16 người đứng đầu và cấp phó bị cách chức vì để xảy ra tham nhũng

(PLO)- Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay năm 2024, có 52 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 16 người bị cách chức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong ký báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Tại báo cáo, Chính phủ khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng chỉ đạo “kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

52 người đứng đầu, cấp phó bị kỷ luật

Báo cáo cho thấy năm 2024, có 52 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, có 19 người bị khiển trách, 17 người bị cảnh cáo và 16 người bị cách chức.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay có gần 31.700 người kê khai lần đầu; gần 470.400 người đã kê khai hàng năm; gần 43.800 người đã kê khai bổ sung; hơn 94.500 người kê khai phục vụ công tác cán bộ và hơn 592.350 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay năm 2024, có 52 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng. Ảnh: PHẠM THẮNG
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay năm 2024, có 52 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có thẩm quyền đã xác minh tài sản thu nhập năm 2023 với trên 16.350 người. Kết quả, có gần 8.900 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm nộp bản kê khai so với quy định….

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, qua xác minh kết luận, có 19 người không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật xóa tên khỏi danh sách ứng cử, cảnh cáo, cách chức…

Còn để phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định.

Theo đó, số công chức, viên chức phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác là trên 92.140 người. Đến thời điểm báo cáo, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác là 88.640 người (trên 96%).

Chính phủ khẳng định việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

1 trường hợp nộp lại quà tặng với số tiền 3,6 triệu đồng

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng thông tin trong kỳ báo cáo, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành gần 17.250 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện gần 610 vụ việc và trên 750 người vi phạm. Qua đó, đã xử lý hành chính 289 người; chuyển xử lý hình sự ba người; kiến nghị thu hồi hơn 290 tỉ đồng và đã thu hồi được hơn 30 tỉ đồng.

Các bộ, ngành, địa phương cũng kiểm tra hơn 97.650 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện và xử lý 807 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

Liên quan đến việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại gần 89.130 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 1.121 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Đáng chú ý, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay năm 2024, có một trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị với số tiền 3,6 triệu đồng. Trong lực lượng công an, có 53 lượt cán bộ, chiến sỹ công an không nhận hối lộ với số tiền trên 58 triệu đồng.

Sẽ xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy, sợ sai

Đánh giá chung, Chính phủ nhận định một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Trong khi đó, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ còn hình thức, chưa thực chất.

Năm 2025, Chính phủ cho biết sẽ nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Cùng với đó là việc bảo vệ những người đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung với động cơ trong sáng.

Chính phủ cũng khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm