Vụ Tân Hoàng Phát: Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án

Theo quy định của BLTTHS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, bản án mà chủ tọa tuyên đọc tại phiên tòa là bản án gốc. Bản án gốc phải được các thành viên HĐXX thông qua, ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX ký các bản án chính và tòa án thực hiện việc giao bản án theo quy định tại Điều 229 BLTTHS. Chủ tọa phiên tòa không thể lấy một bản án chưa có chữ ký của các thành viên HĐXX để tuyên đọc tại phiên tòa, cũng không thể căn cứ vào một bản án khác để ký bản án chính rồi cho phát hành.

Không khó làm rõ khác biệt

Nếu bản án tuyên đọc tại phiên tòa có khác biệt với bản án gốc thì cần phải làm rõ một số vấn đề sau: HĐXX xét xử có thông qua và ký bản án gốc tại phòng nghị án hay không? Tại hồ sơ vụ án có lưu bản án gốc hay không? Nếu hồ sơ vụ án vẫn còn lưu bản án gốc và bản án gốc đúng như bản án đã tuyên tại phiên tòa mà bản án phát hành khác biệt với bản án tuyên thì mới coi là sơ suất, là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Tôi tin rằng trong tình hình hiện nay, việc hợp thức hóa bản án gốc với bản án phát hành không có gì khó đối với chủ tọa phiên tòa; nếu các cơ quan chức năng có kiểm tra thì cũng khó mà phát hiện có hay không có vi phạm. Trách nhiệm lúc này sẽ thuộc về cơ quan báo chí đã “đưa tin không trung thực”, thậm chí có thể bị quy kết là “vu khống”, là “xúc phạm đến uy tín, danh dự” của HĐXX....

Có hay không sự khác biệt đến “trắng đen” giữa bản án tuyên với bản án phát hành? Nếu căn cứ vào băng ghi âm của PV thì sẽ bị nghi là có sự lắp ghép, không được coi là chứng cứ!? Nhưng băng ghi âm đó lại được kiểm sát viên tham gia phiên tòa và tất cả những người tham dự phiên tòa đều khẳng định đúng như lời tuyên án của chủ tọa phiên tòa thì khó có thể chối cãi. Khoa học hiện nay có thừa khả năng giám định giọng nói trong cuốn băng ghi âm là giọng của ai, có bị lắp ghép hay không.

Vụ Tân Hoàng Phát: Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án ảnh 1

Chủ Tân Hoàng Phát Phan Cao Trí (thứ hai từ trái sang) cùng đồng bọn tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: H.YẾN

Bất thường chồng lên bất thường!

Nếu đúng là bản án đã tuyên tại phiên tòa có nội dung khác biệt cơ bản với bản án phát hành như báo nêu, mà bản án gốc lưu trong hồ sơ vụ án lại y chang như bản án phát hành thì vấn đề trở nên vô cùng nghiêm trọng, không chỉ dừng lại ở việc vi phạm tố tụng nữa. Hành vi này đã là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao phải vào cuộc xem hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án có phải là hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 300 BLHS hay không?

Theo Điều 300 BLHS (tội làm sai lệch hồ sơ vụ án) thì bản án không chỉ là tài liệu mà là một tài liệu quan trọng bậc nhất của vụ án. Đối với bản án phúc thẩm sau khi tuyên án là có hiệu lực pháp luật ngay, cơ quan, tổ chức và mọi công dân phải chấp hành. Việc thêm bớt, sửa chữa bản án phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ, không thể tùy tiện, nhất là việc sửa chữa, thêm bớt nhằm khỏa lấp những vi phạm trước đó thì không chỉ dư luận mà các cơ quan chức năng cũng khó có thể làm ngơ.

Vụ án này, sau khi xét xử phúc thẩm, dư luận cho rằng việc tòa phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo là bất thường, bây giờ lại chồng lên sự bất thường khác thì chúng tôi tin rằng các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để trắng đen được sáng tỏ, trả lại sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Các quy định liên quan

Tại tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV Nghị quyết số 04 ngày 5-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003) quy định: “Cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên HĐXX thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX ký các bản án chính và tòa án thực hiện việc giao bản án theo quy định tại Điều 229 của BLTTHS”.

Tại tiểu mục 4.1 Mục 4 phần II Nghị quyết số 05 ngày 8-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS năm 2003) quy định: “Phiên tòa phúc thẩm cũng tiến hành như phiên tòa sơ thẩm; do đó, trong trường hợp Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS không có quy định khác, thì khi tiến hành phiên tòa phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm phải thực hiện đúng các quy định tương ứng về phiên tòa sơ thẩm tại Chương XVIII, XIX, XX, XXI và XXII của BLTTHS và hướng dẫn tại các phần II, III, IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003”.

Cần sớm giám đốc thẩm

Trong vụ Tân Hoàng Phát, việc tuyên án một đằng, phát hành án một nẻo là không đúng pháp luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Chánh tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cần nhanh chóng kiến nghị đề nghị giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm và tiến hành xử lý kỷ luật thẩm phán giải quyết án. Bên cạnh đó, Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao cũng cần sớm báo cáo đề nghị người có thẩm quyền giám đốc hủy bản án nói trên.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Làm mất tính nhân-quả

Phần nhận định của bản án phúc thẩm là phần nêu các căn cứ để HĐXX đưa ra các quyết định đối với bản án sơ thẩm và kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, giữa phần nhận định và phần quyết định của bản án phúc thẩm phải có tính nhân - quả với nhau. Việc có sự sai biệt giữa bản án đã tuyên và bản án phát hành sẽ không đảm bảo các tình tiết khách quan và nội dung vụ án, dẫn đến việc rất khó xác định phần quyết định của bản án có đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không.

Luật sư PHẠM TẤT THẮNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Làm sai lệch hồ sơ

Khi phát hành bản án, thẩm phán tự ý sửa đổi bản án đã tuyên tại phiên tòa, thêm vào phần trách nhiệm dân sự, bớt đi phần nhận định về tố tụng là sai luật. Bởi khi nghị án, mọi vấn đề đã được bàn luận, thống nhất trong biên bản nghị án rồi mới ra bản án để tuyên đọc. Nay bản án phát hành lại khác, thêm bớt các vấn đề, chứng tỏ những vấn đề này không thể hiện trong biên bản nghị án hoặc biên bản nghị án chỉ được làm sau khi án đã tuyên.

Về nguyên tắc, bản án phát hành chỉ được chỉnh sửa câu chữ cho sắc hơn, đúng chính tả hơn chứ không phải khác hẳn về mặt bố cục, thêm bớt vấn đề nào đã được công bố trong bản án đã tuyên. Trường hợp này, tôi cho rằng cần sớm giám đốc thẩm lại vụ án để điều tra, xét xử lại từ đầu. Tôi cũng cho rằng việc tuyên án một đằng, phát hành án một nẻo là có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ án.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm