Ngày 13-7, tại phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Nâng vốn điều lệ để bảo vệ người lao động
Một trong những nội dung được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là điều kiện cấp giấy phép cho doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, hiện việc sử dụng khái niệm “vốn chủ sở hữu” của DN xuất khẩu lao động là không thống nhất với quy định của Luật DN. Cạnh đó, nhiều ý kiến khác đồng ý với đề xuất của Chính phủ cần nâng vốn chủ sở hữu lên mức không thấp hơn 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở nâng vốn chủ sở hữu lên 5 tỉ đồng; không nên quy định cứng mức 5 tỉ đồng trong luật mà nên để trong văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng quy định nâng điều kiện về người đại diện theo pháp luật có kinh nghiệm từ ba năm lên năm năm là chưa thuyết phục, nên giữ như quy định hiện hành.
Theo bà Thúy Anh, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đồng ý chỉ quy định về vốn điều lệ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật DN; mức vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỉ đồng. Cùng đó là giữ quy định về thời gian năm năm kinh nghiệm đối với người đại diện theo pháp luật của DN dịch vụ.
Bà Thúy Anh phân tích đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến người lao động làm việc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nên các quy định chặt chẽ, đòi hỏi cao hơn bình thường là cần thiết. Điều này không chỉ góp phần tăng cường quản lý đầu vào mà còn duy trì các điều kiện hoạt động đối với DN, nâng cao việc bảo vệ người lao động…
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH
Loại trừ doanh nghiệp “tay không bắt bóng”
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập đến hai khái niệm “vốn chủ sở hữu” và “vốn điều lệ”. Theo Bộ trưởng Dung, “vốn điều lệ” là do DN tự khai nên “hôm nay khai báo nhưng ngày mai có khi không còn đồng nào”.
“Vốn chủ sở hữu là vốn duy trì thường xuyên của DN và chúng ta kiểm soát được. Đối với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, DN chịu trách nhiệm đến cùng. Vì vậy, khi xảy ra vấn đề gì, Nhà nước có quyền yêu cầu DN sử dụng vốn này hỗ trợ cho người lao động” - ông Dung nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với giải thích trên của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. “Vốn chủ sở hữu là công cụ để chúng ta quản lý, có thể dùng từ là “nắm được gáy” ông DN đó. Chứ ông chẳng có vốn gì cả, toàn bắt bóng, dùng vốn của người khác thì cũng là vấn đề” - ông Hiển nhấn mạnh và cho rằng quy định “vốn chủ sở hữu” không mâu thuẫn với Luật DN.
Cần quy định riêng về lao động vùng giáp biên
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng lao động ở khu vực biên giới tiếp giáp nước khác không phải là đối tượng được điều chỉnh bởi luật này. Đây là đối tượng có rất nhiều đặc thù do điều kiện văn hóa, lịch sử. “Việc họ đi qua lại biên giới, sáng đi lao động bên Trung Quốc chẳng hạn, chiều tối về nhà ngủ là chuyện bình thường” - ông Tùng nói và đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu có quy định riêng, có thể dưới dạng nghị định, để quản lý đối tượng này.
Đáp lại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã bàn rất nhiều lần về vấn đề này. Lao động vùng biên hiện nay không chỉ ở biên giới phía Bắc, cả Lào, Campuchia, Thái Lan rất nhiều… “Việc qua lại diễn ra thường xuyên, cũng có trường hợp sáng đi tối về, có khi đi vài tháng, vài năm rồi về. Về bản chất, đây là di cư lao động tự do (lao động biên giới chỉ là khái niệm quen dùng) nên không thể quy định trong luật này được” - ông Dung khẳng định.
“Chúng tôi đang bàn với Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Bộ Tư pháp, sau khi luật này thông qua cùng với Bộ luật Lao động, nếu được xin ban hành một nghị định riêng để quản lý người lao động vùng giáp biên” - ông Dung nói.
Cần thị trường cạnh tranh về xuất khẩu lao động Tại phiên họp, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng luật ra đời sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh về xuất khẩu lao động. Do đó, sau khi luật này có hiệu lực thì sẽ xuất hiện những vấn đề cần quan tâm như đào tạo, quản lý lao động để đảm bảo một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Trong dự luật có đề cập đến vấn đề về các trung tâm dịch vụ việc làm, vậy trung tâm này là đơn vị quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp? Hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, “ăn” vào ngân sách và nhân lực của Nhà nước để thực hiện việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, cần sớm chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công ngành dịch vụ việc làm theo hướng để DN đấu thầu vấn đề đào tạo, quản lý lao động, giúp Nhà nước làm tốt hơn về vấn đề này. Từ xã hội hóa dịch vụ công sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh giữa các DN dịch vụ việc làm (cả nội địa và xuất khẩu). Đi làm theo hợp đồng được pháp luật bảo vệ Trong luật này, phạm vi, đối tượng là những người lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nó có chữ “theo hợp đồng” và được pháp luật bảo vệ theo luật này chứ không phải đi lao động tự do, đi thăm thân nhân hay du học… Chuyên gia cũng không thuộc đối tượng này vì chuyên gia đi làm việc ở các nước theo nhiều hình thức, có thể theo hiệp định giữa chính phủ nước ta với chính phủ nước khác hoặc đưa chuyên gia y tế qua giúp nước bạn... Lao động ở vùng ven biên giới cũng không thuộc đối tượng của luật này. Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN |