẫn không có kết quả. Cho đến khi họ đẩy Juan Rivera đến trước một cái máy nói dối và bắt đầu thẩm vấn anh: “Anh ở đâu vào cái đêm xảy ra án mạng?”, vụ án bắt đầu ly kỳ.

Khai như thật!

Là một thanh niên trình độ lớp 9 và có vấn đề về tâm lý, Rivera bị cảnh sát phỏng vấn mấy tuần liên tục. Anh khai hôm đó anh dự một bữa tiệc gần nơi xảy ra án mạng và thấy “một người dự tiệc có hành động lạ”, bản thân mình không hiếp dâm, giết người. Lời khai chỉ có thế và được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Nhưng sau gần 24 giờ bị còng tay từ phía sau, bị cùm chân và bị thẩm vấn liên tục, cuối cùng Rivera thú tội một cách rành rẽ từng chi tiết.

Theo đó, vào buổi sáng xảy ra án mạng, anh mua hai bao thuốc lá và nửa gram cocaine, hít cocaine, hút một bao thuốc và sau đó đi đến thị trấn. Lúc đó anh chợt thấy cô bé Holly đang đứng trước một chung cư hai tầng trên phố Hickory, ở ngay phía bắc Waukegan. “Anh là anh của Rebecca phải không?” - Holly hỏi. Em gái của anh có lần giới thiệu anh với Holly, giờ nhìn cô gái phổng phao, có mái tóc vàng nổi bật, anh không nghĩ đó là cô bé mới 11 tuổi. Cô đang trông đứa em trai năm tuổi và em gái hai tuổi.

Vẫn theo lời khai của Rivera, lúc đó Holly nói với anh rằng cô đang cô đơn và rủ anh đến căn hộ ở tầng hai cho có bạn. “Tôi chơi với hai đứa nhỏ kia bởi vì tôi thực sự thích trẻ con” - Rivera nói với cảnh sát. Khi đứa bé gái hai tuổi mệt, anh đưa nó vào phòng ngủ để nằm nghỉ, còn bé trai bỏ đi chơi đâu mất. Ngay sau đó, Rivera khai anh cởi đồ và cố quan hệ tình dục với Holly nhưng cái ấy của anh mềm nhũn và cô bé bắt đầu chế nhạo anh. Khi con bé hai tuổi khóc, anh vào buồng ngủ để dỗ nó, Holly đi theo và túm quần anh, tiếp tục chọc quê anh. “Đó là tất cả những gì anh làm được à?” - Holly nói.

Khi công tố viên sợ chứng cứ ADN - Bài 1: Cỡ nào cũng kết tội ảnh 1

Ảnh trái: Di ảnh nạn nhân Holly Staker. Ảnh phải: Juan Rivera bị bắt ở tuổi thanh xuân, đến nay anh vẫn chưa được minh oan. Ảnh: nytimes.com

“Đó là lúc tôi thực sự nổi giận và cô tiếp tục chế nhạo cái kia của tôi nhỏ đến thảm hại và rằng tôi không thể làm chuyện đó được. Tôi chạy vào bếp chộp con dao và quay trở lại phòng ngủ. Holly nắm chặt cổ tay tôi cố chống cự. Nếu cô ấy thôi la hét và đừng chống lại tôi, tôi sẽ không đâm cô ấy nữa. Tôi đẩy cô lên giường và quan hệ tình dục với cô, làm cô chảy máu rồi đâm 27 nhát cả thảy. Tôi không nhớ mình có xuất tinh hay không. Sau đó, tôi rửa sạch con dao và tay trong bồn rửa ở nhà bếp rồi chạy trốn bằng cửa sau. Trên đường chạy ra, tôi lấy một cái đồ chùi sàn và đập mạnh vào cửa tạo hiện trường một vụ cướp, sau đó dùng một cái khăn lau cái đồ chùi sàn để xóa dấu vân tay của mình. Khi ra đ?n ến bên ngoài, tôi bẻ gãy con dao, ném nó ở sân sau và chạy ù về nhà” - Rivera khai.

“Mặc kệ ADN”, “không bị cáo thì ai”!

