Võ Hà Linh là một reviewer (người đánh giá sản phẩm) trên các nền tảng mạng xã hội, được nhiều người xưng là 'chiến thần review'.
Cô được nhiều cư dân mạng chú ý trong những ngày qua vì những lùm xùm liên quan đến việc “bán phá giá”, “đạp đổ chén cơm người khác”...
Đánh giá sản phẩm bị phản ứng
Review được hiểu là đánh giá, nhận xét sản phẩm đã từng sử dụng. Hà Linh là một người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội với những video review mỹ phẩm, quán ăn,… thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, tương tác. Tuy nhiên, gần đây Hà Linh lại dính vào lùm xùm liên quan đến việc livestream để bán hàng cho một công ty. Trước khi livestream cô này dùng những từ khoá như “18 cành”, “11 cành”, “dọn kho” làm mọi người hiểu nhầm sản phẩm được bán ra với mức giá này.
Tiếp đó, khi livestream diễn ra, Hà Linh lại thông báo bán mức giá khác hoàn toàn, từ đây đã gây nên nhiều tranh cãi như lợi dụng lòng tin khách hàng, thậm chí các nhà thuốc, nhà phân phối của công ty này cũng lên tiếng vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh các sản phẩm. Sau đó, phía công ty và Hà Linh phải lên tiếng xin lỗi các nhà phân phối, nhà thuốc và người tiêu dùng.
Không dừng lại, cư dân mạng lại tiếp tục chỉ trích hàng loạt các video Hà Linh review quán ăn trước đó. Trong nhiều review, Hà Linh liên tục “chê” món ăn với những lời lẽ và biểu cảm thái quá khiến nhiều người bức xúc. Nhiều quán ăn phải đóng cửa, gặp khó trong việc kinh doanh sau màn review của Hà Linh. Thậm chí nhiều quán còn dán hình ảnh cấm Hà Linh trước cửa quán dù Hà Linh đã lên tiếng xin lỗi và tuyên bố sẽ không review quán ăn nữa.
Quán ăn liên tục dán hình ảnh của "chiến thần review" Hà Linh, tài xế xe công nghệ cũng dán hình không chở. Ảnh: TL |
Ranh giới giữa review và bóc phốt
Chia sẻ vớiPLO về vấn đề này, Ths Trần Xuân Tiến, Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Đại học Văn Hiến, nhận định review sản phẩm là một phương thức mang lại những giá trị, ích lợi nhất định. Công chúng, người tiêu dùng rất cần những thông tin tham khảo từ các chuyên gia, người có chuyên môn về một sản phẩm, dịch vụ, nhãn hàng,... mà họ quan tâm, có ý định sử dụng. Nắm bắt nhu cầu này, đánh giá sản phẩm dần trở thành một nghề hái ra tiền, thậm chí thu hút cả những người tưởng chừng không có chuyên môn.
Từ đây, phát sinh những câu chuyện thiếu tích cực. Để tạo được dấu ấn trong lòng công chúng, nhiều reviewer sẵn sàng tạo “phốt”, cố ý chê bai, đưa ra những thông tin gây tranh cãi. Các reviewer này tin rằng càng chê bai, càng tranh cãi, càng tạo sóng, càng khiến dư luận biết đến. Hiện, lối tạo nội dung bẩn kiểu này đang lan rộng, khiến dư luận bức xúc.
Cũng theo Ths Trần Xuân Tiến, review đúng nghĩa phải đảm bảo ba yếu tố: Đưa ra những trải nghiệm sử dụng một cách đa dạng nhất (vì mỗi người dùng là một quan điểm cảm nhận khác nhau); Đưa ra những nhận định mang tính hấp dẫn nhưng vẫn giữ được sự chân thực, không quá đà; Luôn khách quan, không thiên vị, không thiên kiến.
Nếu chỉ vì quen biết mà chủ ý nói tốt và ngược lại vì không thích mà cố tình nói xấu thì sẽ cho ra những nội dung review kém chất lượng. Từ đây cũng cho thấy, nếu cố ý đưa ra những thông tin bất lợi (không có sơ sở) cho nhãn hàng, cho quán xá thì chính là "bóc phốt". Đây là hành vi rất đáng lên án. Ranh giới giữa review và bóc phốt khá gần.
Ths cũng chia sẻ thêm, cần xây dựng hành lang pháp lý, những chế tài thích hợp, nhằm tăng tính ràng buộc, tinh thần trách nhiệm của các reviewer (người đánh giá sản phẩm) và cần thực hiện sớm để làm sạch hóa môi trường không gian mạng.
Cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của công chúng về việc tiếp nhận các sản phẩm review. Công chúng cần tỉnh táo, nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Các nhãn hàng, thương hiệu, chủ quán cần xây dựng kênh truyền thông chính thống để kịp thời cung cấp thông tin cho công chúng, người dùng, tránh tạo khoảng trống thông tin để những reviewer xấu có cơ hội hoành hành.
Sau sự việc lùm xùm, Hà Linh xin lỗi và nhận sai khi review quán ăn. Ảnh: Chụp màn hình |
Quán ăn có được phép dán hình ảnh của Hà Linh?
Trao đổi với PLO, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ khoản 4, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, mọi người đến quán ăn, nhà hàng với tư cách người tiêu dùng thì có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Review sai sự thật là việc làm trái luật. |
Hiện nay chưa có điều khoản nào cấm các hành vi đánh giá hay chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, bởi vì, những người này cũng là khách hàng, họ chỉ chia sẻ những cảm nhận, quan điểm, cách nhìn nhận của họ khi trải nghiệm một món ăn, dịch vụ.
Tuy nhiên, nếu việc chia sẻ, đánh giá sản phẩm không trung thực, có cơ sở để cho thấy việc review đó là sai sự thật thì chủ quán có quyền yêu cầu xử lý người đó. Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đưa thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (điểm d khoản 1 Điều 8).
Bên cạnh đó, theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022) cũng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Về phía các chủ quán ăn, do phải bảo vệ "nồi cơm" của mình nên họ dán ảnh miễn tiếp reviewer để việc kinh doanh được yên ổn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc dán hình ảnh "miễn tiếp" một cá nhân mà không được cá nhân đó đồng ý cho sử dụng hình ảnh là vi phạm pháp luật. Theo điều 32 BLDS 2015 thì các cá nhân có quyền nhân thân với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Review sai sự thật, bị xử lý sao?
Nếu cố tình review sai sự thật, gây thiệt hại cho các chủ nhà hàng, quán ăn thì đó là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các Điều 99, 100, 101, 102 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022), cụ thể:
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm.
Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm.
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm....
Mức phạt trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM