VỀ BÀI “XỬ VẮNG MẶT NẠN NHÂN, ĐƯỢC KHÔNG?”

Phải hoãn xử nếu vắng người bị hại

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 24-9 có bài “Xử vắng mặt nạn nhân, được không?”. Bài báo phản ánh trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, người này vắng mặt tại phiên tòa nhưng TAND quận 8 (TP.HCM) vẫn xử và phạt bị cáo 12 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Phía luật sư cho rằng tòa đã gửi giấy triệu tập hợp lệ (niêm yết tại địa phương vì từ khi hồ sơ vụ án chuyển qua tòa đến khi xử không liên hệ được với người bị hại) nhưng người bị hại không đến thì phải hoãn xử hoặc tạm đình chỉ vụ án. Có ý kiến cho rằng trường hợp này luật trao quyền cho tòa quyết định hoãn xử hay tiếp tục xử…

Đúng là theo Điều 191 BLTTHS, nếu người bị hại vắng mặt thì tùy trường hợp, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Nếu thấy sự vắng mặt của người bị hại chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì HĐXX có thể tách việc bồi thường để xét xử sau (theo thủ tục tố tụng dân sự). Đây là quy định chung cho các trường hợp người bị hại vắng mặt. Hơn nữa, luật cũng nêu “tùy trường hợp” mà HĐXX quyết định hoãn hay vẫn xét xử chứ không có quy định người bị hại vắng mặt thì trường hợp nào cũng xử vắng mặt họ được.

Phải hoãn xử nếu vắng người bị hại ảnh 1

Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể này, người bị hại vắng mặt cho dù không trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường (vì họ không yêu cầu bồi thường) nhưng lại trở ngại cho việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Bởi lẽ trường hợp này là trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nên sự có mặt của người bị hại tại tòa là bắt buộc.

Theo khoản 3 Điều 51 BLTTHS, trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (quy định tại Điều 105 của BLTTHS) thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. Đây là quy định bắt buộc. Vì nếu người bị hại vắng mặt tại phiên tòa thì ai là người trình bày lời buộc tội? VKS tham gia phiên tòa chỉ trình bày lời luận tội chứ không thể thay người bị hại trình bày lời buộc tội.

Thực tiễn xét xử tòa án rất ít chú ý đến quy định này nên không giải thích cho người bị hại biết về quyền và nhiệm vụ của họ. Do vậy, trong phần tranh luận, tòa cũng không giải thích để họ trình bày lời buộc tội mà chỉ để họ trình bày ý kiến của mình như đối với người bị hại trong các vụ án khác. Lẽ ra, trước khi VKS trình bày lời luận tội, chủ tọa phiên tòa phải giải thích cho người bị hại để họ trình bày lời buộc tội; việc trình bày lời buộc tội không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ. Nếu tại phiên tòa người bị hại không trình bày lời buộc tội là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong trường hợp này, luật không trao quyền quyết định hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử cho HĐXX, mà luật bắt buộc phải có mặt người bị hại, nếu người bị hại vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa; phải coi trường hợp này tương tự như trường hợp vắng mặt kiểm sát viên.

Tại phiên tòa, luật sư cũng đã yêu cầu tòa triệu tập người bị hại nhưng tòa lại quyết định tiếp tục xét xử mà không cần có sự tham gia của người bị hại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì việc người bị hại có mặt tại tòa là bắt buộc chứ không chỉ là cần thiết. Việc kiểm sát viên và HĐXX cho rằng nạn nhân đã có lời khai tại cơ quan điều tra nên không cần thiết phải có mặt họ tại phiên tòa là không đúng với quy định của BLTTHS.

Ngoài ra, nếu người bị hại vắng mặt không có lý do chính đáng, gây trở ngại cho việc xét xử thì tòa án phải tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu VKS hoặc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người bị hại về tội từ chối khai báo. Rất tiếc, từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào người bị hại từ chối khai báo, gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử lại bị khởi tố cả. Đây cũng là vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc thi hành BLTTHS. Nếu người bị hại cố tình không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng, dù không bị khởi tố về tội từ chối khai báo thì cũng phải coi họ đã từ bỏ yêu cầu, từ bỏ quyền mà pháp luật dành cho họ; tòa án có thể ra quyết định đình chỉ vụ án như đối với trường hợp người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa.

ThS ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm