Tái thẩm vụ đòi nhà hơn 23 năm chưa xong

Mới đây, Tòa dân sự TAND Tối cao đã họp phiên tái thẩm, hủy hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ kiện đòi nhà cho ở giữa bà Lưu Thị Út và bà Lê Thị Nuôi, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.

Bị đơn thua kiện vì khai mâu thuẫn

Đây là vụ kiện đã kéo dài hơn 23 năm qua. Bản án phúc thẩm cũng đã có từ năm 2000 nhưng đến nay không thể thi hành được bởi sửa án sơ thẩm không rõ ràng, tuyên không đúng thực tế.

Theo hồ sơ, năm 1970, cha mẹ bà Út cho bà Nuôi ở nhờ trong một căn nhà vách ván lợp tôn, nền đất, diện tích 71,5 m2 tại 171 đường 2/4, phường Vạn Thắng (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Hai bên không làm giấy tờ cũng không hẹn thời gian trả nhà.

Cha bà Út mất năm 1986. Năm 1991, mẹ bà Út khởi kiện bà Nuôi ra TAND TP Nha Trang đòi nhà. Hai năm sau, mẹ bà Út mất. Bà Út tiếp tục đại diện thừa kế theo đuổi vụ kiện.

Về phía bà Nuôi thì có nhiều lời khai khác nhau, có lúc khai cha mẹ bà Út cho mình thuê nhà, có lúc lại khẳng định cha mẹ bà Út đã bán nhà cho mình từ năm 1975. Bà Nuôi có xuất trình cho tòa “giấy bán nhà” đề ngày 30-12-1982 có nội dung là cha mẹ bà Út thỏa thuận bán căn nhà tôn vách ván diện tích 71,5 m2 cho bà Nuôi. Bà Nuôi yêu cầu bà Út muốn lấy lại nhà thì phải thỏa thuận thanh toán tiền mua nhà và công sức của gia đình đã bồi bổ căn nhà…

Theo kết luận giám định, chữ ký của mẹ bà Út trong “giấy bán nhà” mà bà Nuôi nộp cho tòa là chữ ký giả, còn chữ ký của cha bà Út thì tổ chức giám định nhận định là có khả năng do một người ký ra.

Từ đó, tháng 7-2000, TAND TP Nha Trang xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của bà Út, buộc gia đình bà Nuôi phải trả lại toàn bộ nhà đất...

Án không rõ, không thể thi hành

Bà Nuôi kháng cáo. Tháng 10-2000, TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm, công nhận cha bà Út có bán 1/2 căn nhà cho bà Nuôi nên chỉ buộc bà Nuôi phải trả 1/2 căn nhà cho phía bà Út.

Bản án này sau đó phải nằm trên giấy, không thể thi hành vì tuyên không rõ ràng: Tòa Phúc thẩm buộc bà Nuôi phải trả 1/2 căn nhà trong khi nhà đất tranh chấp không có sơ đồ bản vẽ, không có diện tích cụ thể, không biết chia dọc hay chia ngang, nếu chia ngang thì giải quyết lối đi cho hộ ở phía sau thế nào… Do vậy 13 năm qua, cơ quan Thi hành án dân sự TP Nha Trang đã phải liên tục kiến nghị chánh án TAND Tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục đặc biệt.

Tái thẩm vì xuất hiện tình tiết mới

Cuối năm 2013, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị tái thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Mới đây khi họp phiên tái thẩm, Tòa dân sự TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao.

Theo Tòa dân sự, nội dung ghi số liệu, kích thước trong giấy bán nhà ngày 30-12-1982 mà bà Nuôi nộp có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng hai cấp tòa sơ, phúc thẩm vẫn xác định diện tích mua bán 71,5 m2 là chưa chính xác.

Đặc biệt sau phiên phúc thẩm, UBND TP Nha Trang đã cung cấp một tài liệu là “bản kê khai nhà cửa” đề ngày 20-2-1977 có chữ ký và tên bà Nuôi. Trong văn bản này, bà Nuôi kê khai diện tích căn nhà tranh chấp là 39 m2, họ tên “chủ sở hữu đất” là cha bà Út, họ tên chủ sở hữu nhà là bà Nuôi. Như vậy đã có sự mâu thuẫn giữa diện tích nhà ghi trong “giấy bán nhà” ngày 30-12-1982 (71,5 m2) với diện tích ghi trong “bản kê khai nhà cửa” ngày 20-12-1977 (39 m2).

Mặt khác, bà Nuôi khai mua nhà sau năm 1975 nhưng tại “bản kê khai nhà cửa” ngày 20-12-1977, bà Nuôi vẫn xác định chủ sở hữu đất là cha bà Út.

Đây là tài liệu mới được phát hiện, thu thập làm thay đổi bản chất nội dung vụ án nên được coi là tình tiết mới, là cơ sở để kháng nghị, giải quyết vụ án theo thủ tục tái thẩm.

Như vậy sau 23 năm, vụ kiện này đã quay trở lại giai đoạn đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn tiến mới.

ĐẠI HƯNG

Thời hạn kháng nghị tái thẩm

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 305 của bộ luật này.

(Theo Điều 308 BLTTDS)

Căn cứ kháng nghị tái thẩm

Bản án quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;

2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;

3. Thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

4. Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.

(Theo Điều 305 BLTTDS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm