Mỏi mòn chờ bồi thường oan

Ngày 26-6-1992, bà Đỗ Thị Lộc bị Công an quận 1(TP.HCM) khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Tháng 7-1992, Công an quận 1 bắt tạm giam bà Lộc theo phê chuẩn của VKS quận này. Hơn hai tháng sau, VKS quận 1 hủy bỏ lệnh tạm giam trên, đến ngày 31-12-1992 thì VKS quận ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra bị can đối với bà Lộc do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tòa buộc VKS quận bồi thường

Năm 2006, bà Lộc đã yêu cầu VKS quận 1 bồi thường oan tổng cộng hơn 127 triệu đồng. Cơ quan này chỉ đồng ý bồi thường hơn 8 triệu đồng. Bà Lộc bèn gửi đơn kiện đến TAND quận 1 yêu cầu VKS quận bồi thường oan hơn 155 triệu đồng.

Năm 2007, TAND quận 1 đã xử sơ thẩm, buộc VKS quận bồi thường cho bà Lộc hơn 8 triệu đồng. Tòa cũng buộc VKS quận đăng cải chính trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp và xin lỗi bà Lộc tại nơi cư trú của bà ấy. Bà Lộc kháng cáo nhưng bị TAND TP.HCM bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Năm 2011, TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án trên để giao vụ án cho TAND quận 1 xử sơ thẩm lại. TAND Tối cao yêu cầu phải làm rõ số ngày tạm giam, từ đó xác định căn cứ bồi thường cho bà Lộc.

Bà Lộc đang mỏi mòn chờ tiền bồi thường để mua xe lăn và trị bệnh. Ảnh: K.PHỤNG

Năm 2013, TAND quận 1 có văn bản đề nghị TAND TP.HCM lấy vụ án lên xét xử sơ thẩm và tòa này đã chấp nhận. Giữa năm 2013, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã buộc VKS quận 1 bồi thường cho bà Lộc hơn 14 triệu đồng. Bà Lộc kháng cáo. Tháng 10-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên buộc VKS quận 1 bồi thường cho bà Lộc hơn 28 triệu đồng.

Bao giờ mới tự nguyện thi hành án?

Hai tháng sau, theo đơn yêu cầu của bà Lộc, Cục Thi hành án (THA)dân sự TP.HCM đã vào cuộc, yêu cầu VKS quận 1 phải bồi thường hơn 28 triệu đồng cho bà Lộc trong thời hạn 15 ngày.

Hết thời hạn trên, VKS quận 1 không tự nguyện THA nên ngày 30-12-2013, chấp hành viên đã có công văn đề nghị cơ quan này THA bằng nhiều cách như bồi thường trực tiếp cho bà Lộc, nộp tiền bồi thường tại trụ sở hoặc chuyển khoản vào tài khoản tạm giữ của Cục THA. Tuy nhiên, sau đó cơ quan THA vẫn không nhận được sự hợp tác của VKS quận.

Ngày 24-3-2014, làm việc với chấp hành viên, đại diện VKS quận 1 cho biết cơ quan này có công văn báo cáo VKSND TP.HCM và VKSND Tối cao để xin kinh phí bồi thường. Khi nào được cấp kinh phí này thì VKS quận sẽ THA. Được biết ngày 25-3, VKSND Tối cao đã có văn bản gửi Bộ Tài chính yêu cầu cấp kinh phí bồi thường cho bà Lộc nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, bà Lộc gửi đơn khiếu nại việc THA khắp nơi. Ngày 5-5, một lần nữa chấp hành viên lại gửi công văn đến VKS quận 1 yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo bản án trên.

Trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Doanh (Cục phó Cục THA dân sự TP.HCM) cho biết nếu VKS quận 1 không tự nguyện bồi thường thì cơ quan THA cũng không thể cưỡng chế kê biên tài sản của họ để THA được. Bởi lẽ tài sản của cơ quan này thuộc diện không được kê biên theo khoản 1 Điều 87 Luật THA dân sự (tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức). “Thật ra số tiền bồi thường oan này không lớn lắm. Khi bản án có hiệu lực, lẽ ra VKS quận 1 phải tự nguyện THA làm gương mới phải. VKS quận 1 nên tính tới phương án tạm ứng từ ngân sách ở địa phương để bồi thường rồi khi nào kinh phí từ trung ương cấp về thì trả lại thì hợp lý hơn” - ông Doanh nói.

KIM PHỤNG

 

Mơ về chiếc xe lăn

Đó là mơ ước hiện giờ của bà Lộc. Bà cho biết khi lấy được tiền bồi thường oan bà sẽ đặt mua ngay cho mình chiếc xe lăn để có thể di chuyển tới lui.

Bà Lộc không chồng, không con, đang tá túc với người chị ở quận Gò Vấp. Bà kể khi được trả tự do, bà bị bệnh khớp hành hạ nhưng không có tiền chữa trị nên phải mua thuốc giảm đau. Uống đủ các loại thuốc Đông, Tây nhưng bệnh không hết mà bà càng ngày càng bị phì ra. Hiện giờ bà nặng hơn 140 kg và bị đột quỵ nên phải nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên bộ ván với sự hỗ trợ của người thân. Do nặng ký vậy nên bà không thể ngồi lên chiếc xe lăn bình thường được mà phải đặt loại xe đặc biệt.

Bà Lộc nấc nghẹn: “Hơn 20 năm mang tiếng oan giờ mới được giải, chút tiền ấy làm sao bù đắp được những oan ức mà tôi phải gánh chịu. Vậy mà tòa tuyên rồi họ cũng không trả. Đã vậy, khi VKS quận 1 tổ chức xin lỗi, tôi đề nghị họ xin lỗi nơi tôi bị bắt (quận 1) vì bà con nơi này chứng kiến tôi tù tội, giờ giải oan để họ biết tôi trong sạch. Chứ ở đây (quận Gò Vấp) đâu có ai biết tôi đâu nhưng họ không chịu và ngày xin lỗi thì không có mặt tôi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm