Công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gần về đích. Ảnh: TẤN VIỆT

Nỗ lực vượt bậc đưa mục tiêu 3000 km cao tốc về đích

(PLO)- Bộ GTVT nhận định việc đưa thêm 1.000 km cao tốc vào vận hành, khai thác trong thời gian tới đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực vượt bậc.

LTS: Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai thành công, hiệu quả đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, Thủ tướng vừa đề nghị các cấp ủy Đảng phải quyết liệt chỉ đạo sát sao, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, làm hết sức để các dự án về đích đúng hẹn. Tuy nhiên, không vì chạy theo tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng dự án. Lời phát động của Thủ tướng là động lực to lớn để các đơn vị có liên quan tập trung cao độ hoàn thành dự án.

3000 km cao tốc
Thủ tướng động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường dự án thành phần cao tốc Vân Phong - Nha Trang hồi tháng 4-2024. Ảnh: VGP

Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3000 km cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc để tạo không gian, động lực phát triển mới cho đất nước. Vì thế, trong ba năm trở lại đây, ngành giao thông rất nỗ lực hoàn thành và đưa vào khai thác 858 km, bằng hơn 2/3 tổng số kilomet cao tốc đã triển khai trong gần 20 năm trước (khoảng 1.163 km).

Tuy nhiên, cả nước hiện mới đưa vào vận hành, khai thác 2.021 km đường bộ cao tốc (ĐBCT). Để hoàn thành gần 1.000 km ĐBCT còn lại đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành và địa phương, với mục tiêu tất cả vì lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc…

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT (ảnh nhỏ), chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM như trên về những việc cần làm để hoàn thành mục tiêu 3.000 km ĐBCT.

16-p89-anhphu-viethoa.jpg
Cao tốc Nghi Sơn - Quốc lộ 45 từ Hà Nội đi Thanh Hóa - Nghệ An đã khánh thành vào tháng 10-2023. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Thuận lợi và thách thức đến từ bốn nhóm dự án

. Phóng viên: Hiện các dự án ĐBCT có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 đang gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

16-p89-thutruongLeAnhTuan.jpg

+ Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương rà soát tình hình triển khai và chia các dự án ĐBCT có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 thành ba nhóm.

Nhóm 1 gồm 13 dự án với tổng chiều dài hơn 700 km. Đây là những dự án có các điều kiện thuận lợi về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, vướng mắc đã cơ bản được tháo gỡ, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025 như cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Bãi Vọt đến Vạn Ninh và từ Quảng Ngãi đến Nha Trang; cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu...

Nhóm 2 gồm 10 dự án tiến độ đang bám sát kế hoạch đề ra, song còn một số khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung vật liệu... cần được tháo gỡ để hoàn thành trong năm 2025.

Nhóm này gồm các dự án: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Hòa Liên - Túy Loan; dự án đường vành đai 3 TP.HCM qua Long An và TP.HCM; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và một phần cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột...

Nhóm 3 có bốn dự án (chiều dài 60 km) còn nhiều khó khăn về mặt bằng, vật liệu đắp… Đó là các dự án thành phần thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai và phần còn lại của dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Chẳng hạn như dự án ĐBCT Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 TP.HCM đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, địa phương đã nỗ lực nhưng đến nay mới bàn giao được 40% mặt bằng, gây khó khăn cho công tác thi công hai dự án này.

. Như vậy, tới đây Bộ GTVT và các địa phương cần phải làm gì để đưa các dự án này về đích đúng hẹn?

+ Như chúng ta đã biết, ngoài việc trực tiếp đến công trường không quản ngày nghỉ, lễ, Tết, Thủ tướng cũng vừa phát động phong trào “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km ĐBCT”. Đây là nguồn cổ vũ và động lực lớn lao đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động toàn ngành GTVT.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ GTVT sẽ chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương nhằm quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại.

3000 km cao tốc.JPG
Dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NGUYỄN DO

Bộ GTVT đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng trực tiếp làm trưởng ban. Qua đó để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương.

Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư cử cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm đồng hành cùng địa phương trong giải phóng mặt bằng; xác định khu vực ưu tiên triển khai trước. Phối hợp với Bộ TN&MT rà soát trữ lượng cát của các địa phương trong vùng, kế hoạch triển khai và nhu cầu cát của từng dự án để tham mưu Thủ tướng giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương có nguồn cát, điều chuyển linh hoạt nguồn cát giữa các dự án.

Không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng dự án

. Vậy kế hoạch cụ thể Bộ GTVT sẽ triển khai là gì, thưa ông?

+ Trước tiên, Bộ GTVT sẽ quán triệt, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT, đội ngũ tư vấn giám sát, nhà thầu. Đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, công nhân, người lao động ngày đêm bám trụ trên các công trường dự án tiếp tục duy trì và phát huy khí thế, quyết tâm cao nhất, tất cả vì mục tiêu lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc.

Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung vào một số công việc cụ thể sau: Một là, các ban quản lý dự án theo dõi, bám sát chặt chẽ tình hình triển khai các dự án; xác định các đường găng để có giải pháp cụ thể và tiến độ chi tiết, kiểm tra của từng mũi thi công, từng nhà thầu để đôn đốc quyết liệt tiến độ dự án. Tập trung giải quyết những thủ tục nội nghiệp hỗ trợ công trường nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Các ban phải thực hiện đúng quy định hợp đồng và kết quả thi công trên công trường để linh hoạt nhằm giải ngân đúng và đủ giúp các mũi tăng tốc thi công. Song song đó, ban phải kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng thủ tục đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai phạm.

Hai là, yêu cầu các đơn vị tư vấn phải bám sát hiện trường, luôn có cán bộ thường trực giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, thực hiện nghiệm thu thanh toán đáp ứng tiến độ, kịp thời xử lý ngay những điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật nếu có.

Các nhà thầu phải tận dụng tối đa thời tiết tốt, điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính tổ chức thi công “ba ca, bốn kíp”. Nhà thầu phải bù lại phần khối lượng nếu đang bị chậm và thực hiện đúng với cam kết thi đua về tiến độ hoàn thành gói thầu, dự án, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ yêu cầu.

Thêm vào đó, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị thi công tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng. Chúng tôi cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc và hướng dẫn các ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân.

IMG_4265.jpeg

Song song đó, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ theo chỉ dẫn kỹ thuật; chủ động nắm bắt, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh của từng dự án, từng gói thầu. Bộ GTVT cũng sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm của các chủ thể tham gia các dự án theo đúng quy định của hợp đồng đã ký và các quy định của pháp luật liên quan.

Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị UBND các địa phương có dự án, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các tỉnh giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung cấp đầy đủ nguồn vật liệu cho các công trường, nhất là các dự án khu vực ĐBSCL.

Các tỉnh cũng được giao kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, chống việc lợi dụng tăng giá, ép giá. Bên cạnh đó, mỗi vùng đều phải công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng sát với biến động của thị trường để đủ bù đắp một phần chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các nhà thầu xây dựng.

. Với các giải pháp như ông nêu, liệu chúng ta có hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra không?

+ Chúng tôi tin tưởng rằng cùng với sự chung sức, đồng lòng từ các bộ, ngành, địa phương và phong trào “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km ĐBCT” do Thủ tướng phát động, chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đây cũng là kết quả thực chất và thiết thực để chúng ta chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Xin cảm ơn ông.•

Khí thế quyết tâm phải được cụ thể bằng hành động

Để hoàn thành 3.000 km ĐBCT, toàn ngành cần tập trung cao độ, nỗ lực thi đua, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn nữa, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, dự án sau phải nhanh hơn, tốt hơn, đồng bộ hơn dự án trước. Khí thế, quyết tâm đó phải được cụ thể hóa bằng những hành động, kết quả thực chất, hoàn thành các công trình, dự án vượt tiến độ để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “GTVT là mạch máu của tổ chức; giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ”, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT; mỗi cơ quan, đơn vị, ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công quyết tâm cam kết hưởng ứng phong trào thi đua, tập trung cao độ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu.

Thứ trưởng LÊ ANH TUẤN

Họ đã nói

Ông NGUYỄN VIẾT HẢI, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải, nhà thầu tham gia thi công nhiều dự án ĐBCT Bắc - Nam:

16-p89-NguyenVietHai.jpg

Nhà thầu rút ngắn thời gian hoàn thành

Để hưởng ứng phong trào thi đua hoàn thành 3.000 km ĐBCT, đơn vị đã chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện các dự án. Trong đó, tập đoàn có các gói thầu theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2026 nhưng cam kết hoàn thành trong năm 2025 theo đúng mục tiêu thi đua mà Thủ tướng phát động.

Khó khăn hiện nay chủ yếu đến từ công tác mặt bằng và nguồn vật liệu, dù lãnh đạo các địa phương có đường cao tốc đi qua rất quyết liệt quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc chưa giải quyết được. Vì thế các nhà thầu đang tiếp tục đề nghị các địa phương hỗ trợ, giúp đỡ tích cực hơn nữa, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu…

Ông TRẦN VĂN THI, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận:

16-p89-TranVanThi.jpg

Huy động gần 1.900 nhân sự

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án ĐBCT”, ban đã tích cực chỉ đạo các nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng.

Chúng tôi tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “ba ca, bốn kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “làm việc nào dứt việc đó”, “đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm” để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Hiện trên công trường các đơn vị đang triển khai đồng loạt các mũi thi công, tập trung tối đa nhân lực, thiết bị, vật tư trên các phạm vi đã được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Cụ thể, triển khai tổng số 163 mũi thi công (78 mũi thi công cầu, 85 mũi thi công tuyến chính và đường công vụ).

Cùng với đó, các nhà thầu đã huy động tổng số 589 máy móc, thiết bị và gần 1.900 nhân sự. 100% các nhà thầu, tư vấn giám sát và ban điều hành dự án đều làm việc tăng ca, kíp đẩy nhanh tiến độ, bù lại khối lượng bị chậm.

Cát đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên để đảm bảo hoàn thành công tác đắp gia tải, xử lý nền đất yếu trong năm 2024, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã tổ chức họp với từng nhà thầu thi công. Đồng thời, các nhà thầu thi công cũng ký cam kết thi đua hoàn thành công tác gia tải nền đường và các cầu trên tuyến chính trong năm 2024, tiến độ tổng thể đạt 60% và giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024.

Ông NGUYỄN CÔNG VINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

16-p89-nguyencongvinh.jpg

Nỗ lực để thông xe kỹ thuật cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào 30-4-2025

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các dự án giao thông kết nối liên vùng khác như cầu Phước An, đường vành đai 4, đường liên cảng, 991B, ĐT994… Sau khi hoàn thành sẽ tạo nên những hành lang kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhất là khai thác hiệu quả cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Ngoài ra, các vùng đất khi dự án giao thông đi qua cũng sẽ có cơ hội phát triển, hình thành các chuỗi đô thị, dịch vụ công nghiệp dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân. Qua đó, rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển góp phần làm giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Khi dự án hoàn thành sẽ có những dư địa mới, tương lai mới cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, không chỉ thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, mà các dự án còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.

Sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã vào cuộc quyết liệt. Tỉnh đã thành lập các ban chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo, thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng để thi công dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Song song với việc triển khai thủ tục thực hiện dự án, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của dự án với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với ý chí, quyết tâm cao, sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh dự kiến hoàn thành thông xe kỹ thuật vào 30-4-2025, đưa vào khai thác tuyến cuối năm 2025. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km ĐBCT.

Ông MAI QUÝ KHÁNH, Phó Trưởng phòng Dự án 4, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh:

Đặt mục tiêu cán đích trước sáu tháng

Thời gian qua, trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (đi qua hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị), các công nhân, kỹ sư của các nhà thầu khẩn trương thực hiện thi công trên tuyến nhằm đẩy nhanh tiến độ, đặt mục tiêu cán đích trước sáu tháng như kế hoạch đề ra.

Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài hơn 65 km với tổng mức đầu tư hơn 9.919 tỉ đồng, khởi công vào tháng 1-2023.

Tuyến đường này có 29 cầu, 234 cống các loại, 39 hầm chui dân sinh, bốn nút giao liên thông. Hiện nay, tổng sản lượng đạt khoảng 55%, riêng đắp nền đường đã hoàn thiện đến 74,2%.

Theo quyết định đầu tư, dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 10-2025. Tuy nhiên, do nhu cầu cấp thiết giúp giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 1A, chủ đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị thi công dự án nhanh nhất có thể.

Đối với dự án này, nhà thầu thi công gặp nhiều khó khăn vì các địa phương chậm bàn giao mặt bằng sạch, cụ thể đến nay tỉnh Quảng Trị đã bàn giao 32,334/32,534 km, đạt 99,30%, chưa bàn giao 200 m, mặt bằng bàn giao chưa sạch là 129 m.

Tuyến chính còn 329 m bao gồm cả mặt bằng đã bàn giao chưa sạch còn vướng năm hộ dân và một tổ chức. Còn tại nút giao, cầu vượt, đường hoàn trả vướng 175 hộ dân. Tại nút giao Quốc lộ 9 chưa được thi công vì vướng mặt bằng.

NHÓM PV ghi

Đọc thêm