Từ vụ ông Tuấn 'tim' nghĩ về trách nhiệm người đứng đầu bệnh viện

(PLO)- Nhiều ý kiến trái chiều, nhiều sự tiếc nuối với vị giáo sư đầu ngành, từng là giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội rồi Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn vướng vòng lao lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn vừa bị kết án 3 năm tù vì tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” với cáo buộc đã thông đồng với các công ty cung cấp thiết bị y tế trong đấu thầu, nâng giá thiết bị cao hơn thị trường gây thiệt hại 53,6 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến trái chiều, nhiều sự tiếc nuối với vị giáo sư đầu ngành, từng là giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội rồi bệnh viện Bạch Mai vướng vào vòng lao lý. Nhiều người cho rằng giá như ông Tuấn chỉ là giáo sư giảng dạy và bác sĩ cứu người thì đâu nên nổi. Đã có nhiều cái “giá như” khi những nhà chuyên môn bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì những sai phạm trong cơ quan, đơn vị với trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập mà nổi bật là các bệnh viện.

Có lẽ đó lý do mà nhiều người phản đối việc bổ nhiệm các nhà khoa học vào vị trí quản lý. Vì thực tế đã đổi “một nhà khoa học giỏi” lấy một “người quản lý tồi”. Nhưng không thể nói với kiến thức của một Giáo sư ngành y, một Đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông Tuấn lại không có kinh nghiệm quản lý hay kiến thức pháp luật hạn chế.

bác sĩ nguyễn quang tuấn
Cựu giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tại tòa. Ảnh: BT

Nếu các bệnh viện được điều hành một nhà quản lý chuyên nghiệp thì tình hình có khá hơn không? Với cơ chế, thủ tục và quy định về đấu thầu y tế như hiện nay thì có lẽ câu hỏi này cần có thời gian để tìm lời giải hoàn chỉnh. Bởi lẽ, chính tư lệnh ngành Y tế với đầy đủ các cục, vụ chuyên môn tham mưu vẫn không tránh được các sai phạm và chịu trách nhiệm vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.

Hiện nay, các bất cập về mặt quy định trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế đã dần được tháo gỡ qua các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ và mới đây là Thông tư 08/2023/TT-BYT bãi bỏ một số Thông tư về đấu thầu trang thiết bị y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện về tổ chức điều hành hoạt động nói chung, hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế nói riêng vẫn là vấn đề cần phải thảo luận.

Liệu rằng chúng ta có nên bổ nhiệm các bác sĩ giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm làm công tác quản lý hay thuê những nhà quản lý chuyên nghiệp phụ trách công việc này.

Cá nhân người viết vẫn ủng hộ việc các nhà khoa học, người có chuyên môn giữ vai trò quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập mà đặc biệt là các trường đại học, bệnh viện. Bởi bên cạnh vai trò là người đứng đầu quản lý đơn vị thì uy tín, khả năng chuyên môn chính là điều cơ bản nhất để mọi người trong đơn vị, đặc biệt là các đồng nghiệp có cùng chuyên môn công nhận vị trí lãnh đạo.

Quá trình thay đổi cơ chế, thủ tục, quy định sẽ cần có một thời gian tương đối dài. Do đó, mỗi nhà quản lý ở các bệnh viện cần tự bảo vệ mình bằng việc quan tâm và tôn trọng các quy định, thủ tục hơn; gạt đi tính tự kiêu cho rằng mình giỏi chuyên môn là giỏi tất cả; xây dựng đội ngũ nhân sự hành chính có đủ kiến thức, kỹ năng và chuyên môn để tham mưu, điều hành giải quyết công việc đúng pháp luật.

Cuối cùng, mỗi người quản lý cũng cần tự tiết chế lòng tham với các vụ lợi bất chính, bởi lẽ một người giỏi thì chắc cũng khó mà nghèo được, nói chi là một Bác sĩ giỏi, một người quản lý có tâm có tầm.

Hy vọng, không chỉ những giám đốc bệnh viện mà bất kỳ vị bác sĩ nào cũng nhớ lời thề Hippocrates có đoạn: “Nếu tôi giữ lời thề này một cách thành khẩn, tôi sẽ được an hưởng đời tôi và thực hành nghề tôi, được mọi người kính trọng mãi mãi.” để làm động lực, mục tiêu trong suốt các hoạt động nghề nghiệp cao cả của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm