Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Báo chí sữa đổi ngày 26-11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng dự thảo cần thể hiện rõ việc thật sự tôn trọng, thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Cản trở báo chí: Chưa chế tài nghiêm khắc
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Phó Tổng biên tập báo Khoa học Phổ thông (TP.HCM), băn khoăn khi đọc cả dự luật, không có quy định đáng kể, nghiêm khắc nào để chế tài các hành vi cản trở hoạt động báo chí.
Theo bà Trang, việc Chính phủ ban hành quy chế người phát ngôn và các cơ quan hành chính quy một đầu mối phát ngôn là một nét tích cực trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong thực tế cơ chế này chưa phát huy hiệu quả, người phát ngôn chưa thể hiện tốt vai trò cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí. Bà Trang đề nghị cần luật hóa quy chế người phát ngôn với các quy định cụ thể, trách nhiệm hơn.
ĐB Cù Thị Hậu - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam và ĐB Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng thể hiện sự chưa đồng tình với quy định mang tính “siết chặt” trong quản lý nhân sự với cơ quan báo chí. Bà Hậu cho rằng khống chế cứng tuổi nghỉ hưu với tổng biên tập là khiên cưỡng, nhất là với các tờ báo không thuộc diện Nhà nước cấp kinh phí. “Thực tế có những anh 70, thậm chí hơn 80 tuổi vẫn làm tốt. Việc quyết định nhân sự thế nào nên để chủ quản chúng tôi cân nhắc. Thấy đủ năng lực thì cho làm, không có năng lực, lại sai phạm thì khỏe cũng thôi” - bà nói.
Tương tự, theo ông Tùng, lâu nay việc bổ nhiệm phó tổng cũng phải xin ý kiến của Bộ TT&TT là không cần thiết bởi cơ chế quản lý tốt nhất là chỉ nên gõ vào người đứng đầu, tập trung trách nhiệm ở người đứng đầu. “Cả nước 900 cơ quan báo chí, quản đến cả cấp phó, thử hỏi Bộ có biết mặt hết không?”.
ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang nêu ý kiến về dự thảo Luật Báo chí sửa đổi tại hội trường Quốc hội ngày 26-11. Ảnh: NN
Về quy định mới là cơ quan chủ quản báo chí phải định kỳ sáu tháng, một năm báo cáo hoạt động của cơ quan báo chí với Bộ TT&TT, cả ông Tùng, bà Hậu cho rằng không nên, nặng tính giấy tờ. Theo hai ĐB này, tốt nhất là gõ thẳng trách nhiệm của chính người đứng đầu cơ quan báo chí. Chính họ là người nắm rõ nhất, đầy đủ nhất và chịu trách nhiệm lớn nhất về tờ báo và do đó chỉ cần họ báo cáo trực tiếp với cơ quan quản lý là đủ.
ĐB Thuận Hữu - Tổng Biên tập báo Nhân Dân cũng tán đồng với ý kiến này. Ông băn khoăn: “Tại sao lại bắt cơ quan chủ quản báo cáo hoạt động của cơ quan báo chí với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Thế chủ quản là Chính phủ thì Chính phủ cũng phải báo cáo Bộ, rồi Bộ TT&TT là cơ quan chủ quản báo chí thì rồi cũng phải tự báo cáo với chính mình?”.
Ngoài ra theo ông Tùng, quản lý nhà nước nói chung đã phân cấp mạnh cho địa phương thì trong lĩnh vực báo chí cũng nên như vậy. “Báo của cấp tỉnh, TP thì quyết định nhân sự giao cho UBND ở đó là đủ”.
Nới rộng việc cấp thẻ nhà báo
Nhiều vấn đề cụ thể khác của dự luật cũng được đưa ra mổ xẻ. Chẳng hạn, quy định điều kiện phải hành nghề ba năm mới được cấp thẻ nhà báo, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng quá cứng. Bởi thực tế có phóng viên trẻ, ra trường một năm đã có bài đăng tốt, trong khi có người 3-4 năm làm nghề cũng chưa đâu vào đâu.
ĐB Dương Trung Quốc cho rằng các quy định về thủ tục cấp thẻ nhà báo còn nặng mục đích quản lý nhà nước, mà trong thực tế là còn nhiều sơ hở. Về lâu dài, nên bàn giao chức năng đó cho Hội Nhà báo - một tổ chức của chính những người làm báo, có chân rết đến từng cơ quan báo chí. Như thế sẽ làm cho Hội Nhà báo năng động hơn, trách nhiệm hơn, trên nền tảng đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực ứng xử để nâng cao uy tín nghề báo.
Công an xã, phường chỉ hỗ trợ hoạt động điều tra Chiều 26-11, QH đã biểu quyết thông qua dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sẽ có hiệu lực từ 1-7-2016). Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật không quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và có thẩm quyền tố tụng mà chỉ quy định trách nhiệm của cấp này hỗ trợ hoạt động điều tra. Trên thực tế, nhiều trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, bảo vệ hiện trường, phát hiện bắt, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã lẩn trốn trên địa bàn và chuyển ngay cho cơ quan điều tra (CQĐT) có thẩm quyền để thực hiện hoạt động tố tụng. “Dự thảo luật quy định chỉ giao các cơ quan này được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ điều tra là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa và chuyển ngay cho CQĐT có thẩm quyền mà không xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nên không phải là hoạt động tư pháp” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện giải thích thêm. Cụ thể, Điều 44 luật này quy định: Công an phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho CQĐT có thẩm quyền. Cạnh đó, công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho CQĐT có thẩm quyền. Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho CQĐT có thẩm quyền. ĐỨC MINH Các cơ quan báo chí không ngại khó nhưng thật lòng mà nói, người đứng đầu các tòa báo rất dễ mất ngủ khi nhận được tin nhắn chỉ đạo vào thời điểm đêm khuya, khi mà bài báo sắp qua nhà in. Thiết nghĩ dự thảo luật cần quy định rõ ràng về trách nhiệm trong chỉ đạo, định hướng thông tin trên báo chí. ĐBQH ĐOÀN NGUYỄN THÙY TRANG |