Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố là đơn vị đầu tiên vào đến Mosul từ cánh phía đông (ảnh), sau đó đã đánh chiếm đài truyền hình và tấn công khu phố Al-Karama. Tối đêm trước, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi phấn khích tuyên bố: “Hoặc bọn chúng sẽ bị tiêu diệt hoặc chúng phải đầu hàng”.
Ngày 1-11 bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch tái chiếm Mosul. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất vì sẽ có đánh cận chiến với quân IS trong đô thị với nguy cơ bắn tỉa, mìn bẫy. Iraq triển khai gần 50.000 quân được liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu yểm trợ về không quân và pháo binh để tiêu diệt từ 3.000 đến 5.000 tay súng IS.
Theo các chuyên gia, chiến dịch tái chiếm Mosul diễn ra nhanh chóng vì liên minh chống IS mong muốn chuẩn bị chiến dịch đánh căn cứ IS ở Raqqa (Syria) bởi đây là cơ quan đầu não chỉ đạo các vụ tấn công khủng bố ở các nước phương Tây.
Trong khi đó, ngày 1-11, Thủ tướng Haider al-Abadi đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng Iraq sẽ đối xử với Thổ Nhĩ Kỳ như kẻ thù nếu Thổ Nhĩ Kỳ gây ra xung đột ở miền Bắc Iraq đồng thời khẳng định Iraq không muốn gây chiến với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, cơ quan tình báo quân sự Iraq ghi nhận Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa một đoàn xe quân sự khoảng 30 chiếc chở xe tăng và pháo đến khu vực gần biên giới Iraq.
Ankara đã nhiều lần bày tỏ ý định muốn giữ vai trò trong chiến dịch hành quân tái chiếm Mosul. Tuy nhiên, Baghdad kiên quyết không chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp và tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò lực lượng chiếm đóng. Iraq yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân đồn trú khỏi căn cứ ở phía bắc Mosul. Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến đây với danh nghĩa huấn luyện cho lực lượng người Kurd.
Ngày 2-11, đại sứ quán Mỹ tại New Delhi thông báo công dân Mỹ tại Ấn Độ cần cảnh giác vì có khả năng quân IS tấn công vào các mục tiêu tại Ấn Độ. Công dân Mỹ được khuyến cáo tránh đến các địa điểm có nhiều nguy cơ như các nơi tôn giáo, chợ búa và lễ hội.