Những lời thú tội rùng rợn dài ba trang giấy của Rivera đã trở thành bằng chứng chống lại anh trong phiên tòa kết án anh phạm tội giết người năm 1993 và hai phiên tòa sau đó, trong đó có phiên gần đây, vào năm 2009. Hiện Rivera đang thụ án chung thân tại nhà giam Stateville, gần Joliet, bang Illinois. Luật sư của anh đang nỗ lực để tòa hủy bỏ hoàn toàn bản án hoặc tổ chức phiên tòa thứ tư tại Tòa Phúc thẩm bang Illinois. Luật sư lập luận không có bằng chứng vật chất cũng như không có nhân chứng trong vụ án Rivera và rằng anh đã bị ép cung. Và điều quan trọng là việc xét nghiệm ADN năm 2005 đã khẳng định tinh trùng tìm thấy trên cơ thể của Holly Staker không phải của Rivera.

Tuy vậy, công tố viên kết tội chỉ dựa vào lời khai nhận tội của bị cáo và bằng chứng vật chất là tinh trùng (ban đầu được cho là của bị cáo) trên cơ thể nạn nhân. Nhưng khi kết quả xét nghiệm ADN cho thấy tinh trùng đó không phải của Rivera, họ vẫn cố kết tội anh ta.

“Đây là một vụ hiếp dâm và giết một đứa trẻ 11 tuổi và tinh dịch tìm thấy trên cơ thể cô gái không phải của Juan Rivera. Nhưng cơ quan tố tụng lại lập luận nạn nhân đã quan hệ tình dục với một người đàn ông khác trước đó. Thật buồn cười” - ông Jeffrey Urdangen, một trong những luật sư của Rivera, nói.

Những vấn đề do các trường hợp được giải oan nhờ chứng cứ ADN đặt ra đã dẫn đến một sự “đại tu” trong hệ thống pháp luật hình sự Mỹ. Dù vậy, số phận của bị cáo với bằng chứng vô tội rành rành vẫn phải lệ thuộc vào “nhận thức” của các công tố viên. Một số công tố viên đã đưa ra lý thuyết quái đản để bác bỏ chứng cứ vô tội của bị cáo. Điển hình là vụ án cô gái 16 tuổi bị hiếp dâm và giết chết ở hạt Nassau của Long Island. Dù kết quả phân tích ADN cho thấy tinh trùng trên cơ thể nạn nhân không phải của bị cáo nhưng các công tố viên lại lập luận rằng nó - tinh trùng - phải là “của” của một tình nhân thông dâm với nạn nhân. Có nghĩa là trước khi bị hiếp - giết, nạn nhân đã quan hệ tình dục với tình nhân rồi và tinh trùng này là của gã tình nhân ất ơ nào đó.

Lý thuyết về tình nhân vô danh lưu hành thường xuyên đến mức các luật sư đã đưa ra một thuật ngữ để nhạo báng nó: “Người đồng xuất tinh không bị truy tố”!

Một ví dụ khác. Ở Florida, sau khi chứng cứ ADN khẳng định mấy sợi lông tại hiện trường vụ hãm hiếp không phải của bị cáo, công tố viên lập luận rằng nó có thể là của người mang đồ nội thất đến phòng ngủ vào tuần trước hoặc trước đó nữa. Kết tội kiểu này có mà chạy đằng giời!

Trong vụ án Rivera nói trên, các công tố viên cũng đã áp dụng cái lý thuyết quái đản này.

Các nhà nghiên cứu pháp luật cho rằng cái văn hóa coi trọng chiến thắng về mặt pháp lý chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. “Họ khư khư bám riết sự kết tội của mình” - GS Brandon Garrett, tác giả cuốn sách Kết án người vô tội, nói.

Ai bảo Mỹ không bức cung, nhục hình?

Trong cuốn sách Kết án người vô tội xuất bản năm 2011, Brandon Garrett - GS luật Trường ĐH Virginia - đã rà soát hầu hết các hồ sơ vụ án của 250 trường hợp được thoát tội nhờ chứng cứ ADN. GS Garrett thấy rằng 76% số tù nhân bị kết án oan sai là do nhân chứng sai lầm và một nửa các trường hợp có liên quan đến bằng chứng pháp lý không chính xác. Lời khai của một người cung cấp thông tin, thường là một bạn tù của người bị buộc tội (ở ta hay gọi là “đặc tình”), đóng vai trò quan trọng trong 21% số vụ. Ngạc nhiên nhất, có tới 16% số vụ oan do bị cáo bị thẩm vấn kéo dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Kết quả: Họ đã thú nhận những tội lỗi mà họ không gây ra. Mới hay chuyện bức cung, mớm cung, ép cung và dùng nhục hình đâu phải chỉ ở Việt Nam mới có!

NAM KHIẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm