Nghị lực Trần Trí Thức

Ngày càng có nhiều người biết đến cậu học trò nhỏ ở Sóc Trăng khuyết tật đôi tay nhưng học hay, vẽ giỏi. Trước đó, xứ sở này từng “sở hữu” một Khanh Rong cụt cả hai tay nhưng học hành đỗ đạt và trở thành thầy dạy vẽ lừng danh. Sau khi người thầy tài hoa ấy qua đời (tháng 11-2012), trên một số tờ báo xuất hiện thông tin về cậu bé lớp 6 có tên Trần Trí Thức, cũng ở Sóc Trăng, không có ngón tay nào nhưng luôn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Câu chuyện của cậu bé này là nét vẽ tiếp theo của bức tranh về sức mạnh của ý chí.

Câu hỏi nhói lòng

Vào 12 năm trước, vợ chồng chị Mỹ - anh Trí (Nguyễn Thị Mỹ và Trần Ngọc Trí) ở ấp An Ninh 2, thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) hạ sinh đứa con đầu lòng. Đó là một bé trai không có một ngón tay nào - một sự kiện gây chấn động thị trấn Kế Sách lúc bấy giờ.

Hiếu kỳ, người ta đồn với nhau từng người, từng nhóm người lần lượt tìm đến nhà chị Mỹ xem tận mắt cậu bé kỳ lạ. Bên cạnh những lời động viên, chia sẻ, vợ chồng chị Mỹ còn gặp phải những ánh mắt hoảng sợ. “Có người kêu trời, hốt hoảng khi nhìn thấy đôi tay không ngón của thằng Thức. Biết họ không cố ý, chỉ vì quá bất ngờ, phản xạ tự nhiên theo bản năng nhưng mỗi lần như vậy, tôi như bị chết ngợp” - chị Mỹ nhớ lại.

Trần Trí Thức, cậu bé không ngón tay, lớn dần trong nỗi khổ kéo dài của vợ chồng chị Mỹ. Khi Thức lên ba tuổi, vừa nói được bập bẹ vài câu đơn giản, cậu đã hỏi cha mình: “Ai cũng có ngón tay, sao con không có vậy cha?”. Anh Trí khi đó ôm đầu con trai vào ngực để nó không nhìn thấy những giọt nước mắt của anh. Chị Mỹ cũng đã nghe rõ câu hỏi đó nên vội vã bỏ ra sau hè…

Nghị lực Trần Trí Thức ảnh 1

Trong lớp học, Thức thường hay phát biểu ý kiến. Ảnh: TRẦN VŨ

Từ câu hỏi không thể trả lời ấy, vợ chồng chị Mỹ đã đi đến quyết định không sinh thêm đứa con nào, họ nguyện dành toàn bộ tình thương, sức lực để chăm chút cho đứa con tật nguyền này. Và khi ấy họ cứ nghĩ rằng đoạn đời còn lại sẽ là những chuỗi ngày u ám.

Cậu bé kỳ diệu

Cuộc sống nặng nề trôi đi đối với vợ chồng anh chị Mỹ kể từ ngày Trí Thức được sinh ra. Anh Trí vẫn chạy xe ôm như ngày nào, chỉ là ánh mắt lúc nào cùng chất chứa một nỗi buồn khó tả. Một ngày nọ, một đồng nghiệp kể cho anh nghe về thầy Khanh Rong, một người bị cụt cả hai tay ở huyện Thạnh Trị. Khi lên 10 tuổi, trong một lần đi chăn trâu, ông Khanh Rong cùng nhóm bạn đã gặp một vật lạ trôi trên sông. Nhóm trẻ tò mò, khám phá thì vật lạ bỗng nổ tung, một đứa bé tử vong, Khanh Rong mất đi nhiều phần của cơ thể. Khanh Rong bị mất hai tay và một mắt khi chưa đi học ngày nào, vậy mà bằng ý chí, ông lần lượt học xong các bậc học và tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật, trở thành thầy dạy vẽ lừng danh.

Nghe được câu chuyện trên, anh Trí chạy về nhà kể cho vợ nghe. Tối đó, hai vợ chồng bắt đầu tập cho Trí Thức cầm bút. Cậu bé có đôi mắt sáng, hiếu động và tò mò khác thường. Khi thấy từ cây bút có thể vẽ ra những đường nét ngộ nghĩnh, cậu đâm mê. Và kể từ đó, khi theo mẹ đi dạy học (chị Mỹ là giáo viên mầm non), Trí Thức luôn được cấp cho một cây viết để “giải sầu” lúc chờ mẹ xong công việc. Chỉ vài tuần, chị Mỹ ngỡ ngàng khi Trí Thức có thể vẽ ra những hình vuông, tròn theo ý muốn.

Trí Thức được đưa vào học tại Trường Mầm non Họa Mi, thị trấn Kế Sách khi vừa lên ba tuổi. Tại đây, cậu bé đã trổ những biệt tài kỳ lạ. Thức tự ăn, tự tắm, tự vệ sinh cá nhân sớm hơn những đứa trẻ thông thường. Thỉnh thoảng, khi đi rước con, anh Trí được các cô giáo mầm non mời ở lại để cùng xem tài viết chữ, vẽ tranh của Trí Thức. Với các cô giáo nơi đây, Trí Thức như một bằng chứng sống về sức mạnh vô cùng vô tận của con người. Còn với vợ chồng anh chị Mỹ - Trí, việc Trí Thức tự làm được mọi việc như một đứa trẻ bình thường đã là niềm hạnh phúc vô tận, không gì có thể sánh được.

Nghị lực Trần Trí Thức ảnh 2

Trần Trí Thức, niềm tự hào của Trường THCS Kế Sách. Ảnh: TRẦN VŨ

Chị Mỹ hạnh phúc kể: “Mỗi lần chứng kiến Thức làm được những việc mà theo mình nghĩ chỉ dành cho người có đầy đủ ngón tay, mà phải là người thật khéo léo, vợ chồng tôi không thể ngủ được vì mừng, vì sướng. Mới tuần rồi, Thức mua rau củ về thực hành môn nấu ăn. Tôi sợ con không thể cắt được những sợi hành thành hình những bông hoa vì phải dùng tới dao lam nên tôi nói để mẹ làm giúp. Thức không cho mà giành để tự tay nó làm. Và nó đã làm được!”.

Ông Ba Lâm, hàng xóm của chị Mỹ, thêm vào câu chuyện: “Nó xỏ chỉ qua kim mới đại tài. Nhìn mà phục!”.

Sáu năm liền đạt học sinh giỏi

Ngồi trước mặt chúng tôi, hai tay của Trí Thức vận động không ngừng. Vừa trò chuyện với khách, Thức vừa làm động tác xoay chong chóng trên một thiết bị đồ chơi do em vừa “chế tạo”. Trông nó giống như một cánh quạt của máy bay dân dụng, bao gồm một ống nhựa của cây bút cũ, hai cây tăm và một sợi vòng thun. Sợi thun được luồn vào giữa ống nhựa để làm lực kéo giữ hai cây tăm ở hai đầu. Thức giữ một đầu cố định, đầu kia Thức dùng cánh tay không ngón của mình xoay nhiều vòng, thỉnh thoảng em buông ra cho cây tăm xoay tít như chong chóng.

Thức kể rằng em từng gặp nhiều khó khăn trong học tập nhưng em lần lượt vượt qua tất cả. “Khó nhất là các môn mỹ thuật, nấu ăn, thể dục thể thao. Nhớ lúc cô bảo thêu thùa, may vá, nhảy dây là em nản dữ lắm. Nhưng rồi em cũng làm được hết”. Chẳng những được mà Thức còn làm rất tốt. Ở tất cả môn học, Thức luôn đạt từ điểm 9 trở lên. Từ đó, Thức có một kết quả học tập gây bất ngờ cho mọi người. Em luôn thuộc tốp 10 học sinh giỏi nhất tại các trường học mà em đã đi qua, với thành tích học sinh giỏi sáu năm liên tiếp, từ lớp 1 đến lớp 6 hiện nay.

Thầy Lý Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kế Sách (huyện Kế Sách), ngôi trường em đang học, nhận định: “Thức ngoan, hiền và quyết liệt học tập. Thấy em bị khuyết tật, chúng tôi từng đề nghị cho em được miễn một số môn cần sự khéo tay nhưng em xin được học, không miễn. Chúng tôi tự hào về em Thức”.

Đó cũng là tính cách của Thức. Từ nhỏ, chưa bao giờ em chịu bó tay với một việc khó khăn nào của mình. Chị Mỹ mẹ của Thức kể tiếp: “Thương con, vài lần tôi định giúp nó vài việc khó nhưng nó luôn phản đối và tự tìm cách làm mình ên (làm một mình - PV). Mỗi lần như vậy, nó phê bình tôi rằng mẹ cứ giúp như vậy con hư mất, vô dụng mất. Kể cả việc tôi gợi ý sau này có nhiều tiền sẽ đi đặt hàng chế tạo cho nó một đôi tay giả, nó cũng phản đối, bảo rằng nó đã làm được mọi việc như người bình thường, không cần tay giả. Nó bảo nếu được thì sắm cho nó một đôi tay thật!”.

Từ bốn tuổi, Thức đã bộc lộ một tính cách mạnh mẽ, bộc trực. Khi đó, cậu bé đi qua lộ (đường) trước nhà, bị một người say rượu tông phải. Máu chảy ướt mặt nhưng cậu bé không khóc mà chỉ cố gắng nói với mọi người rằng: “Chú lái xe không có bằng lái!”.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm