Xin kháng nghị giám đốc thẩm sẽ phải mất phí?

Nhiều ý kiến của lãnh đạo TAND các địa phương đã góp ý về bất cập trong chế định giám đốc thẩm - tái thẩm (GĐT-TT) hiện nay.

Theo các ý kiến, vì cơ sở đề nghị GĐT-TT khá rộng, chưa cụ thể và đương sự “không mất gì” khi đề nghị nên chế định này trở thành như là một cấp xét xử chứ không còn là thủ tục đặc biệt nữa. Mặt khác, do cấp GĐT-TT chỉ có thẩm quyền y án hoặc hủy án nên trong nhiều vụ chứng cứ đã rõ, thay vì có thể phán quyết luôn để giải quyết dứt điểm thì cấp GĐT-TT vẫn phải hủy án đưa về cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm xét xử lại. Chuyện này làm kéo dài thời gian giải quyết án, tốn kém tiền của, công sức cho tòa và cả các đương sự.

Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi quy định tố tụng chặt chẽ hơn về điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của người gửi đơn đề nghị GĐT-TT (lệ phí nộp đơn, nghĩa vụ chứng minh của đương sự...) để hạn chế tình trạng gửi đơn tràn lan. Song song đó, cũng cần sửa đổi thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo hướng không chỉ dừng lại ở mức “phá án” để giao về điều tra, xét xử lại mà sẽ giải quyết “tận cùng” về nội dung đối với những vụ án chứng cứ đã rõ.

Tại hội thảo, ông Phạm Quốc Hưng (Quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê - Tổng hợp TAND Tối cao) bày tỏ băn khoăn trước thực tế các tòa chuyên trách của TAND Tối cao vừa có trách nhiệm đề xuất kháng nghị GĐT-TT vừa có thẩm quyền xử GĐT-TT chính các vụ mà mình đề xuất. Từ đó sẽ không thể tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định trong quá trình xem xét, phân tích, đánh giá chứng cứ khi xử GĐT-TT.

Ông Hưng cũng đề xuất TAND Tối cao lập Ban Giám đốc kiểm tra làm đầu mối giúp chánh án TAND Tối cao xem xét, giải quyết đơn đề nghị GĐT-TT. Còn việc xét xử GĐT-TT chỉ do Hội đồng thẩm phán thực hiện. Ngoài ra, có thể lập Hội đồng chuyên trách (khoảng 3-5 thành viên của Hội đồng thẩm phán) làm nhiệm vụ GĐT-TT những án thông thường. Còn Hội đồng toàn thể (tất cả thành viên Hội đồng thẩm phán) xét xử GĐT-TT những án quan trọng, phức tạp mà kết quả xét xử có ảnh hưởng lớn đến việc vận dụng, áp dụng pháp luật trong công tác xét xử, phục vụ cho việc phát triển án lệ.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm