Ông Bình đã được chi trả năm tháng lương hưu bị neo, đại diện UBND phường 7, quận 3, TP.HCM (nơi có cán bộ làm khó) cũng đã đến nhà ông xin lỗi... Nhưng sự kiện này gợi lên cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ: Quan rồi cũng về làm dân, cũng bị làm khó dễ khi có việc liên hệ với các cơ quan nhà nước.
Vấn đề là tại sao chỉ đến khi về làm dân thì các cựu quan chức mới nếm trải một cách cay đắng về cái sự hành này? Tại sao điều này họ không được trải nghiệm sớm hơn?
Ông Nguyễn Chiến Bình và một số giấy tờ liên quan đến việc tiền lương hưu của ông bị ách tắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bạn đã từng đi làm thủ tục nhà đất chưa? Từng đi làm cái giấy xác nhận độc thân chưa? Từng làm KT3, hộ khẩu chưa?... Là dân, chắc ai cũng từng nếm trải điều này. Phải nói là trần ai khoai củ nếu bạn không dùng “quyền trợ giúp” - nhờ người thân, quen là cán bộ, lãnh đạo trong lĩnh vực mà bạn cần hoặc thậm chí là… phong bì.
Là người có biết chút ít về luật, trước khi đi làm các thủ tục trên, tôi đã cẩn thận tra cứu các quy định liên quan để chuẩn bị những giấy tờ cần thiết khi đến cơ quan công quyền. Ấy thế nhưng tôi phải chạy tới chạy lui nhiều lần, phải luôn nở nụ cười cầu cạnh và hạ mình xuống nước trong giao tiếp với các cán bộ thụ lý… mà vẫn không ăn thua. Đến khi cầm cái tờ giấy xác minh, xác nhận, chứng nhận… trong tay, lòng thằng dân là tôi vui như trúng số.
Những lúc như vậy tôi tự hỏi những ông quan có trải qua cảnh khổ này không, có thấy còn nhiều điều bất hợp lý trong những quy định rườm rà, không cần thiết nhưng lại là cái cớ khiến người dân bị hành hay không?
Cô giáo tôi, người giảng dạy về luật hành chính, kể cô đã phải khổ sở thế nào khi đi làm hồ sơ nhà đất. Và rồi do không thể cứ nghỉ dạy để đi bổ túc hồ sơ, cô đã phải nhờ chính học trò mình, là một cán bộ to to, nói đỡ một tiếng để cô được nhanh chóng có được cái giấy đỏ trong tay.
Kể ra điều này là tôi muốn đi đến một phán đoán, có thể hơi chủ quan, rằng các quan chức vẫn có nhu cầu làm các giấy tờ liên quan trong cuộc sống nhưng có thể họ đã không trực tiếp đi làm. Anh lính dưới quyền cầm hồ sơ của thủ trưởng qua cơ quan nọ làm giấy thì ai còn dám làm khó. Có thể đấy là lý do khiến nhiều quan chức không hề biết về cái sự khốn khổ khi đi làm thủ tục giấy tờ cho đến khi họ về hưu…
Quan chức là một công chức nhà nước nhưng là công chức có chức vụ, vị trí lãnh đạo. Ngoài làm việc, vận hành theo quy định pháp luật, quan chức còn có thể tham gia, tác động vào quá trình “đẻ” ra các quy định. Trong khi đó, một công chức bình thường chỉ cần là người làm việc theo quy định, tuân thủ và thừa hành theo những khuôn mẫu được “lập trình” sẵn.
Một cách hình ảnh, công chức như những robot trong dây chuyền hệ thống vận hành, cứ thế mà làm, chỉ cần mọi thứ chệch đi một chút là họ từ chối, bỏ qua. Bởi vậy, đòi hỏi những robot phải luôn nở nụ cười thân thiện và giải quyết linh động mọi vấn đề khi gặp vướng mắc là yêu cầu khắt khe nhưng không phải là không thể. Muốn vậy, phải có ai đó “lập trình” để đưa nội dung nụ cười này vào quy trình vận hành của robot, tức phải “đẻ” ra quy định tốt. Những người “lập trình” ấy phải là những quan chức.
Vì thế, tôi ước gì các quan chức được “trải nghiệm” nếm trải những khổ ải mà người dân gặp phải hằng ngày ngay khi còn đương nhiệm. Từ đó họ có trách nhiệm hơn trong việc tham gia, tác động để “đẻ” ra những quy định không hành dân, để có những “lập trình” buộc robot-công chức phải mỉm cười khi làm việc với những “ông chủ” nộp thuế trả lương cho mình.
Quan nhất thời, dân vạn đại. Quan rồi cũng về làm dân. Mong rằng các ông quan cố gắng làm tốt hơn nữa chức phận của mình để một mai về làm thứ dân thì không còn phải đắng cay vì bị hành.