TRAO ĐỔI VỀ VỤ ÁN TRÊU GHẸO NGƯỜI ĐẸP

Vô luật bất thành tội!

Tự ái, T. đột ngột kéo dây áo duy nhất sau lưng của chị H. Bất ngờ, chị H. buông tay lái giữ áo khiến chiếc xe lao vào xe khác làm chị ngã chấn thương nặng và chết sau vài ngày cấp cứu... Cơ quan tố tụng lúng túng trong việc có nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T. hay không, nếu có thì xác định T. phạm tội gì.

Bài báo phản ánh nhiều quan điểm trái chiều của các chuyên gia pháp luật. Người nói T. phạm tội, người bảo không. Ngay cả trường hợp T. phạm tội thì đó là tội gì cũng gây tranh cãi.

Dẫu sao đây cũng là tình huống khá mới, chưa có tiền lệ, chưa được quy định cụ thể trong pháp luật hình sự. Vì vậy mà có người nhận định có phần võ đoán, dựa vào hậu quả xảy ra để đổ tội cho T. một cách máy móc, làm xấu đi tình trạng pháp lý của T.

Có người lập luận không thể cứ nói không có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân thì T. không phải chịu trách nhiệm gì và dẫn chứng: Trong những vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người, người gây tai nạn không hề có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tôi không đồng tình với lập luận và dẫn chứng này. Bởi lẽ người vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông, liên lụy tới cái chết của nạn nhân có lỗi dù là lỗi vô ý. Trường hợp này không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người gây tai nạn về tội giết người hoặc vô ý làm chết người mà pháp luật đã điều chỉnh bằng một điều luật cụ thể. Đó là Điều 202 BLHS (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ).

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho rằng T. hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình..., có thể biết trước được chị H. sẽ phản ứng buông tay lái rồi bị tai nạn và dẫn đến cái chết nên T. phạm tội giết người. Theo tôi, đây là suy đoán mang dấu ấn duy ý chí, khiên cưỡng.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM quả quyết: Hành vi của T. có thể truy tố về tội vô ý làm chết người vì lỗi quá tự tin. Nói như thế e vội vã, nặng về cảm tính, cảm thương người vắn số mà quy buộc tội lỗi cho kẻ “đùa dai”. Có phải cái chết bất ngờ của H. là do T. quá tự tin hay không? Sự việc xảy ra đột ngột, ngay cả H. cũng không thể nghĩ tới, nói gì là T. Đã không nghĩ tới thì làm gì có chuyện tự tin hay không tự tin?

Một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng từ đầu T. chỉ có ý định chọc ghẹo nhưng nó vô tình đẩy người khác vào tai nạn đáng tiếc dẫn đến cái chết... Vì vậy, T. phạm tội vô ý làm chết người. Theo tôi, tai nạn là do H. tự gây, T. không hề tác động, xúi giục hoặc tạo tình huống khiến cho H. buông tay lái, không thể gán ghép gượng gạo cho T. tội vô ý làm chết người. Hành vi vô ý làm chết người do lỗi vô ý trực tiếp như thợ xây làm rơi vật liệu trúng vào đầu người đi đường khiến người ấy tử vong; trong khi ở đây H. lại tự gây tai nạn.

Theo tôi, trường hợp này không có quy phạm pháp luật hình sự xác định T. phạm tội. Vẫn biết cái chết đột ngột của giai nhân tuổi xuân thì thật đáng tiếc, gây đau thương mất mát cho người thân. Tuy nhiên, luật vẫn là luật, không thể suy diễn để quy kết T. gây ra cái chết của H. Sau này nếu cần thiết, cơ quan lập pháp có thể nghiên cứu bổ sung tội danh mới, xác định hành vi “đùa dai” như T. đã làm đối với H. là tội gì, xử lý ra sao. Còn hiện tại thì “vô luật bất thành tội”!

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm