Ngày 15-4, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” theo Nghị quyết số 24/2022 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Định hình trung tâm kinh tế biển quốc gia
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/2022 của Chính phủ đã quyết định nhiều chủ trương, chính sách lớn với các giải pháp toàn diện. Đây là hai văn bản quan trọng thể hiện rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm của Bộ Chính trị trong việc tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Một trong nhiều chủ trương lớn được xác định là “phát triển tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã triển khai xây dựng và phác thảo bước đầu dự thảo đề án.
“Tôi mong muốn tại hội thảo này chúng ta cùng thảo luận, nhận diện thực trạng, đánh giá, làm rõ các tiềm năng, lợi thế nổi trội, cơ hội và thách thức của tỉnh trong việc trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia” - ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nhấn mạnh.
Bên cạnh định hướng lớn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, Nghị quyết số 24 còn xác định các nhiệm vụ cụ thể như xây dựng TP Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; xây dựng khu thương mại tự do Cái Mép Hạ để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của cụm cảng Cái Mép- Thị Vải, một trong hai cảng biển đặc biệt của quốc gia…
“Cửa ngõ” ra biển của cả vùng Đông Nam Bộ
Hội thảo đã nhận được 12 ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý phân tích sâu thêm các tiềm năng, lợi thế cũng như hiến kế góp ý cho đề án.
Các ý kiến đều khẳng định chủ trương, định hướng của Trung ương trong việc phát triển Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia là hoàn toàn đúng đắn. Đồng thời nhấn mạnh việc phát triển kinh tế biển không phải riêng của Bà Rịa- Vũng Tàu mà cần gắn trong sự phát triển liên vùng với các địa phương khác.
Các ý kiến cho rằng Bà Rịa- Vũng Tàu có điều kiện thuận lợi và có tiềm năng lớn trong phát triển cảng biển. Lợi thế này không phải chỉ “gói riêng", mở ra cơ hội phát triển cho Bà Rịa- Vũng Tàu mà còn với cả vùng Đông Nam Bộ cũng như đối với cả nước.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trưởng nhóm tư vấn xây dựng đề án khẳng định, cụm cảng Cái Mép- Thị Vải là một tài nguyên vô cùng độc đáo, hiếm có của quốc gia. Tuy nhiên, việc khai thác lợi thế của cụm cảng này chưa thực sự phát huy hết hiệu quả do hạ tầng giao thông kết nối chưa hoàn thiện. Sự phát triển của cụm cảng không chỉ có ý nghĩa với riêng Bà Rịa- Vũng Tàu mà còn chung cho cả vùng. Nó sẽ giúp các doanh nghiệp ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai khai thác những lợi thế từ phát triển logictics, cảng biển ở Cái Mép- Thị Vải.
Việc phát triển cảng biển quy mô, tầm cỡ cũng cần đi đôi với sự phát triển của hệ thống logistics tương xứng. Do đó, mô hình khu thương mại tự do Cái Mép Hạ đang triển khai được kỳ vọng sẽ khơi thông, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về mô hình logistics cảng biển của Bà Rịa- Vũng Tàu trong giai đoạn tới.
Theo ông Anh Tuấn, Bà Rịa- Vũng Tàu cũng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng rất cao. Sự phát triển này dựa trên ba trụ cột là ở gần TP.HCM; tận dụng được lợi thế có biển, cảng biển và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và chính sách thu hút đầu tư hợp lý để thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Tỉnh cũng có tiềm năng lợi thế để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi, hình thành nên các trang trại điện gió.
Ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh để Bà Rịa- Vũng Tàu phát huy hết tiềm năng lợi thế của mình, trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia thì cần có những đặc quyền, nguồn lực, cơ chế chính sách hỗ trợ tương xứng.
Bên cạnh đó cần nghiên cứu đến hướng quy hoạch cả vùng Cần Giờ, TP.HCM và khu vực Phú Mỹ của Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành khu thương mại tự do.
Nhiều ý kiến khác cũng tập trung phân tích, chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế biển của Bà Rịa- Vũng Tàu đặt trong sự phát triển liên kết vùng với ba tỉnh thành TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Để có sự phát triển tương xứng cần đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, trong đó ưu tiên hệ thống đường sắt, tuyến metro kết nối từ TP.HCM về Vũng Tàu. Việc này giúp di chuyển thuận lợi và phát triển các đô thị hai bên tuyến…
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 53 cảng biển đang khai thác với tổng chiều dài bến cảng 19,4 km, tổng công suất gần 180 triệu tấn/năm. Riêng huyện Côn Đảo hiện có 2 cảng biển nhỏ. Trong đó, khu vực cụm cảng Cái Mép- Thị Vải có khoảng 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng, trong đó có 19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác, với công suất gần 120 triệu tấn/năm (trong đó gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEU/năm). Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng đầu tiên của Việt Nam và nằm trong 20 cảng trên thế giới có thể đón được tàu container siêu lớn gần 200.000 tấn.