ĐẢO CHÍNH Ở THÁI LAN

Quân đội giải tán Thượng viện, bà Yingluck an toàn

Quân đội đang cầm quyền ở Thái Lan sau đảo chính đã tuyên bố giải tán Thượng viện. Thông báo được phát trên đài truyền hình vào chiều 24-5 khẳng định: “Từ nay về sau mọi đạo luật cần Hạ viện hoặc Thượng viện thông qua sẽ do tổng tư lệnh phê chuẩn”.

Tiếp tục triệu tập thêm 35 người

Sáng 24-5, tại cuộc họp báo đầu tiên sau đảo chính, người phát ngôn quân đội Winthai Suvaree thông báo quân đội đã bắt giữ nguyên Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cùng nhiều thành viên nội các cũ.

Người phát ngôn cho biết những người bị bắt đang ở nơi an toàn và được chăm sóc tốt; họ sẽ được trả tự do vào thời điểm khác nhau, có người ba ngày, người năm ngày nhưng không ai bị giữ quá một tuần. Theo đạo luật về thiết quân luật, những người bị bắt có thể bị tạm giữ trong vòng một tuần.

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ quân đội Thái Lan cho biết những người bị bắt đã được tách ra và giam giữ ở nhiều nơi. Trong cuộc họp báo, quân đội từ chối công bố số người bị giữ nên chưa rõ số người bị bắt là bao nhiêu.

Báo chí Thái Lan đưa tin bà Yingluck được chuyển đến doanh trại quân đội ở tỉnh Saraburi. Tuy nhiên, hãng tin Reuters khẳng định bà Yingluck đang ở một nơi an toàn chứ không bị giam giữ trong căn cứ quân sự. Trung tướng Tirachai Nakwanich cho biết sức khỏe của bà tốt và thời hạn trả tự do cho bà tùy thuộc vào thái độ hợp tác của bà.

Biểu tình phản đối thiết quân luật ngày 23-5 ở  thủ đô Bangkok. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong cuộc họp với những người bị triệu tập hôm 23-5 (lệnh triệu tập gửi đến 114 người), Tướng Tổng Tư lệnh Prayuth Chan-ocha thông báo: “Trước bầu cử, chúng tôi phải tiến hành cải cách kinh tế, xã hội và chính trị. Khi tình hình đã yên ổn, chúng tôi sẵn sàng trả lại quyền lực cho nhân dân”. Tuyên bố này cho thấy quân đội sẽ còn cầm quyền lâu dài.

Ngày 24-5, quân đội cũng đã triệu tập thêm 35 người đến trình diện tại câu lạc bộ quân đội lúc 16 giờ cùng ngày. Trong số này có các giáo sư đại học và ông Sondhi Limthongkul, người khởi xướng phong trào biểu tình chống bà Yingluck (phe áo vàng).

Biểu tình phản đối đảo chính

Chuyên gia Paul Chambers ở ĐH Chiang Mai nhận định, sở dĩ bà Yingluck và nhiều nhà chính trị bị bắt giữ vì nếu không họ có thể trốn ra nước ngoài thành lập chính phủ lưu vong. Trường hợp này đã từng xảy ra vào năm 2006 khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra (anh của bà Yingluck) bị lật đổ. Sau đó ông này sống lưu vong và giật dây để đảng của ông trở lại cầm quyền trong cuộc bầu cử cuối năm 2007.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf thông báo do đảo chính ở Thái Lan, Mỹ đã ngưng cấp khoản viện trợ quân sự 3,5 triệu USD cho Thái Lan và đang suy tính về khoản còn lại. Số tiền này gần bằng 1/3 kinh phí viện trợ hằng năm của Mỹ cho Thái Lan (10,5 triệu USD năm 2013).

Người phát ngôn cũng cho biết Mỹ đang xem xét lại các khoản viện trợ của Mỹ cho các tổ chức quốc tế như ASEAN để xem phần dành cho Thái Lan trong các khoản này là bao nhiêu. Người phát ngôn cho biết Mỹ đã tiếp xúc với các tướng quân đội Thái Lan và đã kêu gọi khôi phục ngay các luật dân sự và tái lập dân chủ.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã kêu gọi quân đội Thái Lan trả tự do cho những người bị giữ và nhanh chóng tái lập dân chủ.

Ngày 24-5, bất chấp lệnh thiết quân luật (cấm tụ tập trên năm người), khoảng 100 người thuộc phe áo đỏ (ủng hộ bà Yingluck) đã tập trung biểu tình trước trung tâm thương mại ở trung tâm Bangkok để tố cáo đảo chính. Chiều hôm trước, hàng trăm người cũng đã biểu tình gần quảng trường Dân chủ. Trong số này có nhiều sinh viên.

Du khách không quá lo ngại

Quân đội đảo chính mang lại niềm vui cho phe chống đối bà Yingluck và nỗi hụt hẫng cho phe ủng hộ bà Yingluck. Dù vậy, cuộc sống người dân Bangkok vẫn diễn ra bình thường.

Cô Katinka Nauta, 22 tuổi, người Hà Lan mới đến Bangkok, nói: “Tôi cũng hơi sợ một chút. Tôi chưa từng sống trong cảnh này. Tôi sẽ về khách sạn trước 22 giờ cho an toàn”. Thật ra quân đội đã thông báo lệnh giới nghiêm không áp dụng cho hành khách quốc tế và một số bộ phận như dịch vụ cấp cứu.

Đài truyền hình TF1 (Pháp) đưa tin Bộ Ngoại giao Pháp và đại sứ quán Pháp tại Thái Lan nhận định tình hình Thái Lan vẫn yên tĩnh, tuy nhiên đã đưa ra khuyến cáo đối với công dân Pháp ở Thái Lan như sau:

Tôn trọng lệnh giới nghiêm từ 10 giờ đêm tới 5 giờ sáng.

Tránh biểu tình và tập trung đông người.

Tốt nhất không nên đến một số địa điểm ở Bangkok vốn là địa điểm biểu tình như đại lộ Utthayan ở quận Thawi Watthana, đại lộ Ratchadamnoen, đoạn từ tòa nhà chính phủ (văn phòng thủ tướng) đến cầu Fa Lilat và khu Chaeng Wattana (tổ hợp văn phòng chính phủ).

Tính toán thời gian di chuyển ra sân bay vì có thể có tắc nghẽn giao thông và gặp chốt kiểm soát.

Thái Lan là địa điểm du lịch hàng đầu ở Đông Nam Á của du khách Pháp.

Năm 2013, có 600.000 du khách Pháp đến Thái Lan. Trên thực tế, các công ty du lịch lữ hành của Pháp chẳng e ngại tình hình đảo chính ở Thái Lan. Các công ty này cho biết Thái Lan thường xuyên xảy ra đảo chính và biểu tình nên mọi người đã quen rồi, hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm