Ngày 24-10, bên lề hội nghị cải thiện năng suất lao động, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã cho biết quan điểm của mình về hai phương án nghỉ tết (bảy hoặc 10 ngày) vừa được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, ông ủng hộ phương án nghỉ bảy ngày.
Theo ông Lợi, số ngày nghỉ lễ, tết hằng năm của Việt Nam là 20 ngày, so với quốc tế không cao nhưng so với tình tình hình kinh tế-xã hội, năng suất lao động của Việt Nam thì dài và lãng phí. Nhiều người cho rằng nghỉ dài quá tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng nhưng nghỉ quá dài không có lương, thu nhập thì lấy gì để kích cầu tiêu dùng. “Nói tóm lại, quan điểm của tôi là nghỉ tết Nguyên đán bảy ngày, nó vừa đảm bảo được truyền thống con người Việt Nam, đồng thời phương án nghỉ bảy ngày là hợp lý, hợp tình và đảm bảo được sự phát triển kinh tế đất nước...” - ông Lợi nhấn mạnh.
"Phương án nghỉ bảy ngày là hợp lý, hợp tình và đảm bảo được sự phát triển kinh tế đất nước” - ông Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến. Ảnh: diemtin247
Trong khi đó, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng nên nghỉ tết 10 ngày. “Vì người lao động làm việc cả năm cực nhọc, tết là lúc họ có cơ hội về quê hương thăm gia đình, bạn bè. Nếu không cho họ nghỉ đủ thời gian thì họ cũng nghỉ phép, như vậy doanh nghiệp không có người để sản xuất. Bên cạnh đó, việc nghỉ dài ngày có thể giúp kích cầu tiêu dùng, du lịch; đồng thời đỡ tạo áp lực ùn tắc giao thông...” - ông Chính nói.
Liên quan đến nhiều doanh nghiệp cho rằng nghỉ dài ngày ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, ông Chính cho rằng sau khi Chính phủ có quyết định, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch tốt thì không ảnh hưởng gì. “Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác họ cũng nghỉ tết dài ngày, quan trọng là sau khi nghỉ tết chúng ta phải làm việc một cách nghiêm túc, nếu sau đó thăm thú, chúc tết là không ổn…” - ông nói.
Về vấn đề trên, ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho rằng quan điểm nghỉ dài ảnh hưởng đến công việc chỉ đúng với các cơ quan cung cấp dịch vụ công. “Riêng khu vực cán bộ, công nhân viên, công nhân lao động quê ở xa, bản thân họ muốn có thời gian nghỉ dài để giải quyết các công việc gia đình, có thêm thời gian thăm hỏi người thân sau một năm làm việc cực nhọc…” - ông Bình cho biết.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án nghỉ tết Nguyên đán Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo về phương án nghỉ tết Nguyên đán. Theo đó, phương án thứ nhất, số ngày nghỉ tết Nguyên đán là năm ngày, công chức sẽ nghỉ từ thứ Năm ngày 26-1 đến thứ Tư 1-2-2017 (tức 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Do mùng 1, mùng 2 tết Âm lịch rơi vào hai ngày cuối tuần, công chức được nghỉ bù vào mùng 4, mùng 5 tết. Tổng cộng có bảy ngày nghỉ và không hoán đổi. Phương án thứ hai, trong dịp tết Nguyên đán 2017, người lao động từ ngày 30 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu (tức ngày 27-1 đến hết ngày 5-2-2017). Việc hoán đổi ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ, công chức đi làm thứ Bảy 11-2 và nghỉ thứ Sáu ngày 3-2-2017 để kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tục. Trong hai phương án, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng phương án nghỉ bảy ngày là hài hòa, không quá ngắn cũng không quá dài. |