Quản lý chặt việc chuyển tiền thu được từ địa ốc ra nước ngoài

(PLO)-  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng siết chặt tín dụng cho đầu tư phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan Thanh tra – Giám sát của NHNN chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố yêu cầu quản lý chặt chẽ tính hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), chuyển tiền thu được từ BĐS ra nước ngoài.

Đồng thời, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Dự ước đến cuối tháng 4, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021.

Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ này nhiều năm trước đây. Tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng cao, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế thành phố phục hồi nhanh.

Trong đó tín dụng bằng VND chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng (chiếm 93%) và tăng trưởng 7,6% so với cuối năm 2021”.

Theo thống kê của NHNN Việt Nam, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2 đạt xấp xỉ 2,7% so với đầu năm, chỉ tăng nhẹ so với mức tăng 2,5% của tháng 1.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng tháng 2 không thay đổi nhiều so với tháng trước đó. Tuy nhiên, tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4. Theo ước tính của NHNN, đến hết tháng 3, tăng trưởng tín dụng đạt 5,0% và tính đến 19-4 ước đạt 6,4%.

Các chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4 ước tăng trên 16% so với cùng kỳ, cao hơn 2% so với mục tiêu tăng trưởng cả năm là 14%.

Mới đây NHNN cũng cho biết có thể sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng tùy vào tình hình thực tế. Mặc dù hoạt động cho vay các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, BĐS đang bị siết lại, hiệu ứng từ việc siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây sẽ khiến áp lực vay vốn dồn sang hệ thống ngân hàng, đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay.

Trong bối cảnh ngân hàng siết chặt tín dụng BĐS, các doanh nghiệp BĐS tiếp tục đẩy mạnh kênh phát hành trái phiếu.

Theo số liệu mới nhất về thị trường trái phiếu quý I/2022 do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam công bố, trong quý tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng khoảng 18,98% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu đến từ ba nhóm ngành gồm BĐS, ngân hàng và xây dựng (tăng 18.346 tỉ đồng).

Riêng nhóm BĐS vẫn dẫn đầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp về khối lượng phát hành, tổng giá trị ở mức 28.581 tỉ đồng nhờ gói phục hồi kinh tế với ngân sách gần 114.000 tỉ đồng.

Vị trí thứ hai về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong ba tháng đầu năm là nhóm các doanh nghiệp xây dựng với tổng giá trị phát hành đạt 8.280 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm