TP.HCM có bốn xã, phường có trên 110.000 dân và 51 xã, phường có trên 51.000 dân. Hiện TP đang bố trí số biên chế ở tất cả các nơi là như nhau, với mức tối đa là 37 người.
Trong buổi làm việc với Bộ Nội vụ vào cuối tháng 6-2022, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho hay TP có 5.705 công chức, viên chức dôi dư. Theo ông Nhân, TP nhiều lần kiến nghị Trung ương công nhận con số biên chế thực tế hiện nay nhưng chưa được chấp nhận.
|
Người dân làm thủ tục hành chính tại điểm tiếp nhận và trả hồ sơ khu vực 2, TP Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cấp cơ sở nói thường xuyên quá tải
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết phường có dân số là 107.000 người, khối lượng công việc rất lớn. Chỉ tiêu giao biên chế theo quy định là 37 người nhưng hiện phường chỉ có 34 người. Do đó cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ.
Ông Tuấn chia sẻ, số lượng cán bộ, công chức liên tục giảm qua các năm. Trước năm 2019, phường có 62 người, đến năm 2019 còn 50 và hiện còn 34 người. Với áp lực công việc quá lớn, cao điểm là khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cán bộ nộp đơn xin nghỉ việc, có cả lãnh đạo phường.
Theo vị chủ tịch, cán bộ phường Hiệp Bình Chánh thường phải làm việc đến 20-21 giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Nhiều cán bộ phường tại phường đã 2-3 năm nay chưa có một ngày nghỉ phép, đến thứ bảy, chủ nhật cũng không nghỉ. Nhiều người phải đưa con lên phường để làm việc đến 7-8 giờ, sức khỏe, hạnh phúc gia đình cũng bị ảnh hưởng.
Thời gian qua có hàng ngàn hồ sơ nhà đất bị nghẽn tại TP Thủ Đức và các cán bộ đang làm việc tại đây cũng hiểu rõ nhất về áp lực công việc. Để tạm thời giải quyết tình trạng này, phía Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức đã phải chủ động tăng thêm người làm.
Tại diễn đàn dành cho công chức trẻ được tổ chức hồi tháng 5, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND phường 2, quận 4 cho biết sau khi sáp nhập phường, ngoài việc dân số đông hơn thì địa phương còn gặp khó khăn do nhân sự cũ nghỉ việc, dẫn đến khối lượng công việc rất lớn. Bà kiến nghị cần bổ sung nhân sự cho địa phương, có cơ chế điều chỉnh mức phụ cấp thêm giờ phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng trong diễn đàn đối thoại trên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm đã chia sẻ với áp lực của địa phương. Bà cũng cho hay, từ thực tiễn, TP nhận thấy có quá nhiều bất cập.
"Nếu đúng quy định chỉ với 37 cán bộ, công chức phường, xã thì làm sao giải quyết hết nổi công việc của phường có cả trăm ngàn dân như tại quận Bình Tân hiện nay"- bà nói.
|
Người dân xếp hàng lấy số từ sáng sớm tại điểm tiếp nhận và trả hồ sơ khu vực 2, TP Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN |
TP.HCM sẽ đề xuất cơ chế riêng về biên chế
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm, trong nghị quyết kiến nghị thay thế Nghị quyết 54, TP sẽ đề xuất cơ chế riêng về cơ cấu số lượng cán bộ, công chức cho những phường, xã đông dân.
Về thu nhập của cán bộ không chuyên trách, Sở Nội vụ TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM tăng tiền khuyến khích đại học. Theo đó, cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã có trình độ đại học sẽ được 1 triệu đồng/tháng, trên đại học là 1,5 triệu đồng/tháng. Đồng thời đề xuất mức hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã là 1 triệu đồng/tháng. TP hy vọng với mức đề xuất trên sẽ đủ để thu hút cán bộ ở lại làm việc.
Nói về vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có. Đơn cử như đội quản lý trật tự đô thị, mỗi địa phương có khoảng 50 người. Tính tổng 22 quận, huyện và TP thì con số này là 1.000 người. Hay như Ban quản lý an toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước.
“Với số lượng biên chế hiện nay, với cấp TP hay huyện thì ổn nhưng với phường thì thiếu và yếu”- một cán bộ nguyên là Phó chủ tịch phường chia sẻ và cho hay, công việc ở phường không đơn giản. Vị này nói, lượng công việc không chỉ tính ở bàn giấy mà còn phải đi thực tế để sát sao với đời sống người dân.
Địa phương điều chỉnh biên chế cho phù hợp tình hình
Tại hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng 21 tỉnh thành khu vực miền Nam ngày 23-6 vừa qua, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc cho biết TP.HCM hiện có bốn xã, phường có trên 110.000 dân và 51 xã phường có trên 51.000 dân.
Tỉ lệ dân cư cao nhưng quản lý biên chế bị khống chế như những địa phương khác khiến tiến độ giải quyết công việc cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Từ đó, Ban Tổ chức Thành ủy kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy thí điểm chọn đào tạo cán bộ trẻ, nữ, trí thức trẻ vào chương trình tập sự chức danh Phó Chủ tịch UBND cấp xã, phường để đào tạo cán bộ trẻ, tham gia giải quyết hồ sơ tồn đọng. Khi có điều kiện, đạt tiêu chuẩn nhất định, đáp ứng được yêu cầu sẽ đưa vào quy hoạch.
Ông Lộc cũng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu giao cho các tỉnh ủy, thành ủy quyết định số lượng cấp phó cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Trả lời về vấn đề này, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết Bộ Chính trị đã có quyết định về tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị. Cụ thể, Bộ Chính trị sẽ quyết định con số tổng biên chế. Trong đó, có 0,5% biên chế dự phòng cho những nơi thành lập tổ chức mới, những nơi tăng nhiệm vụ.
Theo lộ trình, năm 2022, các địa phương sẽ giảm 10% biên chế; đến năm 2026 sẽ giảm tiếp 5% biên chế.
Sau khi Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế, Ban Tổ chức Trung ương sẽ có quyết định biên chế cho tất cả các địa phương trong cả nước.
Trưởng Ban tổ chức Trung ương cũng thông tin, Ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy tham mưu Ban Thường vụ để tự phân bổ biên chế cho địa phương một cách hợp lý. Địa phương hoàn toàn có thể điều chỉnh số biên chế phù hợp với yêu cầu của mình.
“Chỗ nào cần thì đông biên chế hơn, chỗ không cần ít biên chế hơn. Sẽ phân cấp phân quyền, toàn bộ biên chế giao lại cho Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, các địa phương tự quyết việc phân bổ chứ không chia tách như cũ”- bà Trương Thị Mai cho hay.
TP.HCM sẽ có đánh giá toàn diện
Trong buổi làm việc với TP.HCM vào tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng việc tăng biên chế công chức, viên chức như kiến nghị của TP.HCM là rất khó vì Ban Chỉ đạo trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị đã chốt biên chế ở cả 63 tỉnh thành.
Với con số 5.705 biên chế dôi dư của TP.HCM, bà Trà cho rằng TP đã không chặt chẽ trong quản lý biên chế, dẫn đến tình trạng dôi dư với con số mà “không có tỉnh nào có tình trạng thế này”. Bà yêu cầu TP phải có giải trình làm rõ nguyên nhân.
Trao đổi tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong tháng 7, TP.HCM sẽ đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có đề xuất, để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ.
Trong cải cách hành chính, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị vào đầu tháng 7, tìm giải pháp cải thiện các chỉ số PAPI, PCI, SIPAS, Par-Index; kết nối cổng dịch vụ công quốc gia, tăng sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai nền tảng giao việc, giám sát trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…