Vụ hiếp dâm người chuyển đổi giới tính: Phải giám định mới xử được?

Nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn có thể xử tội hiếp dâm vì đã hội tụ đầy đủ dấu hiệu nhưng cũng có người còn băn khoăn bởi người bị hiếp dâm chưa được công nhận là nữ giới.

Chỉ nhầm khách thể, tội đã rõ

Tôi nghĩ không cần phức tạp hóa vấn đề mà nên quy về yếu tố cơ bản nhất của tội phạm. Trước hết, tội hiếp dâm có cấu thành hình thức, tức chỉ cần dùng vũ lực xé quần xé áo với ý định ép người khác quan hệ tình dục trái ý muốn nhưng bị ngăn chặn kịp thời cũng đã phạm tội rồi. Vụ này mục đích hành động chủ quan của ba thanh niên cũng rõ là muốn thỏa mãn tình dục và hậu quả cũng đã xảy ra thì không lý gì không xử được.

Về yếu tố chuyển đổi giới tính, theo tôi trường hợp này chỉ là nhầm về khách thể, không ảnh hưởng đến hành vi và tội phạm. Rõ ràng ý nghĩ chủ quan của ba thanh niên coi nạn nhân là nữ nên mới hiếp dâm, sau mới biết đó là người chuyển giới thì họ bị nhầm khách thể nhưng tội đã rõ. Theo tôi, bất luận việc nạn nhân đã được pháp luật công nhận là nữ hay chưa, giấy tờ tùy thân là nam hay là nữ không quan trọng mà phải xử tội hiếp dâm.

Kiểm sát viên cao cấp BÙI QUANG THỌ, Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao

Không xử, sẽ loạn

Xét về góc độ xã hội, nếu những vụ như thế này không xử tội thì từ đây về sau sẽ thành những tiền lệ xấu vì xu thế chuyển đổi giới tính ngày càng nhiều. Xâm hại tình dục người chuyển giới mà không bị tội thì xã hội sẽ loạn mất.

Về dấu hiệu pháp lý để xử ba thanh niên về tội hiếp dâm, theo tôi đã quá rõ. Cả ba bị can là nam giới, không bị khiếm khuyết về sinh lý; về sinh lý nạn nhân đã là phụ nữ, thỏa mãn điều kiện khách thể nữ giới. Yếu tố giấy tờ tùy thân trong trường hợp này chỉ là vấn đề hành chính.

Thẩm phán HOÀNG VĂN HẢI, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh

Vụ hiếp dâm người chuyển đổi giới tính: Phải giám định mới xử được? ảnh 1

Nạn nhân không nhất thiết phải là nữ

Điều 111 BLHS về tội hiếp dâm nói dùng vũ lực giao cấu với người khác trái ý muốn, tức xâm phạm đến quyền tự do tình dục của người khác là phạm tội hiếp dâm. Chúng ta nên hiểu “người khác” ở đây không hẳn bắt buộc là phụ nữ mà có thể là người chuyển đổi giới tính như vụ án cụ thể này. Hiện ngoài những bình luận khoa học thì chưa có một văn bản pháp quy chính thức nào giải thích cặn kẽ những trường hợp tương tự nhưng thực tế chúng ta phải vận dụng sao cho hợp lý nhất. Ví dụ nhiều người quan niệm tội dâm ô đối với trẻ em phải là người nam dâm ô với bé gái nhưng nếu một bà nào đó đè một bé trai ra “nghịch ngợm” chỗ kín thì cũng phải xử tội này chứ?

Cho nên theo tôi, trong vụ này các yếu tố cấu thành tội hiếp dâm đã rõ. Không cần yếu tố chuyển giới thành nữ mà nạn nhân trong vụ này thuộc dạng “ái nam ái nữ” thì cũng xử lý hình sự người xâm hại được. Chỉ có điều người chuyển giới bị xâm hại tình dục là một tình huống mới phát sinh, luật chưa điều chỉnh hết nên khi xử lý cũng cần cân nhắc mức án với mục đích răn đe, làm gương. Về lâu dài, để chặt chẽ hơn thì TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn ngay và cụ thể về chuyện này.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Nạn nhân chỉ có thể là nữ giới

Tội hiếp dâm có cấu thành hình thức. Theo nguyên tắc và cách hiểu thông thường hiện nay thì nạn nhân trong các vụ án hiếp dâm phải là phụ nữ. Khách thể bị xâm hại trong một vụ án hiếp dâm là quyền tự do bất khả xâm phạm về tình dục đối với phụ nữ.

Theo quan điểm của tôi, vụ việc này đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm tội hiếp dâm về mặt hành vi, mặt chủ thể, mặt chủ quan, chỉ còn thiếu một yếu tố là khách thể bị xâm hại. Vì vậy, cơ quan điều tra cần ra quyết định trưng cầu giám định giới tính của nạn nhân. Nếu kết luận giám định xác định tại thời điểm bị xâm hại, nạn nhân là phụ nữ thì hoàn toàn có đủ cơ sở để xử tội hiếp dâm. Ngược lại, kết quả giám định cho thấy nạn nhân vẫn là nam giới thì cơ quan tố tụng chỉ còn cách xếp hồ sơ lại.

Thạc sĩ MAI KHẮC PHÚC, giảng viên Đại học Luật TP.HCM

Giám định mới xử được

Đây là trường hợp phát sinh do sự phát triển của xã hội, các nhà làm luật chưa dự liệu đuợc.

Thực tiễn xét xử và khoa học pháp lý hình sự đều hiểu mặt khách thể quy định tại Điều 111 BLHS là quyền tự do bất khả xâm phạm về tình dục của phụ nữ.

Ở đây, nạn nhân đã chuyển đổi giới tính nhưng theo Nghị định 88/2008/NĐ-CP của Chính phủ (về việc xác định lại giới tính) quy định chỉ công nhận việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.

Do vậy, tôi nghĩ xử lý trường hợp này cần phải có giám định chính xác của cơ sở y tế có thẩm quyền. Nếu kết luận giám định cho thấy nạn nhân bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính thì việc chưa lập giấy tờ xác định lại giới tính chỉ là hành chính. Nhưng nếu nạn nhân bình thường về giới tính thì phải xác định là nam giới, chuyện chuyển đổi giới tính chỉ là biểu hiện lệch lạc về tình dục, không thỏa mãn điều kiện về khách thể tại Điều 111 BLHS.

Chúng ta có thể nhìn ngược lại vấn đề: Nếu có một người nữ chuyển đổi giới tính thành nam (chưa được công nhận về pháp lý), sau đó thực hiện hành vi hiếp dâm đối với một phụ nữ khác thì có thể truy tố người đó về tội hiếp dâm hay không? Thực chất chủ thể của tội phạm quy định tại Điều 111 BLHS là chủ thể đặc biệt mà người thực hành bắt buộc phải là nam giới. Cho nên, ở trường hợp giả định này, dù họ có hiếp thành công một người phụ nữ thì họ cũng không bị tội.

Luật sư NGUYỄN THANH VĂN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Khuya 7-4, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Nguyễn Văn Tình cùng đồng phạm dùng sức mạnh khống chế, bắt một cô gái đi bộ ven đường lên xe chở đến bãi đất trống thay nhau xâm hại. Người bị xâm hại thừa nhận mình trước đây là nam. Bốn năm trước, cô đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Chuyến này cô đi chơi cùng người yêu. Đêm đó cô và người yêu cãi nhau tại khách sạn, cô buồn nên đi ra ngoài dạo mát, không ngờ gặp sự cố. Cô khẳng định mình bây giờ là phụ nữ 100% và cương quyết yêu cầu xử lý hình sự những kẻ đã xâm hại cô.

Đến nay, các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Bình vẫn đang băn khoăn về đường lối xử lý bởi tất cả giấy tờ đều thể hiện nạn nhân là nam giới. Theo thực tiễn xét xử và khoa học pháp lý hình sự, nạn nhân của một vụ hiếp dâm phải là nữ. Mặt khác, pháp luật Việt Nam lại chưa công nhận việc tự chuyển đổi giới tính như thế này...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm