Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ rất quan tâm đến ĐBSCL

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải có sự đau đáu, đam mê, trách nhiệm và cảm xúc với ĐBSCL thì mới đưa ĐBSCL phát triển. 

Chiều 15-10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt Đề án).

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Cùng dự hội nghị có hai Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc cùng nhiều bộ trưởng và lãnh đạo 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng của nước ta rất cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Vì vậy chúng ta phải tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi này để phát triển.

Cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu tầm quan trọng và những lợi thế của ĐBSCL. Theo đó, trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, an ninh lương thực không thể không nói đến ĐBSCL.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, “từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, Chính phủ rất quan tâm đến ĐBSCL. Tôi làm việc với các vùng thì có lẽ vùng ĐBSCL là nhiều nhất”.

“ĐBSCL có mấy lợi thế nhưng phải bàn, phải làm thì lợi thế ấy mới trở thành nguồn lực, đó là con người, truyền thống lịch sử văn hóa, đất đai, điều kiện khí hậu tự nhiên… Chúng ta có lợi thế nhưng mà không thổi hồn vào bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn thì nó cũng chỉ dừng lại ở mức trung bình, giá trị gia tăng không cao, thu về lợi nhuận không như mong muốn” – người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị bàn giải pháp triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Cần Thơ. Ảnh: CTV

Thủ tướng cũng khẳng định lúa gạo là ngành có lợi thế lớn nhất của nước ta, đặc biệt có lợi thế chính là vùng ĐBSCL. Sản xuất lúa gạo không chỉ là truyền thống lịch sử của dân tộc mà nó còn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam, trong đó đặc biệt là người nông dân ở vùng ĐBSCL. Đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Năm nay nước ta xuất khẩu được hơn 7 triệu tấn gạo…

Thủ tướng cho biết, đến nay, chúng ta đã thực hiện Đề án được gần 1 năm và hội nghị hôm nay nhằm đánh giá lại việc tổ chức thực hiện trong gần 1 năm qua xem cái gì làm được và chưa làm được.

Thủ tướng đánh giá cao, hoan nghênh các tỉnh, thành ĐBSCL, Bộ NN&PTNT vừa qua đã có rất nhiều cố gắng để làm hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, giảm lạm phát, các sản vật sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu…

“Có đau đáu, đam mê, cảm xúc mới phát triển được! Chúng ta phải thực sự có cảm xúc với ĐBSCL, thực sự có trách nhiệm với ĐBSCL, thực sự tự hào về ĐBSCL để từ đó chúng ta thổi hồn vào bằng trách nhiệm, bằng nhiệt tình, bằng khoa học, công nghệ, bằng phát triển hạ tầng thì nó sẽ phát triển” – Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở vấn đề.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng gợi ý các vấn đề cần thảo luận như quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu; phải xây dựng thương hiệu và tiếp tục nâng lên với mục tiêu ăn sạch, ăn ngon; phải có khoa học công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng; vốn thì phải có ngân hàng, quỹ; thị trường thì phải có doanh nghiệp tham gia; liên kết sản xuất lớn…

Các mô hình thí điểm đạt nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo, Bộ NN&PTNT đã cùng các địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh thành, gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.

de-an-1-trieu-ha-lua-1.jpg
Lúa gạo là một trong những lợi thế của ĐBSCL. Ảnh: CTV

Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè – Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực. Cụ thể giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới);

Tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng); giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên 1 ha.

Tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.

Kết quả đạt được các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và HTX tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia Đề án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm